Không khó để đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tích hợp

GD&TĐ - Trước chủ trương dạy học tích hợp trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) - cho rằng: Việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu này là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Không khó để đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tích hợp

PGS Phạm Hồng Quang chia sẻ: Tôi nhớ có lần trao đổi với Hiệu trưởng một trường ở Úc, khi kể Việt Nam đào tạo giáo viên riêng từng giáo viên bộ môn, bà ấy rất ngạc nhiên và cho rằng đó là một điều lãng phí.

Nếu giáo viên chỉ dạy những môn học cụ thể thì việc chúng ta đang làm là đúng. Nhưng, ở các nước, chức năng chủ yếu của giáo viên là hướng dẫn người học. Do vậy, một thầy giáo hướng dẫn học sinh học toán sau lại hướng dẫn học nhạc, học vẽ là chuyện bình thường. Có thể nói, chức năng hướng dẫn của người giáo viên chính là chức năng số một.

"Chúng ta vẫn quen nói: Hôm nay tôi có giờ dạy. Nhưng thực ra, phải nói: "Hôm nay tôi hướng dẫn sinh viên học, hướng dẫn học sinh học” mới là đúng. Vai trò hướng dẫn là vô cùng quan trọng chứ không như trước đây giáo viên chúng ta chỉ là vai trò truyền đạt. Như Unesco nói: Đào tạo trở thành chuyên gia giáo dục chứ không phải chuyên gia truyền đạt kiến thức” - PGS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm.

Riêng với Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, theo PGS Phạm Hồng Quang, các khoa đã cùng ngồi lại để chia sẻ thông tin kiến thức. Tốt nghiệp khoa Hóa, nhưng sinh viên vẫn phải có kiến thức về Vật lý, Sinh học... để thực hiện chương trình môn Khoa học tự nhiên.

Như vậy, sinh viên khoa Lý, Hóa, Sinh chẳng hạn, khi ra trường sẽ có các năng lực: Năng lực nền và năng lực khoa học tự nhiên, năng lực chuyên sâu dạy Lý, Hóa, Sinh...

Riêng với các môn Khoa học xã hội, cổ nhân đã nói: "Văn sử triết bất phân” - đó là tính chỉnh thể. Văn học cũng có Lịch sử, Địa lý cũng có Lịch sử... Học sinh khi học văn về Nguyễn Trãi sẽ buộc phải tìm hiểu về lịch sử nhân vật.

Hoặc những đề thi mang hơi thở cuộc sống như kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi chẳng hạn, học sinh cũng sẽ phải huy động vốn kiến thức giáo dục công dân, kiến thức lịch sử, cuộc sống. Việc thi như vậy đã tác động ngược trở lại về giảng dạy tích hợp một cách rất tích cực.

Trước một số tranh cãi về việc tích hợp, PGS Phạm Hồng Quang cho rằng, nguyên nhân chính là ở cách tiếp cận.

"Sẽ không còn tranh cãi nếu chúng ta tiếp cận ở mục tiêu của môn học, tức cách tiếp cận năng lực như các nước trên thế giới, thì tất cả những cái còn lại chỉ vật liệu, phương tiện" - PGS Phạm Hồng Quang cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.