Kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em ngày hè

GD&TĐ - Mùa hè đến kéo theo là nỗi lo về tình trạng tai nạn, thương tích ở trẻ em của các gia đình. Chính vì vậy, việc phổ cập kỹ năng an toàn cho trẻ là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em ngày hè

Mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm trên toàn thế giới có 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày, mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010 - 2014 trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng và mỗi ngày có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi của con em họ do tai nạn thương tích. Tình hình tai nạn thương tích trẻ em ở nước ta vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích cho trẻ em bao gồm: sự thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng, kinh phí cho việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở địa phương còn hạn chế...

Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp liên quan đến tai nạn thương tích đều phòng tránh được, nếu chúng ta - mỗi người lớn, mỗi cơ quan, mỗi gia đình quan tâm nhiều hơn nữa cho trẻ em.

Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm, chú trọng phổ cập các kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn, thương tích ở trẻ em, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Những kỹ năng thiết thực

Cô giáo Nguyễn Thị Tố Hương - Trường Tiểu học Minh Cầm (Yên Sơn, Tuyên Quang) - chia sẻ: giáo dục kỹ năng tự vệ và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em là việc làm quan trọng và rất thiết thực.

Theo đó, cô hướng dẫn cho học sinh sử dụng các đồ dùng, thiết bị trong lớp học đảm bảo an toàn và sử dụng lâu dài, đặc biệt là dụng cụ thiết bị điện, an toàn cháy nổ...

"Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tổ chức cho các em quan sát, thảo luận tranh ảnh, giới thiệu những việc không nên làm như: Không chơi gần bờ hồ, bờ ao; không tự ý ra sông, suối; không nên chơi vật sắc nhọn và đồ chơi nguy hiểm; không thả diều ở nơi có cột điện cao thế; không trèo cây… Qua đó, nhằm trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình để không bị tai nạn thương tích" - cô Hương trao đổi.

Cũng theo cô Hương, Trường Tiểu học Minh Cầm thường xuyên phối hợp với trạm y tế xã tổ chức hướng dẫn các em học sinh biết sơ cứu vết thương và xử lí một số tình huống đơn giản khi gặp phải như: cảm nóng, cảm lạnh, chảy máu cam; băng bó vết thương; gãy xương; đuối nước…

Liên quan đến nội dung này, bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) - cho biết: Từ năm 2002, mô hình cộng đồng an toàn đã được triển khai tại 112 xã thuộc 12 tỉnh trên toàn quốc.

Tại cộng đồng, các hoạt động phòng chống đuối nước tập trung vào hỗ trợ xây dựng cầu bê tông tại các vùng sông nước, hàng rào quanh nhà hay quanh ao cá và những hồ nước trong khu vực nhà ở, nơi trẻ dễ tiếp cận; làm nắp giếng và nắp dụng cụ chứa nước, làm chấn song cho cầu thang, đảm bảo cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang đủ cao. Đồng thời hướng dẫn người dân trong cộng động các biện pháp và kỹ năng an toàn khi tiếp cận nước...

Bàn về giải pháp giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết: Rất cần thiết thực hiện mô hình chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Đáng chú ý là việc thành lập được Ban phối hợp liên ngành ở địa phương để giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương, khi phát hiện trẻ em cần bảo vệ hoặc có hoàn cảnh khó khăn, ban này sẽ phân loại các nguyên nhân để có hình thức hỗ trợ phù hợp...

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học; nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng Trường học an toàn phòng, chống tại nạn thương tích trẻ em.

Một trong những mục tiêu của Chương trình phòng chống, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 là: 5.000.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 10.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn, 300 xã, phường thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ