"Thời điểm vàng" để dạy con
Khi trẻ em không đến trường để phòng dịch Covid-19 như hiện tại được coi là "thời điểm vàng" để cha mẹ giáo dục con về kỹ năng sống. Ở nhà, trẻ có thể cùng cha mẹ nhặt rau, chuẩn bị bữa ăn, chung tay dọn dẹp nhà cửa. Các buổi sinh hoạt gia đình như xem xem phim, đọc sách cũng là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ nói cho trẻ nghe về nội dung cũng như bài học giáo dục mà những chương trình đó mang lại. Đặc biệt, dạy con về quản lý tiền trong thời điểm Covid-19 bùng phát là một yếu tố vô cùng quan trọng. Song, không ít phụ huynh lo ngại, trẻ có thể dễ hư khi sớm biết về tiền.
Chị Xuân Quỳnh - một nhân viên văn phòng và là phụ huynh của hai con tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), chia sẻ, do bé Vũ con chị mới học lớp 2, nên việc dạy cháu cách tiêu tiền là điều hoàn toàn không cần thiết.
"Hằng ngày, vợ chồng tôi cố gắng thu xếp thời gian và chia nhau đưa đón con đi học. Tôi luôn để sẵn hộp sữa, chai nước vào ba lô của con. Ngoài ra, do đang học bán trú, nên nhà trường luôn cho các con ăn nhiều bữa phụ. Khi về nhà, nếu con đói, cháu có thể lấy đồ ăn có sẵn trong tủ lạnh", chị Quỳnh nói.
Dạy con hiểu đúng về tiền
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, việc dạy con về cách quản lý tiền bạc sớm là nỗi sợ của nhiều cha mẹ.
"Chúng ta đừng sợ nói với con về tiền, cũng đừng quan niệm quản lý tài chính đồng nghĩa với việc khiến con đặt nặng giá trị đồng tiền và làm các cháu trở nên thực dụng. Hãy nhớ, cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là đương đầu với nó", PGS Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia lý giải, thực tế, từ 5 tuổi - giai đoạn khi trẻ tiếp cận với khái niệm số, nhận diện số, cha mẹ có thể dạy con thế nào là tiền, cũng như hướng dẫn các cháu nhận biết số trên tờ tiền.
"Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần dạy cho con hiểu đúng về tiền, biết trân quý và tiết kiệm tiền. Từ khái niệm tiền, phụ huynh có thể mở rộng kiến thức cho trẻ, thông qua việc dạy con về giá trị sống như tắt đèn khi ra khỏi phòng, vặn chặt vòi nước sau khi rửa tay... Tiết kiệm điện và nước cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng và tiết kiệm tiền", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Theo PGS Nam, cha mẹ không nhất thiết phải sử dụng tiền để dạy con kỹ năng quản lý tài chính. Thay vào đó, phụ huynh có thể dùng tới các phần thưởng quy đổi, như ngôi sao thưởng, điểm số hoặc đồng xu nhựa. Từ những vật dụng này, trẻ có thể dùng để đổi ra phần thưởng có giá trị mà con muốn, ví dụ như được tham gia một hoạt động, được đi đến địa điểm nào đó, được ở gặp người mà con yêu quý.
"Với cách thức này, chúng ta cũng có thể hướng dẫn con quản lý hệ thống phần thưởng quy đổi một cách thông minh, tương tự như quản lý tài chính cá nhân vậy", PGS Nam chia sẻ.
Theo chuyên gia, thông qua việc giáo dục trẻ cách quản lý tài chính cá nhân, các em sẽ học được tinh thần yêu lao động và nhận thức được rằng, những món lớn sẽ có được từ việc tiết kiệm các món nhỏ. Ngoài ra, trẻ sẽ biết quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ mọi người, để có thể nhận được những phần thưởng xứng đáng với công sức và lòng tốt của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng được khuyến cáo nên tận dụng những dịp con có thể nhận tiền để giáo dục thái độ trẻ về tài chính.
"Ví dụ, hằng năm, con được nhận tiền lì xì vào Tết cổ truyền. Khi đưa lì xì cho con, cha mẹ hãy kèm theo một câu chuyện (về sự tích, ý nghĩa của việc lì xì là lời chúc may mắn và bình an), chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch này để thật vui và sáng tạo. Cách lì xì cũng vô cùng quan trọng. Do đó, người lớn cần đưa lì xì với một thái độ trân trọng kèm theo lời chúc, thay vì hành động như phát chẩn, khiến trẻ sẽ chỉ chú ý tới giá trị bên trong", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"