Dù được đánh giá có sự khởi sắc nhưng các họa sĩ vẫn cho rằng tranh đồ họa Việt còn thiếu đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật nên khó tạo tiếng vang trên trường quốc tế.
Lâu đời nhưng…
Tại Lễ phát động Cuộc thi và triển lãm Tranh đồ họa ASEAN lần 4 - 2024, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, dù tranh đồ họa Việt Nam có từ lâu đời nhưng thành tựu đạt được hiện nay không bằng một số nước trong khu vực, nhất là với Thái Lan.
Từ ba lần Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức sự kiện này trong các năm 2012, 2016 và 2020 có thể dễ dàng nhận thấy điều đó.
Không phải ngẫu nhiên mà tranh đồ họa Thái Lan thắng lớn, ẵm về nhiều giải thưởng và liên tiếp giành giải Nhất ở cả 3 cuộc thi. Trong khi đó, giải thưởng của Việt Nam vẫn dừng ở hạng Nhì, chưa thể bứt phá lên vị trí cao nhất không hẳn vì đề tài chưa phong phú mà còn vì kỹ thuật nghèo nàn.
Tham gia Hội đồng Nghệ thuật của cả ba cuộc thi đó, theo ông Phương, nguyên do dẫn đến thực tế này là điều kiện đầu tư cho tranh đồ họa của Việt Nam không bằng một số nước.
“Thái Lan là nước đứng đầu về tranh đồ họa vì họ được đầu tư rất bài bản, đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất và liên tục phát triển trong gần thế kỷ qua. Tất cả các trường mỹ thuật thậm chí chỉ là một chuyên ngành ở các trường đa ngành, đa nghề nhưng luôn có trang thiết bị đầy đủ tại xưởng cũng như có cả hệ thống, nền tảng cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất tại nước này và toàn cầu”, ông Phương cho biết.
Họa sĩ Trịnh Tuân, người có nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng thông tin: Nếu cộng các máy in ấn, phương tiện kỹ thuật của tất cả các trường đào tạo một cách chuyên nghiệp ngành đồ họa ở Việt Nam thì không bằng xưởng nhỏ trong trường mỹ thuật nhỏ ở tỉnh nhỏ của Thái Lan.
“Trong khi, sự thành công của tranh đồ họa phụ thuộc từ 80 - 90% của phương tiện kỹ thuật. Thế nên, nếu dừng lại trong mặt bằng khu vực thì hoạt động tranh in ấn, đồ họa ở Việt Nam hơi ít và không tạo tiếng vang. Do đó, ngoài việc tổ chức các sự kiện tạo sân chơi cho tranh đồ họa đua tài như sự kiện này thì Việt Nam phải đầu tư hơn nữa chiều sâu về chương trình đào tạo”, ông Tuân nhấn mạnh.
Xây dựng thương hiệu
Tác phẩm 'Công trình cho con' - bộ tam bình khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân giành giải Nhì Cuộc thi và triển lãm Tranh đồ họa ASEAN lần thứ 2 - 2016. Ảnh tư liệu. |
Dù được tiếp nối từ truyền thống, hiện diện qua các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình… cũng như được học hỏi một số nền đồ họa lớn trên thế giới như Pháp, Mỹ, Nga… nhưng đồ họa Việt Nam gần như trầm lắng trong thời gian dài.
Phải sang thế kỷ 21, nhất là đến năm 2012, Cuộc thi và triển lãm Tranh đồ họa ASEAN lần đầu tiên được tổ chức thì mới thực sự là cú hích lớn để lĩnh vực này chuyển động từ chủ đề, cách tiếp cận đến phương tiện kỹ thuật 2D rồi 3D.
“Đến nay, chất lượng tranh đồ họa Việt Nam nâng lên rất nhiều, thuộc dạng tốp mạnh. Thực tế đó cho thấy, thông qua tiếp xúc giao lưu quốc tế, họa sĩ Việt được cọ xát, học hỏi tích cực tham gia các triển lãm quốc tế ở: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước châu Âu... Như thế nghệ thuật Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều”, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến lần thứ tư này, ông Phương lưu ý, bản quyền của cuộc thi và triển lãm thuộc về Việt Nam, được xây dựng thành thương hiệu khá uy tín của mỹ thuật nước nhà.
Đây là vinh dự song đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn và cần làm tốt hơn các đợt trước từ khâu truyền thông qua poster ngắn gọn, ấn tượng thu hút sự quan tâm của họa sĩ các nước đến công tác hậu cần chuẩn bị không gian, tường vách phù hợp và đủ ánh sáng.
Nhất là, với tranh đồ họa, dễ dàng cho vận chuyển nhưng lại cần sự cẩn trọng về việc mi, bo trong khung kính để đảm bảo chất lượng, không được để bạn bè quốc tế than phiền. Công việc này cần có sự hỗ trợ của các họa sĩ chuyên nghiệp.
Trực tiếp tham gia công tác chuyên môn cuộc thi và triển lãm từ lần thứ 2 đến giờ, họa sĩ Trịnh Tuân cũng đánh giá cao hoạt động của sự kiện vì qua đây các họa sĩ biết được thế mạnh của từng quốc gia và tự đánh giá về tác phẩm, vị thế của mình trong khu vực. “Mong là cuộc thi và triển lãm này được tổ chức theo định kỳ từ 2 đến 3 năm/lần để các họa sĩ có cơ hội cọ xát, học hỏi”, họa sĩ Trịnh Tuân bày tỏ.
Cuộc thi và triển lãm Tranh đồ họa ASEAN lần thứ 4 vừa được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phát động tới công dân các nước ASEAN. Ban tổ chức nhận tác phẩm vòng 1 (sáng tác từ 2020 đến nay) qua file ảnh, gửi đến email: aseangraphicarts2024@gmail.com hết ngày 5/8/2024.
Vòng 2 tác giả gửi tác phẩm được chọn từ vòng 1 đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm để triển lãm và chấm giải thưởng. Dự kiến triển lãm được khai mạc vào tháng 12/2024 tại Bảo tàng Hải Phòng.
“Chúng tôi đang triển khai công tác chuẩn bị sao cho tốt nhất, tương xứng với tầm vóc cuộc thi và triển lãm. Sự kiện lần đầu tiên này tạo sự thay đổi căn bản với đời sống nghệ thuật của thành phố và là dịp để họa sĩ Hải Phòng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ trong nước và khối ASEAN”, ông Đỗ Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết.