Phụ nữ Việt trong tranh các danh họa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho hay, sự quan tâm của các họa sĩ đương thời với phụ nữ không phải ngẫu nhiên.

Không gian trưng bày chủ đề 'Phụ nữ Việt Nam' tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San.
Không gian trưng bày chủ đề 'Phụ nữ Việt Nam' tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San.

Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, người phụ nữ không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo, mà còn trở thành đề tài lớn - giúp làm nên tên tuổi nghệ sĩ và định hình bản sắc hội họa Việt.

Tranh hiếm về phụ nữ Việt

Hướng tới Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Bảo tàng nghệ thuật Quang San mở triển lãm cùng tên để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ thông qua gần 30 bức tranh cực hiếm của các danh họa Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Đinh Cường, Lưu Công Nhân… thể hiện qua nhiều chất liệu từ sơn dầu, sơn mài, ký họa, khắc gỗ, lụa, bột màu, than chì cho đến màu nước và tượng đồng - được trưng bày đến hết ngày 29/10 nhằm đem đến những góc nhìn đặc biệt về vẻ đẹp của phụ nữ Việt.

Theo Ban tổ chức, phụ nữ luôn là đề tài bất tận trong thơ ca, hội họa, và nền nghệ thuật Việt Nam.

Nhắc đến tháng 10, không thể nào không nhắc đến ngày lễ đặc biệt 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam. Hằng năm, ngày lễ truyền thống này như một cơ hội để mỗi người bày tỏ, gửi gắm yêu thương với những người phụ nữ thầm lặng.

Đó cũng là lý do để Bảo tàng nghệ thuật Quang San thực hiện trưng bày chuyên đề tháng 10 về phụ nữ Việt Nam để ghi nhận những công lao cao cả trong xã hội và tôn vinh vai trò của họ không chỉ là phía hậu phương vững chắc, mà còn là những chiến sĩ kiên cường.

Các tác phẩm trong triển lãm này trải dài từ năm 1940 đến năm 2021, đa dạng chất liệu do các danh họa tiêu biểu như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Lương Xuân Nhị… thực hiện. Qua những bức tranh ấy, công chúng có thể cảm nhận được cách khái quát nhất cũng như góc nhìn của các danh họa đối với phụ nữ thay đổi ra sao theo thời gian.

Trong đó, nổi bật có các tranh: “Thiếu nữ xõa tóc” của Tô Ngọc Vân vẽ bằng chất liệu chì than. Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1926 - 1931, được coi là một trong những họa sĩ xuất sắc của hội họa Việt Nam trước 1945.

Người ta xếp ông vào bộ tứ của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đầu gồm “Trí, Vân, Lân, Cẩn”. Ông cũng là tác giả của các tác phẩm tiêu biểu, như “Thiếu nữ bên hoa huệ” và “Hai thiếu nữ và em bé”. Trong đó, “Hai thiếu nữ và em bé” được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Bên cạnh đó là các tác phẩm tuyệt đẹp, như “Thôn nữ” vẽ trên chất liệu sơn dầu của Dương Bích Liên, “Cô gái dân quân Lệ Thủy” sáng tác năm 1969 bằng chất liệu màu nước của Trần Văn Cẩn, “Dao Ánh” - người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, do họa sĩ Đinh Cường vẽ năm 1991 bằng sơn dầu, từng được treo tại nhà của nhân vật trong tranh.

“Chân dung thiếu nữ” của Lưu Công Nhân - người nổi tiếng với các bức tranh nude và câu chuyện về lối sống phóng túng. Tuy nhiên, trong bức tranh này hoàn toàn ngược lại khi thiếu nữ kín đáo trong chiếc khăn trùm đầu, đây cũng là điểm nhấn để nhìn nhận lại quan niệm sáng tác của Lưu Công Nhân.

Người xem cũng không thể bỏ qua “Thiếu nữ đọc sách” của Lương Xuân Nhị - một giáo sư, nhà giáo nhân dân, họa sĩ nổi tiếng với những bức chân dung thiếu nữ và phong cảnh, sinh hoạt bình dị.

Cùng với đó là các tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ mới, như tranh sơn mài “Thiếu nữ Hà Nội” của Công Quốc Hà, “Thái hậu Dương Vân Nga” của Lê Năng Hiển, “Dạ cổ hoài lang” của Trần Văn Phú…

Tranh sơn mài của Hoàng Tích Chù đấu giá tại Pháp ngày 9/10 với giá gõ búa 355.000 euro (tương đương 9,1 tỷ đồng).

Tranh sơn mài của Hoàng Tích Chù đấu giá tại Pháp ngày 9/10 với giá gõ búa 355.000 euro (tương đương 9,1 tỷ đồng).

Phụ nữ đại diện cho bản sắc Việt

Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho hay, sự quan tâm của các họa sĩ đương thời đối với phụ nữ không phải ngẫu nhiên. Tất cả bắt đầu từ ý thức tự tôn, nhận biết các giá trị văn hóa thuộc về bản sắc. Và thông qua hội họa, họ lưu giữ lại những biến động và quan niệm xã hội đương thời.

Cũng theo ông Khôi, trong số các bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Việt Nam được các hãng đấu giá lớn của quốc tế quan tâm – số nhiều là bức tranh chân dung về phụ nữ. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Chân dung cô Phượng” của cố họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa ở mức 3,1 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông vào tháng 4/2021 - trở thành bức tranh đắt giá nhất Việt Nam.

Tác phẩm được Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, kích thước 135,5 x 80cm, lúc đó ông là giáo viên dạy vẽ tại Trường Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Bức tranh là một tác phẩm khá hiếm về chất liệu cũng như thuộc thời kỳ đầu của danh họa trước khi sang Pháp.

Cô Phượng trong tranh là một cô gái trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu của Hà Nội xưa, nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng. Có thông tin cho rằng cô Phượng và Mai Trung Thứ từng yêu nhau nhưng vì cản trở giai cấp mà không thể tiếp tục. Sau này, bức tranh càng nổi tiếng hơn khi xuất hiện trong bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Mới đây, vào ngày 4/10 tại nhà đấu giá Bonhams tổ chức tại Hồng Kông, loạt tranh của các danh họa Việt cũng được đưa lên sàn đấu. Đáng chú ý lại vẫn là Mai Trung Thứ với tác phẩm tranh lụa “Le Collier” (Vòng cổ) được chốt giá 3.306.000 HKD (khoảng trên 10 tỷ đồng).

Tranh lụa 'Le Collier' (Vòng cổ) của Mai Trung Thứ được chốt giá 3.306.000 HKD (khoảng trên 10 tỷ đồng).

Tranh lụa 'Le Collier' (Vòng cổ) của Mai Trung Thứ được chốt giá 3.306.000 HKD (khoảng trên 10 tỷ đồng).

Bức tranh có kích thước 55 x 71cm, tả khung cảnh khuê phòng của một thiếu nữ thuộc gia đình giàu có.

Cô thiếu nữ nằm trên phản, đầu tựa gối, tóc buông, mặc áo dài lụa bạch, quần hồng phấn, vì trong khuê phòng riêng tư nên cô để cổ áo bỏ khuy trên làm lộ ra chiếc yếm màu hồng. Hai bàn tay với những ngón thuôn dài vươn ra nâng chiếc vòng kết những viên ngọc màu hổ phách.

Tác phẩm trước đây nằm trong bộ sưu tập tư nhân của một nhà điêu khắc nổi tiếng người Uruguay. Họa sĩ Mai Trung Thứ gặp nhà điêu khắc này tại Paris và họ liền dành cho nhau sự ngưỡng mộ.

Vào năm 1948, hai nghệ sĩ đã trao đổi tác phẩm của nhau. Và đây là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, kể từ khi bức tranh được sáng tác.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng, người phụ nữ đối với một số danh họa không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là đại diện của bản sắc Việt.

Người phụ nữ đã để lại dấu ấn đậm nét trong nghệ thuật, dù ở thời kỳ nào hay áp dụng kỹ thuật nào, thì vẫn là nét đặc trưng lâu đời nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Ngày 9/10 vừa qua, bức tranh sơn mài của Hoàng Tích Chù đấu giá tại Pháp đạt đến 355.000 euro (tương đương 9,1 tỷ đồng), cũng là vẽ về chân dung 3 người phụ nữ mặc áo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ