Trao đổi du học sinh ngắn hạn: Thêm “giá trị gia tăng” cho sinh viên

GD&TĐ - Từ các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế với các trường đối tác, các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm học bổng dài hạn và cả học bổng ngắn hạn theo diện trao đổi SV từ 6 tháng đến một năm. 

Phan Minh Thư và Ngô Nguyễn Phương Thảo tham gia sự kiện Global week trong thời gian học chuyển tiếp tại ĐH Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh) - Ảnh nhân vật cung cấp
Phan Minh Thư và Ngô Nguyễn Phương Thảo tham gia sự kiện Global week trong thời gian học chuyển tiếp tại ĐH Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh) - Ảnh nhân vật cung cấp

Đây là cơ hội để SV được hòa nhập vào môi trường học tập quốc tế, với những trải nghiệm mới về phương pháp học tập, ngôn ngữ, văn hóa…

Hòa nhập với môi trường giáo dục quốc tế

Nguyễn Hoài Đức, Nguyễn Thị Uyên Thao và Nguyễn Quang Thanh là ba trong năm SV của trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đang học tập tại Đức theo diện học bổng trao đổi SV giữa trường ĐH Kinh tế với trường ĐH Khoa học ứng dụng Westphalian (Đức). Nguyễn Hoài Đức nhận xét: “Ấn tượng đầu tiên của mình là tính độc lập cao của môi trường học tập. Ở đây, mình được học tất cả 6 môn, tuy nhiên ở bất kỳ môn học nào thì thời gian thầy cô trực tiếp đứng lớp rất ít, chủ yếu thầy cô hướng dẫn bọn mình tự nghiên cứu về các chủ đề học thuật liên quan”.

Điều mà Nguyễn Hoài Đức học hỏi được chính là kỹ năng học tập theo nhóm, “các bạn SV quốc tế đề cao tính công bằng trong phân chia trách nhiệm cho từng thành viên. Trường Westphalian cũng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại và tự động, SV có thể tự sử dụng máy in, máy photocopy trong thư viện hoặc mượn sách, tài liệu đều tự động và số hóa”.

Cũng vừa hoàn thành chương trình học 6 tháng tại ĐH Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh), hai bạn Phan Minh Thư (K41) và Ngô Nguyễn Phương Thảo (K40), khoa Thương mại, trường ĐH Kinh tế cho biết, thời gian du học tuy ngắn nhưng giúp hai bạn cải thiện tiếng Anh rõ rệt. Theo như nhận xét của Minh Thư và Phương Thảo, cách dạy và học ở ĐH Cardiff khác so với Việt Nam khá nhiều. Một ngày của SV tại đây bắt đầu từ lúc 9h sáng, xuyên trưa và kết thúc lúc 18h tối, còn ăn trưa thì các bạn ăn tại căn tin trường hoặc thức ăn mang theo sẵn.

Minh Thư chia sẻ: “Mỗi môn học được chia làm hai phần, mỗi phần kéo dài tầm một tiếng đồng hồ và học hai buổi khác nhau. Phần thứ nhất là lecture: SV nghe thầy cô giảng phần lý thuyết; phần thứ hai là seminar, tức là buổi thảo luận và nghiên cứu chuyên đề, đây là phần học hoàn toàn chủ động của SV. Ở phần này, mọi người sẽ tự tìm tài liệu sau đó trình bày kiến thức mình đã tìm thầy, thảo luận,, trao đổi với những bạn SV khác và tự rút ra nội dung bài học. Người thầy lúc này đóng vai trò cung cấp tài liệu, lắng nghe, sửa chữa cũng như bổ sung kiến thức cho SV nếu cần thiết. Phương pháp học như vậy giúp SV chủ động hơn trong việc học rất nhiều”.

Đầu tư đào tạo nhân lực mũi nhọn

Năm 2016, ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng có 20 đợt chuyển tiếp cho SV theo chương trình trao đổi SV với thời gian học từ 6 tháng đến 2 năm. Năm 2017 số lượng tăng hơn, chỉ tính riêng sang Đức đã có 10 SV. Theo TS. Nguyễn Phúc Nguyên – Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế cho biết, chương trình đào tạo các lớp chất lượng cao của trường đã gần như tiệm cận với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Chính điều này tạo thuận lợi rất nhiều khi nhà trường thực hiện chương trình trao đổi SV với các trường ĐH đối tác. “Tuy nhiên, việc chuyển tiếp SV mới chỉ thực hiện được ở những khoa có tính quốc tế như Thương mại, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng, Marketing, Kế toán và Du lịch. Một thuận lợi là đội ngũ giảng viên nhà trường có nhiều kinh nghiệp trong viết dự án quốc tế để xin tài trợ học bổng cho SV” – TS Nguyên chia sẻ.

TS Nguyễn Phúc Nguyên cho biết: “Trong các dự án trao đổi SV, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho SV tối đa, làm sao để các em được cấp học bổng toàn phần và cả sinh hoạt phí. SV du học theo diện chuyển tiếp là con đường ngắn nhất để tiếp cận với môi trường đào tạo quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian đi du học tuy ngắn, nhưng cũng giúp SV có động lực để tìm được các nguồn học bổng khác để được học lên cao hơn”.

Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng trong hai năm học 2015 – 2016 và 2016 – 2017 đã có hơn 120 SV được tham gia các chương trình giao lưu, học tập và nghiên cứu tại các trường ĐH đối tác ở gần 10 nước trong khu vực và ở châu Âu, châu Mĩ. Theo như TS. Đào Thị Thanh Phượng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ thì học bổng giao lưu, học tập là cánh cửa dành cho những SV có năng lực, khao khát được bước chân vào môi trường học tập quốc tế.

“Đây là cách tốt nhất để các em có thể học tập và lĩnh hội một ngôn ngữ, khám phá một nền văn hóa, phát triển các kỹ năng từ chính các trải nghiệm trong cuộc sống. Việc dành được học bổng du học còn tạo một dấu son giúp tăng điểm trong hồ sơ năng lực của SV” – TS Thanh Phượng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ