Tránh nguy cơ từ rèm cửa sổ

GD&TĐ - Theo dữ liệu từ Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), rèm cửa sổ là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trung bình mỗi ngày, rèm cửa sổ khiến hai trẻ em dưới 6 tuổi bị thương.

Các gia đình được khuyến cáo sử dụng rèm cửa không dây.
Các gia đình được khuyến cáo sử dụng rèm cửa không dây.

Mối nguy từ rèm cửa sổ

Từ lâu, AAP đã cảnh báo rằng, dây rèm cửa sổ có nguy cơ gây thương tích cho trẻ em. Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC), dây rèm cửa sổ là một trong năm nguy cơ tiềm ẩn hàng đầu tại các ngôi nhà ở Mỹ.

Để cố gắng giảm nguy cơ thương tích cho trẻ em, đã có những quy định về dây rèm được đưa ra cho các nhà sản xuất cửa sổ. Tuy nhiên, dữ liệu được phân tích bởi AAP đã chứng minh rằng, những quy định đó là chưa đủ.

AAP đã phân tích dữ liệu ở Mỹ từ năm 1990 - 2015. Dữ liệu đến từ cả Hệ thống Giám sát Thương tích Điện tử quốc gia (NEISS) của CPSC và cơ sở dữ liệu Điều tra chuyên sâu (IDI). Sử dụng dữ liệu này, các nhà nghiên cứu có thể tổng hợp tất cả trường hợp thương tích và tử vong xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Tất cả các thương tích xảy ra do nguyên nhân trực tiếp là dây rèm cửa sổ.

Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ chấn thương do rèm cửa sổ là 2,7 trên 100.000 trẻ em. Nhìn chung, rèm cửa sổ gây ra 16.827 ca chấn thương và khiến trẻ phải nhập viện. Các loại và mức độ nghiêm trọng của những chấn thương đó khác nhau.

Loại thương tích phổ biến nhất là bị “đâm” bởi dây rèm cửa sổ hoặc một phần của dây. Chấn thương này thường dẫn đến một vết rách trên da của trẻ, như vết cắt hoặc bầm tím. Hầu hết những chấn thương này đều không nghiêm trọng và có thể điều trị được.

Tuy nhiên, một loại chấn thương nặng hơn là trẻ vướng vào dây, chiếm 11,9% tổng số ca tai nạn. Phần lớn (98,9%) các sự cố này là do dây rèm mắc vào cổ của trẻ.

Các chuyên gia cho biết, chấn thương khi dây vướng vào người là nguy hiểm nhất đối với trẻ em. AAP phát hiện, 2/3 số vụ vướng dây rèm cửa khiến trẻ tử vong. Nhìn chung, dữ liệu cho thấy, có khoảng một trẻ em tử vong mỗi tháng do chấn thương hoặc vướng vào dây rèm cửa sổ.

Nhóm tuổi gặp rủi ro cao nhất

Theo dữ liệu, trẻ em mới biết đi và dưới 6 tuổi có nguy cơ cao bị thương tích do dây rèm cửa sổ. Phần lớn nguyên nhân là do trẻ mới biết đi có bản chất tò mò, muốn khám phá môi trường.

Ngoài ra, trẻ mới biết đi có nguy cơ cao vì cha mẹ không thể nghe thấy nếu chúng bị dây rèm cửa sổ siết cổ. Dây rèm cửa có thể âm thầm siết cổ trẻ, tương tự như khi bị đuối nước. Thêm vào đó, tai nạn này cũng thường diễn ra rất nhanh. Phần lớn các trường hợp bị thương và tử vong xảy ra khi đứa trẻ được cha mẹ chăm sóc, nhưng bị bỏ lại một mình chưa đầy 10 phút.

Ví dụ, phần lớn các thương tích xảy ra trước khi đi ngủ sau khi cha mẹ rời khỏi phòng. Một trường hợp phổ biến khác là trẻ bị bỏ lại một mình trong vài phút khi cha mẹ vừa ra khỏi phòng. Thông thường, trẻ mới biết đi cũng có xu hướng sử dụng một số đồ để tiếp cận với dây rèm cửa sổ.

Giường là đồ nội thất phổ biến nhất được sử dụng. Những thứ khác bao gồm cũi hoặc ghế dài, ghế sofa. Nhìn chung, trẻ khoảng 2 tuổi có nguy cơ cao nhất khi ở một mình vào ban đêm trong phòng ngủ, sau khi cha mẹ đã ra ngoài.

Giảm nguy cơ như thế nào?

Năm 1990, một nghiên cứu đầu tiên cho thấy, dây rèm cửa sổ là mối đe dọa đối với trẻ em. Sau báo cáo đó, đã có một số nỗ lực nhằm ngăn chặn tai nạn xảy ra đối với trẻ trong tương lai, bằng cách thay đổi cách làm dây rèm cửa sổ.

Ví dụ, vào năm 1994, CPSC và Hiệp hội các nhà sản xuất cửa sổ (WCMA) đã lập kế hoạch loại bỏ các vòng dây trong dây kéo rèm cửa sổ. Họ thậm chí lên kế hoạch cung cấp bộ dụng cụ sửa chữa miễn phí. Nhiều đợt thu hồi khác nhau đã diễn ra, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn an toàn tự nguyện cho những phương pháp che cửa sổ.

Song, như dữ liệu cho thấy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn một cách tự nguyện có nghĩa là không phải tất cả mọi người đều chấp hành theo các khuyến nghị về an toàn. Thêm vào đó, không phải tất cả các phụ huynh đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của dây rèm cửa sổ.

AAP lưu ý trong nghiên cứu rằng, nhiều loại rèm che được thiết kế để an toàn hơn khi sử dụng đúng cách. Song, không phải tất cả các cha mẹ đều nhận thức được những khuyến nghị về an toàn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không lắp rèm đúng cách. Ví dụ, AAP giải thích rằng, dây rèm ở dạng thẳng đứng và được cuộn lại, cần một thiết bị căng để hoạt động bình thường.

Nếu thiết bị không được cài đặt hoặc bị cài đặt sai hay hỏng, vòng lặp liên tục sẽ bị treo, gây nguy cơ vướng vào trẻ. AAP ước tính, nhiều hộ gia đình có dây bên trong bị lỗi hoặc không được lắp đặt đúng cách. Từ đó, gây rủi ro không đáng có.

Một nghiên cứu được tham khảo bởi AAP lưu ý, hầu hết các cha mẹ cho biết, họ nhận thức được rằng, dây rèm cửa sổ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, có chưa đến 1/4 trong số họ thực sự thực hiện các bước để đảm bảo ngôi nhà được an toàn. CPSC khuyến cáo, các phụ huynh nên loại bỏ tất cả rèm cửa sổ có dây trong nhà. Đồng thời, thay thế bằng rèm không dây. Những loại rèm này có sẵn từ hầu hết các nhà sản xuất cửa sổ lớn.

Cha mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra các dây rèm cửa sổ. Nhờ đó, đảm bảo rằng, chúng không bị đứt, hở. Điều quan trọng khác là phụ huynh không nên đặt cũi, giường hoặc ghế sofa gần cửa sổ trong phòng mà trẻ chơi hoặc ngủ.

Chủ tịch CPSC - ông Elliot Kaye - nhận định: “Phải đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất khi sản xuất rèm cửa có dây. Đó có thể là tiêu chuẩn liên bang hoặc tiêu chuẩn tự nguyện của riêng mỗi cơ sở sản xuất. Song, tôi cho rằng, vấn đề này đang trở nên cấp bách. Vì vậy, gia đình có trẻ nhỏ cũng như các doanh nghiệp cần lựa chọn những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cao”.

Theo Very Well Family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ