Tránh lạm dụng văn mẫu: Nhìn từ chương trình sách giáo khoa

GD&TĐ - Việc lạm dụng văn mẫu trong nhiều năm gần đây ở các cấp học có nhiều nguyên nhân.

Ảnh minh họa: Thiên Thanh.
Ảnh minh họa: Thiên Thanh.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin đưa ra một số ý kiến từ chương trình và sách giáo khoa, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn mẫu.

Nguồn gốc của sự “áp đặt”

Có thể nói đối với lĩnh vực giáo dục, việc xây dựng chương trình và bộ sách giáo khoa nói chung là vô cùng quan trọng, nó quyết định tới cả một nền giáo dục và tác động đến hàng triệu người, có khi tới nhiều thế hệ.

Việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa từ năm 2008 đến nay đã có nhiều thay đổi tích cực khi ta gộp ba phân môn Văn học (Lịch sử và tác phẩm văn học), Làm văn, Tiếng Việt thành một cuốn Ngữ văn ở cả THCS và THPT.

Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, bộ sách cũng bộc lộ một số bất cập và hạn chế, tạo điều kiện cho văn mẫu có đất sinh sống.

Trước hết, chúng tôi thấy đa số các nhà biên soạn sách giáo khoa lại cũng là tác giả, đồng tác giả của các cuốn sách tham khảo “ăn theo” chương trình và được các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách hào hứng đón nhận trong đó nhiều cuốn, nhiều bài lại chính là bài văn mẫu bám sát chương trình sách giáo khoa và các dạng đề thi thường gặp.

Bên cạnh đó, việc chương trình nặng về lịch sử và văn bản văn học với tính hàn lâm, kinh viện có lúc mang tính áp đặt kiến thức khiến cả người dạy, người học cũng vất vả và không có sự đổi mới, sáng tạo.

Chương trình Ngữ văn nhiều khi đòi hỏi học sinh trở thành những nhà nghiên cứu, phê bình văn học mà không chú ý tới năng lực ở từng nhóm đối tượng học sinh. Học sinh ít có cơ hội trình bày một vấn đề hay thuyết trình trước tập thể để bộc lộ quan điểm và bảo vệ quan điểm của mình.

Cùng với đó việc tạo lập những văn bản cần thiết trong đời sống hiện nay như đơn thư, hợp đồng, báo cáo, biên bản, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… ít được chú trọng nên dẫn đến tình trạng học xong phổ thông nhưng không viết nổi những văn bản khi cần sử dụng.

Về sự bất cập của sách giáo khoa, Tiến sĩ Nguyễn Ái Học, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “…các nhà làm chương trình THPT đã gom các môn Tiếng Việt, làm văn, học văn bản văn chương, học văn bản hành chính, học văn bản nhật dụng... vào trong một bộ môn có tên là môn Ngữ văn theo tư tưởng dạy học tích hợp. Môn Văn đã chịu “oan” và mất vị thế.

Cái gọi là học văn, xưa nay và ngày nay vẫn cần được hiểu là học lịch sử văn học và tác phẩm văn học – môn học thuần túy về một nghệ thuật (gợi cảm thẩm mỹ) nay trở thành một mớ hổ lốn, gây rất nhiều khó khăn, trắc tréo, chán ngán cho giáo viên và học sinh.

Tích hợp là tư tưởng dạy học khoa học, tích cực. Nhưng gán ghép một cách cơ học các bộ môn thuộc các phạm trù khoa học khác nhau rồi bảo đó là dạy học tích hợp là làm rối loạn, làm mờ đặc trưng bộ môn Văn.

Tôi chưa có dịp hiểu rõ khái niệm Ngữ văn được dùng trong nhà trường ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, việc sáp nhập các môn thành môn Ngữ văn theo tinh thần dạy học tích hợp như ta thấy là chưa có sự chuẩn bị hợp lý, dẫn đến thất bại, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nói cho đầy đủ: Người đưa tư tưởng tích hợp vào dạy học văn trong nhà trường Việt Nam là người có ý thức cấp tiến, am hiểu về giáo dục hiện đại. Nhưng việc thực thi là thất bại”.

Hạn chế sách tham khảo, văn mẫu

Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 2, lớp 6 và theo lộ trình năm học 2022 - 2023 sẽ tiếp tục thực hiện với các lớp 3, 7, 10 với phương châm một chương trình - nhiều bộ sách. Việc có nhiều bộ sách là rất cần thiết để người dạy, người học có sự lựa chọn phong phú đáp ứng nhu cầu, năng lực của người học.

Nhưng theo tôi trong chương trình cũng như từng bộ sách cũng cần dành những thời lượng nhất định để bản thân người dạy có thể lựa chọn các bài phù hợp để đưa vào giảng dạy theo khung chương trình nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh theo hướng mở.

Như vậy bản thân người dạy cũng có thể là tác giả sách giáo khoa với những đơn vị kiến thức được định hướng trong chương trình.

Tuy nhiên, với các bộ sách đang thực hiện ở các lớp 2, lớp 6 hiện nay cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, lựa chọn những văn bản còn gây nhiều tranh cãi hoặc thay đổi, cắt xén tác phẩm một cách tùy tiện của các nhà soạn sách khiến dư luận bức xúc.

Bản thân là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi kì vọng các bộ sách giáo khoa tới đây cần được thẩm định một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức cũng như tránh được tình trạng văn mẫu tràn lan hiện nay.

Hoạt động dạy và học theo chương trình mới cũng cần tránh những kiến thức hàn lâm, kinh viện mà cần gắn với đời sống thực tế, sự thay đổi và phát triển của xã hội, nhất là giúp học sinh tạo lập được những văn bản cần thiết phục vụ cho cuộc sống của đa số học sinh, sau đó mới hướng tới những học sinh có năng lực văn chương, có khả năng thẩm bình văn học để các em có cơ hội phát triển theo con đường văn học sau này.

Bên cạnh đó, các nhà soạn sách cũng tránh việc ra những sách tham khảo với những bài văn mẫu như trước đây mà thay vào đó là những tư liệu văn học liên quan đến tác giả, tác phẩm đang được học cũng như những nhận định, đánh giá về các tác giả, tác phẩm đó để giáo viên, học sinh có điều kiện mở rộng hơn từ những vấn đề ngoại văn bản.

Để làm được điều này các nhà soạn sách cần bám sát mục tiêu của chương trình tổng thể, nâng cao tính khoa học, chuyên nghiệp trong việc biên soạn chương trình đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của dư luận, nhất là các nhà khoa học, các nhà giáo.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của nhà thơ Đỗ Trung Lai về việc biên soạn sách giáo khoa mới trao đổi gần đây trên báo Văn nghệ: “Để làm được bộ sách giáo khoa Ngữ văn tốt, một nhóm nhỏ các nhà soạn sách chắc chắn là không đủ sức.

Vì vậy, Tổng chủ biên nên lập ra mấy “cửa” tiếp nhận những áng “Văn chương tinh hoa” thích hợp khắp nơi. Sau khi công khai mời những người quan tâm đến sách giáo khoa Ngữ văn trong toàn quốc tham gia gửi những áng “Văn chương tinh hoa” giản dị mà sâu sắc, hợp với tuổi học trò về cho mình.

Còn nếu cơ quan chủ biên nhất định “bế quan tỏa cảng” như lâu nay, thì việc soạn sách giáo khoa Ngữ văn tất sẽ bại tiếp và sẽ tái diễn rất nhiều chuyện buồn như là ta đã thấy, ví dụ chuyện cắt sửa thơ một cách tùy tiện, ví dụ chuyện đưa cả “Ca” vào sách giáo khoa thay thế cho “Thơ” như đã nói”.

Việc xóa bỏ bài mẫu, văn mẫu không thể một sớm, một chiều đã thay đổi được ngay mà cần có thời gian, có sự thay đổi đồng bộ của nhiều yếu tố trong quá trình giáo dục nhưng tôi tin tưởng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống giáo dục chúng ta sẽ làm được. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ