Đây là điều đáng báo động, khi đồ họa sáng tác rất ít được nghệ sĩ trẻ chú trọng.
Cần có sự đột phá...
Cuộc thi và triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 là sự kiện văn hóa nghệ thuật ý nghĩa do Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, các đơn vị tổ chức mỹ thuật của các nước ASEAN và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Sự kiện diễn ra 4 năm một lần, nhằm góp phần mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế, thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN.
Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 117 tác phẩm của 84 tác giả, gồm các thể loại tranh in: In nổi, in lõm, in phẳng, in xuyên, in độc bản, in kỹ thuật, in đa chiều... để triển lãm, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội. Trong đó, 11 tác phẩm xuất sắc đã được chấm chọn để trao giải thưởng.
Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, qua các sáng tác, các nghệ sĩ ASEAN mong muốn mang lại sự mới mẻ, thú vị trong từng tác phẩm, kích thích thị giác của người xem với những biểu đạt tinh tế do kỹ thuật in mang lại...
Các sáng tác của nghệ sĩ Việt đã giành được một giải Nhì và một giải Ba. Trong không gian chung tranh đồ họa các nước ASEAN, có thể nhận ra tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam đã có khởi sắc, nhưng còn khiêm nhường.
Có ý kiến cho rằng, trong thế giới phẳng, công nghệ và kỹ thuật số phát triển, nghệ sĩ phải bảo trọng tâm hồn Việt của mình và ngôn ngữ đồ họa đương đại cần có sự đột phá…
Từ thực tế tranh triển lãm, thứ hạng giải thưởng có thể thấy, Thái Lan vẫn là nước dẫn đầu hoạt động đồ họa cả về số lượng nghệ sĩ, tác phẩm và kỹ thuật thể hiện, mang lại những câu chuyện mới cho đồ họa đương đại khu vực.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét, triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN được tổ chức các năm 2012, 2016 và 2020, khẳng định tiếng nói của nghệ thuật đồ họa trong xã hội các nước ASEAN. Tiếng nói của đồ họa đang bước gần hơn với xã hội đương đại ở các quốc gia, câu chuyện của nghệ sĩ cũng là câu chuyện của xã hội mà họ đang sống.
“Cú hích” nào?
So với các triển lãm trước, góc nhìn của nghệ sĩ, chất lượng nghệ thuật thể hiện thông qua ứng dụng kỹ thuật, cách làm mới, tạo ra tác phẩm mang tính chất 3D, sắp đặt… phản ánh xu hướng phát triển của nghệ thuật tranh in, cũng như mong muốn của họa sĩ ASEAN đưa tranh in đến gần hơn với người xem.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, sáng tác của họa sĩ Việt tương đối nghèo nàn, lạc hậu về cả kỹ thuật và nội dung, hình thức tác phẩm. Đây là điều đáng báo động, khi đồ họa sáng tác rất ít được nghệ sĩ trẻ chú trọng.
Nghệ sĩ thị giác Vũ Bạch Liên cho biết, ở Việt Nam, nghệ thuật đồ họa đã được ứng dụng nhiều với tranh dân gian, tranh binh vận trong kháng chiến, nhưng giai đoạn hiện nay, điều kiện thiết bị và kỹ thuật sáng tạo còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, do số người biết đến tranh đồ họa ít nên thị trường hẹp. Bởi vậy, dù yêu mến chất liệu này, nhiều nghệ sĩ khó đi đến tận cùng với nó.
Cùng lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương - Trưởng khoa Đồ họa, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, quá trình sáng tác lâu hơn, phức tạp hơn so với vẽ tranh sơn dầu, màu nước. Vì thế, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, mỗi khóa đồ họa chỉ thu hút khoảng 10 sinh viên, trong khi hội họa có 40 sinh viên, ra trường, số người giữ được tình yêu, nhiệt huyết sáng tác tranh in còn rất ít.
Không chỉ về kỹ thuật, về nội dung, họa sĩ các nước có chủ đề đa dạng, phong phú, thể hiện được các vấn đề khác nhau của đời sống, tư duy của họa sĩ. Chủ đề trong tranh của họa sĩ Việt Nam vẫn bị gò bó trong cách thức thể hiện, cách đặt vấn đề hơi nặng nề.
“Điều này, họa sĩ đồ họa, tranh in cũng đã nhận ra và có trao đổi với nhau để tìm cách khắc phục tốt nhất. Khoảng 10 năm nay, những người làm nghề cố gắng tự tổ chức workshop, mời nghệ sĩ nước ngoài cùng làm việc, sắm máy móc trang thiết bị, tạo không gian làm việc…
Vận động tự thân là quan trọng, nhưng nếu có sự thúc đẩy, tạo ra nhận thức rộng rãi hơn trong xã hội, thị trường cho nghệ thuật tranh in… thì loại hình nghệ thuật này sẽ phát triển hơn”, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích thêm, bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, qua những triển lãm mang tính khu vực và thế giới, đồ họa Việt Nam có thể tìm ra sức mạnh để lật trang một cách khỏe khoắn, quyết liệt, phản ánh đúng ước ao thay đổi của nghệ sĩ đồ họa Việt Nam.
Hiện nay, kỹ thuật số can thiệp nhanh, nghệ sĩ có thể nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật mà tạo tiếng nói mới của đồ họa. Chúng ta đang chậm hơn, nhưng cũng có cơ may bước nhanh hơn trong mặt bằng chung của đồ họa ASEAN. Trong tương quan chung ấy, đồ họa Việt Nam phải hiện diện đúng khả năng, sức tiềm tàng của nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ.