Triển khai trong khó khăn, thách thức
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88, Ủy ban nhận thấy quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Về thuận lợi, trước hết đó là sự thống nhất và hành động. Định hướng về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông trong Nghị quyết 88 của Quốc hội rất rõ và được Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ; sớm phê duyệt và cho triển khai các đề án nhằm bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất.
Mặt khác, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được hành lang pháp lý với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ biên soạn, thẩm định, phê duyệt CTGDPT tổng thể, các chương trình môn học và SGK. Cách làm này cho thấy sự bài bản, chặt chẽ, rõ quy trình, tiêu chí, trách nhiệm.
Đặc biệt, chương trình có sự ủng hộ, tham gia tích cực của đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm về xây dựng chương trình và SGK giáo dục phổ thông.
Bên cạnh thuận lợi, ông Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ ra những khó khăn thách thức và cho rằng so với các lần đổi mới CTGDPT trước đây, lần này có nhiều điểm mới, cũng chính là điểm khó trong triển khai thực hiện.
Cụ thể, sự thay đổi lớn trong xác định mục tiêu, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.
Sự thay đổi lớn trong cách thức, quy trình triển khai thực hiện cũng là khó khăn đáng kể. Lần đầu tiên đã tiến hành xây dựng CTGDPT tổng thể và các chương trình môn học để làm căn cứ biên soạn SGK, quy định mỗi môn học có một số SGK.
Cũng chính vì chưa có trong tiền lệ nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi lúng túng trong cách tiếp cận, cách triển khai; đồng thời vừa làm vừa thuyết phục để tạo đồng thuận trong toàn ngành và trong xã hội. Đó cũng là lý do dẫn tới việc chậm tiến độ, thay đổi về cách thức thực hiện và Chính phủ đã phải trình xin ý kiến Quốc hội điều chỉnh.
Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được thực hiện trong điều kiện nguồn lực hạn chế; điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của việc tập huấn GV và tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến. Đây là khó khăn lâu dài, nhất là năm đầu tiên triển khai thực hiện CTGDPT mới đối với lớp 1 diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp...
Ghi nhận những kết quả quan trọng
Trên cơ sở đánh giá thuận lợi, khó khăn của 1 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có sự ghi nhận lớn đối với những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được.
Về chương trình: CTGDPT tổng thể đã được Bộ chỉ đạo xây dựng trên cơ sở các hoạt động tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai chương trình hiện hành theo Nghị quyết 40/2000/QH của Quốc hội. Theo đánh giá chung, với một quy trình bảo đảm tính khoa học và khả thi, khung chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.
Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm các ý kiến của các nhà giáo, các chuyên gia giáo dục về thời lượng khung chương trình, đặc biệt ở bậc tiểu học; về cơ cấu chương trình của bậc THCS; việc dạy các môn tích hợp… để có những giải pháp định hướng kịp thời.
Mặt khác, để chương trình bảo đảm định hướng thống nhất, là cơ sở, căn cứ xây dựng SGK bảo đảm chất lượng, đề nghị Bộ hằng năm đánh giá, tổng kết chương trình, rút ra những vấn đề mà thực tiễn đặt ra và báo cáo với Quốc hội theo quy định.
Quan điểm cần giữ tính ổn định của chương trình, nhưng cần có nghiên cứu, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc đánh định kỳ 5 năm, 10 năm triển khai CTGDPT 2018…
Về sách giáo khoa: Sự ra đời của 5 bộ SGK lớp 1 là sự nỗ lực cuả các tổ chức, cá nhân, nhiều mặt đáng được ghi nhận. Sản phẩm đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Tuy nhiên trong quá trình giám sát, Quốc hội và Ủy ban vẫn nhận được nhiều ý kiến góp ý của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh về chất lượng, giá cả, quy trình lựa chọn, phân phối, phát hành SGK... Đây là những kiến nghị đòi hỏi phải suy nghĩ, tiếp thu, kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện...
Để triển khai năm học 2021 – 2022 đối với lớp 2, lớp 6 và đối với các lớp còn lại theo lộ trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đối với tất cả các khâu, các quy trình liên quan tới việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học...
Làm sao để có những sản phẩm SGK chất lượng nhất, có đội ngũ GV đạt chuẩn và điều kiện dạy học tốt nhất cho công cuộc đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cam kết, trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ đồng hành cùng Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chủ trương, hướng tới mục tiêu nền giáo dục Việt Nam phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển giáo dục nước nhà...