Theo quy định của nước này, các hội đồng giáo dục trên cả nước sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đại học khác nhau với những tiêu chí riêng biệt. Một số hội đồng giáo dục nổi tiếng là “khoan dung” nhưng số khác bị cho là quá nghiêm khắc, từ đó, gây ra sự thiếu công bằng trong việc tuyển sinh đại học.
Đơn cử, hơn 6.000 thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh đại học của Ủy ban Kiểm tra bang Kerala năm 2021, cho phép họ trúng tuyển các trường đại học hàng đầu Ấn Độ. Nhiều bang khác, số điểm tuyệt đối thấp.
Do đó, từ năm 2020, Chính phủ Ấn Độ đã quy định tuyển sinh giáo dục đại học phải được thực hiện thông qua một kỳ thi chung trên toàn quốc. Vào tháng 3/2022, Bộ Giáo dục nước này thông báo, từ năm nay, thí sinh đăng ký vào 45 trường đại học hàng đầu do chính phủ tài trợ, phải tham gia Kỳ thi tuyển sinh đại học chung (CUET – Common University Entrance Test).
Từ mùa hè năm 2022, khoảng 1,5 triệu thí sinh đã tham gia CUET. Kết quả kỳ thi cũng được sử dụng cho các trường đại học khác trong nước. Điều này khiến CUET trở thành kỳ thi tuyển sinh lớn thứ 2 cả nước, sau NEET (Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng y tế).
Ngoài mục tiêu tạo sân chơi bình đẳng, CUET, do Cơ quan Khảo thí quốc gia Ấn Độ quản lý, sẽ hợp thức hóa quy trình tuyển sinh và giảm yêu cầu trong các kỳ thi cuối cấp.
Tuy nhiên, cho đến nay, xung quanh việc tổ chức CUET vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Gowhar Rashid Ganie, chuyên gia kinh tế giáo dục tại Viện Quản lý và Kế hoạch Giáo dục quốc gia, New Delhi, Ấn Độ, cho biết: Đầu tiên, bài kiểm tra CUET được thực hiện trên máy tính, chấm điểm tự động với các câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm.
Tuy nhiên, câu hỏi như vậy không thể đánh giá ứng viên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân vân. Thay vào đó, những câu hỏi mở sẽ tạo cơ hội cho thí sinh thể hiện khả năng tư duy phản biện và óc sáng tạo.
Ngoài ra, CUET được cho là làm suy yếu quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học và đặt các trường trung học vào thế khó. Thành tích của các trường trung học sẽ dựa vào số lượng học sinh trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu qua CUET. Rủi ro là CUET sẽ biến trường học thành những “nhà máy luyện thi” khổng lồ, dẫn đến giảm khả năng học tập chủ động của học sinh.
Đồng thời, CUET có thể thúc đẩy ngành dạy thêm tư nhân, được coi là điều kiện tiên quyết để thành công trong các kỳ thi cạnh tranh quốc gia. Điều này sẽ gây bất lợi cho thí sinh không đủ khả năng chi trả cho việc học thêm.
“CUET có thể được xây dựng với mục tiêu công bằng nhưng kỳ thi đã không tính đến nền tảng gia đình và trường học. Điều đáng lo ngại là bài kiểm tra sẽ thúc đẩy tính đồng nhất thay vì tính đa dạng trong giáo dục đại học”, ông Gowhar Rashid bày tỏ.
Các chuyên gia giáo dục Ấn Độ gợi ý kết hợp CUET với điểm thi của Hội đồng Giáo dục các địa phương. Điều Ấn Độ hiện nay đang cần là cơ hội giáo dục bình đẳng để học sinh đến từ mọi hoàn cảnh khác nhau đều có thể giành suất vào trường đại học mơ ước bằng năng lực của họ.