Tranh thủ thời gian "vàng" triển khai Chương trình sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Sau gần 1 tháng dạy và học theo sách mới, giáo viên và học sinh Hà Tĩnh bước đầu bắt nhịp với chương trình này.

Tranh thủ thời gian “vàng” để triển khai chương trình sách giáo khoa mới.
Tranh thủ thời gian “vàng” để triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

Tranh thủ thời gian “vàng”

Hiện nay, phần lớn sách giáo khoa lớp 1, 2 và lớp 6 dùng chung do UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt thuộc bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Cánh Diều”.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 phải bắt đầu chương trình mới bằng cách học trực tuyến, còn lớp 1, lớp 2 chậm hơn 2 tuần so với năm học. Sau 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho phép ngành Giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.

Hướng tới mục tiêu bảo đảm dạy học trực tiếp được nhiều nhất và trong thời gian sớm nhất những nội dung chủ yếu, cơ bản, cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông, các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tận dụng tối đa khoảng thời gian “vàng” học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp.

Các trường học tận dụng thời gian vàng để triển khai chương trình SGK mới cho học sinh
Các trường học tận dụng thời gian vàng để triển khai chương trình SGK mới cho học sinh

Tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Hương Khê), nhà trường đã giao tổ chuyên môn xây dựng và triển khai chương trình giáo dục năm học bám sát theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tận dụng tối đa thời gian “vàng" để giảng dạy trực tiếp. Đặc biệt, giáo viên xác định nội dung kiến thức cốt lõi của mỗi môn học để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy trực tiếp.

Các bài học còn lại có thể được bố trí giảng dạy vào thời gian giữa kỳ, cuối kỳ, hoặc cuối năm học tùy theo đặc thù từng môn học. Với tiến độ hiện nay, đến tuần 13, 14, trường có thể tổ chức kiểm tra học kỳ 1.

Sau gần 2 tuần đến trường học trực tiếp, cô và trò trường Tiểu học Thạch Liên (Thạch Hà), đã dần đi vào nề nếp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã được các giáo viên vận dụng thành thạo, khai thác có hiệu quả học liệu điện tử của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Theo nhiều giáo viên, sách mới có những ưu điểm nổi bật như: các bài học bám sát chương trình; thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy được tính chủ động của người học; có sự tích hợp liên môn, giúp học sinh củng cố kiến thức các môn học nền tảng và có thêm nhiều hiểu biết bổ ích về văn hóa, xã hội... Hình thức sách mới đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình. 

Cô Phan Thị Thanh Tâm - giáo viên chủ nhiệm lớp 1C Trường Tiểu học Thạch Liên cho biết: “Trong tuần đầu tiên các em, còn bỡ ngỡ nhưng sang tuần thứ 2, các em đã biết thực hiện hiệu lệnh học tập, biết cách sử dụng bộ dụng cụ học tập, đã đọc, viết được những chữ đầu tiên”.

Đa dạng các phương pháp dạy học

Còn tại trường Tiểu học Tây Sơn (huyện Hương Sơn), hiện đang thực hiện tinh giản kiến thức, với thời lượng 20 tiết/tuần. Bên cạnh việc thực hiện chương trình mới, các giáo viên cũng chú trọng ôn tập lại các kiến thức cũ cho học sinh lớp 2 sau đợt nghỉ hè dài do dịch bệnh.

“Dịch bệnh kéo dài nên một số học sinh dễ rơi rớt kiến thức, chúng tôi vừa tranh thủ thời gian vàng để dạy học nhưng vừa củng cố kiến thức cũ cho các em. Dự kiến đầu tháng 12, trường sẽ hoàn thành chương trình học kỳ 1”, cô Trần Thị Kiều Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) cho hay.

Học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tây Sơn tương tác với nhau trong giờ học
Học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tây Sơn tương tác với nhau trong giờ học

Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện năng lực người học như chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra. Chính vì vậy, các giáo viên tại Hà Tĩnh đã vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp để đảm bảo kiến thức và hứng thú cho học sinh.

Để tạo không khí hấp dẫn, cuốn hút học sinh, các giáo viên giảng dạy chương trình mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể và chương trình môn học của các bộ sách mới, từ đó có kịch bản cụ thể cho từng tiết học.

Nhiều giáo viên đưa các trò chơi, hình ảnh minh họa, video, clip giải trí đan xen trong từng giờ học, giờ nghỉ giải lao, giúp các em bớt căng thẳng sau những giờ học.  

Cô Ngô Thị Hà Lê - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi thường dạy bằng phương pháp gợi mở, sử dụng các câu hỏi để tăng sự tương tác với học sinh. Việc vận dụng các bài giảng công nghệ cũng gây hứng thú cho các em trong giờ học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.