Tăng cường hợp tác khu vực qua chương trình trao đổi sinh viên Quốc tế lần 4

Tăng cường hợp tác khu vực qua chương trình trao đổi sinh viên Quốc tế lần 4

(GD&TĐ) - Sáng nay (16/11), Hội thảo Đánh giá thường niên chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Đông Nam Á lần thứ 4 do Bộ Giáo dục- Đào tạo phối hợp với Đại học Huế và tổ chức SEAMEO-RIHED thực hiện chính thức được khai mạc tại Đại học Huế (TP. Huế).

Tham dự Hội thảo có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học- Bộ Giáo dục - Đào tạo, đại diện lãnh đạo Đại học Huế và các đại biểu đến từ các trường đại học của 6 nước thành viên tham gia chương trình bao gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam.

Hội thảo Đánh giá thường niên chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Đông Nam Á lần thứ 4.
Hội thảo Đánh giá thường niên chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Đông Nam Á lần thứ 4.

Được chuẩn bị từ năm 2009 và chính thức khởi động từ năm 2010 với 3 nước đầu tiên tham gia là Malaysia, Indonesia và Thái Lan (gọi tắt là MIT), Hội thảo chương trình trao đổi sinh viên Quốc tế Đông Nam Á được tổ chức lần này nhằm đánh giá hoạt động và tạo diễn đàn để các Bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cách thức thực hiện hiệu quả từ các chương trình. Đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục, các trường đại học ở các nước Đông Nam Á.

PGS.TS. SauwoKon Ratanawijitrasin, Giám đốc Trung tâm SEAMEO-RIHED nhấn mạnh: “Việc trao đổi sinh viên giữa các nước Đông Nam Á sẽ góp phần tăng cường chuẩn hóa giáo dục theo hướng quốc tế, hội nhập sinh viên giữa các trường đại học trong khu vực. Đến năm 2013, chương trình sẽ mở rộng quy mô lên 300 sinh viên, 7 ngành học với 5 quốc gia là Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam và Brunei”.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á đã thẳng thắn trao đổi những kinh nghiệm cũng như có sự đánh giá về quá trình hoạt động của chương trình trong 3 nhiệm kì vừa qua. Đại biểu đến từ Indonesia đề nghị nên mở rộng thêm ngành tin học, Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Đại biểu đến từ trường đại học Thái Lan lại cho rằng Việt Nam nên có sự lựa chọn đúng các ngành giữa các trường đại học sao cho phù hợp. Ví dụ như ngành Lâm nghiệp thì nên chọn trường đại học Cần thơ hay là một trường đại học nào khác để thuận lợi khi sinh viên tham gia chọn ngành học.

Các đại biểu cũng hướng đến cách giải quyết các thủ tục khi sinh viên được trao đổi và gia nhập vào các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á, những khó khăn về học chế tín chỉ… đã được các đại biểu đưa ra bàn luận. 

PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Đông Nam Á bắt đầu từ 3 nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chính thức tham gia chương trình này từ tháng 3 năm 2012. Việc trao đổi sinh viên không phải là việc quá mới giữa các trường Đại học Việt Nam. Và mục tiêu của Bộ trưởng các nước trong ASEAN hướng đến là thúc đẩy việc trao đổi sinh viên giữa các nước với nhau, tăng cường sự hợp tác và học tập kinh nghiệm giữa sinh viên và các trường đại học”.

Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn còn mong muốn các trường đại học ở việt Nam tích cực gửi sinh viên tham gia vào chương trình này trong 1 thời gian nhất định và đồng thời tiếp nhận sinh viên các nước trong khu vực để tạo ra môi trường hòa đồng giữa các nước ASEAN. Đồng thời yêu cầu các trường tổ chức chương trình học như thế nào cho hợp lý, nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với từng ngành.

Hiện tại, Việt Nam có các ngành học như Kinh tế tài chính, Lâm nghiệp (trồng rừng),  Công nghệ, Môi trường và Thú y thu hút sinh viên các trường đại học trong khu vực. Và dự kiến đến năm 2015, chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Đông Nam Á được mở rộng đến 10 quốc gia và sẽ có 500 sinh viên tham gia du học với 10 ngành học. 

Anh Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ