Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cha mẹ nên dạy con về điều đó mỗi ngày trong cuộc sống, thay vì chỉ ngày 22/4.
Theo một cuộc khảo sát của T. Rowe Price năm 2020, 49% người trưởng thành tự đánh giá mình là “xuất sắc” hoặc “rất tốt” khi xếp loại kiến thức về tài chính cá nhân.
Tiết kiệm tiền là một thói quen có thể mất thời gian để xây dựng. Thậm chí, không ít người trưởng thành vẫn chưa làm chủ được việc tiết kiệm tiền. Tính đến tháng 11/2020, có 63% người Mỹ sống bằng tiền lương. Đáng nói là họ không có khoản tiết kiệm nào để trang trải các chi phí phát sinh.
Năm 2020 được coi là đặc biệt khó khăn để tiết kiệm do sự bùng phát của Covid-19. Đó cũng là lý do các phụ huynh cần đưa ra những bài học để giúp con có kỹ năng giữ tiền. Các chuyên gia đã gợi ý các biện pháp cha mẹ có thể thực hiện để giúp con tiết kiệm.
Thảo luận về nhu cầu so với mong muốn
Bước đầu tiên để dạy trẻ giá trị của việc tiết kiệm tiền là giúp chúng phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Phụ huynh hãy giải thích rằng, các nhu cầu bao gồm những điều cơ bản, như thực phẩm, chỗ ở, quần áo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Trong khi đó, mong muốn là tất cả những điều không thiết yếu như vé xem phim, kẹo, giày thể thao hàng hiệu, xe đạp hoặc điện thoại thông minh đời mới… Phụ huynh cũng có thể sử dụng ngân sách của mình để làm ví dụ. Nhờ đó, minh họa cho trẻ hiểu rằng, chi tiêu cho nhu cầu là điều cần thiết. Trong khi đó, cần cân nhắc kỹ trước khi chi tiền theo mong muốn.
Để trẻ tự kiếm tiền
Kết quả từ một cuộc khảo sát của Viện Kế toán Công chứng Mỹ (AICPA) vào năm 2019 cho thấy, 2/3 phụ huynh trợ cấp cho con. Cụ thể, mức trợ cấp trung bình của những trẻ em này là 30 USD/tuần, nhờ 5 giờ làm việc nhà.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu muốn con trở thành người biết giữ tiền, phụ huynh hãy cho phép chúng tự kiếm và tiết kiệm. Bởi, điều đó sẽ tạo cơ hội cho trẻ học cách sử dụng tiền. Việc được trợ cấp sau khi làm việc nhà cũng đồng nghĩa rằng, trẻ đang học được giá trị từ công việc của mình.
Đặt mục tiêu tiết kiệm
Đối với một đứa trẻ, việc được bảo phải tiết kiệm mà không giải thích lý do có vẻ như vô nghĩa. Do đó, giúp trẻ xác định mục tiêu tiết kiệm có thể là một cách tốt hơn để có động lực.
Nếu trẻ biết mình muốn tiết kiệm để làm gì, cha mẹ hãy giúp con chia nhỏ mục tiêu. Khi đó, trẻ sẽ có thể kiểm soát được những mục tiêu đó. Ví dụ, trẻ muốn mua một trò chơi điện tử trị giá 50 USD, trong khi được trợ cấp 10 USD mỗi tuần. Khi đó, phụ huynh hãy giúp con tìm hiểu xem sẽ mất bao lâu để đạt được mục tiêu đó, dựa trên số tiền tiết kiệm của trẻ.
Cung cấp nơi giữ tiền
Khi trẻ có mục tiêu tiết kiệm, chúng sẽ cần một nơi để cất tiền. Đối với những đứa trẻ nhỏ hơn, một con heo đất có thể là ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, với trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể tạo cho con một tài khoản tiết kiệm riêng tại ngân hàng.
Bằng cách đó, trẻ có thể thấy số tiền tiết kiệm của mình tăng lên như thế nào. Trẻ cũng sẽ biết được mình đang có bao nhiêu tiền tiết kiệm. Đó sẽ là động lực để trẻ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Theo dõi việc chi tiêu của trẻ
Một yếu tố quan trọng để trở thành người có khả năng tiết kiệm tốt là biết tiền của mình đã tiêu vào việc gì. Nếu trẻ được trợ cấp, cha mẹ hãy yêu cầu con viết ra giấy về những khoản đã tiêu mỗi ngày. Sau đó, trẻ sẽ cộng lại các khoản này vào cuối tuần.
Phương pháp này có thể là một trải nghiệm giúp trẻ nắm bắt về những khoản mình đã bỏ ra. Phụ huynh cũng nên khuyến khích trẻ suy nghĩ về cách chi tiêu. Đồng thời, đặt ra cho trẻ câu hỏi: Con có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm nhanh hơn không, nếu thay đổi cách chi tiêu của mình?
Để con học từ sai lầm
Một phần trong quá trình dạy trẻ kiểm soát tiền cá nhân là để chúng học hỏi từ những sai lầm của bản thân. Chắc hẳn, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng can thiệp và hướng trẻ tránh khỏi sai lầm gây tốn kém.
Song, việc dạy con sẽ hiệu quả hơn khi cha mẹ sử dụng sai lầm đó để trẻ rút kinh nghiệm. Như vậy, trong tương lai, trẻ sẽ biết rằng, không nên lặp lại sai lầm như vậy với số tiền của mình.
Trở thành chủ nợ của trẻ
Một trong những nguyên tắc tiết kiệm cơ bản là không chi tiêu quá khả năng. Nếu trẻ muốn mua thứ gì đó và cảm thấy mất kiên nhẫn trong việc tiết kiệm, cha mẹ có thể trở thành chủ nợ của con. Phương pháp này sẽ giúp dạy trẻ một bài học quý giá về tiết kiệm. Nếu trẻ muốn mua thứ gì đó có giá 100 USD, cha mẹ có thể cho vay tiền. Đồng thời, yêu cầu trẻ trả nợ từ khoản trợ cấp nhận được hằng tháng từ cha mẹ, kèm lãi suất. Trẻ sẽ nhận được bài học là: Tiết kiệm có thể đồng nghĩa với việc trì hoãn sự hài lòng lâu hơn, nhưng món đồ sẽ có giá thấp hơn nếu chờ đợi.
Nói về tiền
Trong cuộc khảo sát T. Rowe Price năm 2020, có 40% cha mẹ cho biết chưa bao giờ đề cập với con về thị trường chứng khoán. Ngoài ra, 32% phụ huynh chưa bao giờ thảo luận về việc tiết kiệm để nghỉ hưu. Cũng trong khảo sát, 23% phụ huynh cho biết không có khoản tiết kiệm nào khi nghỉ hưu, gặp trường hợp khẩn cấp, cho con học đại học hoặc các mục tiêu tài chính khác.
Theo các chuyên gia, nếu muốn trẻ học về tiết kiệm, cha mẹ phải thường xuyên thảo luận về chủ đề đó.
Ngày Dạy con tiết kiệm diễn ra mỗi năm một lần. Song, thực tế, cha mẹ và trẻ cần trao đổi về việc tiết kiệm mỗi ngày. Việc biến tiết kiệm trở thành một thói quen của trẻ có thể tạo nền tảng cho tương lai tài chính vững chắc.