Theo Ths.BS Đặng Thị Ngọc Sen - Phó Trưởng khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện E, y tế học đường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, chú trọng đến giải quyết tình trạng sơ cấp cứu và là kênh thông tin, truyền thông trong công tác phòng – chống dịch bệnh.
Bởi vậy, Ths.BS Sen nhận định, nhân viên y tế trong các trường có trách nhiệm nắm bắt danh sách và quản lý tốt tình hình sức khỏe học sinh, sinh viên. Nhờ đó, giúp tư vấn, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khoẻ phù hợp cho từng em.
Đặc biệt, nhân viên y tế là cầu nối giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc sức khoẻ trẻ.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng có trách nhiệm tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Từ đó, giúp học sinh tự ý thức trong việc vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ bản thân, phát hiện sớm bệnh tật, tệ nạn xã hội. Ngoài ra, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo nguồn nước sạch, cũng như an toàn phòng cháy, chữa cháy là yếu tố vô cùng cần thiết.
Trong giai đoạn mưa lũ kéo dài, kỹ năng phòng tránh đuối nước đối với trẻ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, Ths.BS Sen khuyến cáo, học sinh cần được giáo dục, nâng cao nhận thức về các mối nguy hiểm khi có mưa lũ, như: Sét đánh, điện giật.
"Trẻ tuyệt đối không chơi, bơi lội ở khu vực ngập nước, ao hồ, sông suối vào mùa lũ, khu vực dễ bị sạt lở. Nếu cần di chuyển bằng đò thuyền, các em phải đi cùng người lớn, có sử dụng phương tiện cứu hộ như áo phao. Đò, thuyền phải chở đúng số người quy định", chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo Ths.BS Sen, tai nạn thương tích ở trẻ em là một vấn đề đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn. Rất nhiều thương tích nghiêm trọng tại trường học có thể phòng tránh được nếu thầy cô, cha mẹ và các em có ý thức, thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng ngừa.
Để ngăn ngừa chấn thương liên quan tới hoạt động thể thao, ngã, va đập, nhà trường, gia đình cần chú ý giữ nền sàn bằng phẳng, chống trơn trượt. Lan can, cầu thang có tay vịn và chiều cao an toàn.
Trước bối cảnh xuất hiện nhiều vụ bạo lực trong trường học, Ths.BS Sen khuyến cáo, người học không mang vật dụng nguy hiểm đến trường lớp. Đặc biệt, thầy cô và gia đình cần giáo dục trẻ trong cách ứng xử với bạn bè.
Ngoài ra, cần đảm bảo pháp lệnh về an toàn phòng cháy chữa cháy, tránh tai nạn điện giật hay bỏng. Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, nguồn nước, nguồn thức ăn cầm đảm bảo an toàn, sạch sẽ, rõ nguồn gốc. Trẻ cũng cần vệ sinh tay trước khi ăn.
Đối với một số trường ở gần khu vực có ao hồ, cần có cảnh báo, rào chắn quanh đó. Thầy cô, cha mẹ cũng được khuyến cáo giáo dục trẻ về sơ cứu đuối nước.