Những thay đổi này dự đoán sẽ làm mới lĩnh vực giáo dục đại học quốc gia, song còn nhiều thách thức cần được giải quyết.
Mô hình học kết hợp
Ấn Độ sở hữu một trong những hệ thống giáo dục đại học lớn nhất thế giới với hơn 1.000 trường đại học, 50 nghìn trường cao đẳng, tổ chức giáo dục đại học, phục vụ gần 39 triệu sinh viên. Tuy nhiên, việc tiếp cận với nền giáo dục chất lượng còn hạn chế. Trước đại dịch, sinh viên Ấn Độ rất ít cơ hội tiếp cận phương pháp học trực tuyến hoặc được kết nối chặt chẽ với các nhà tuyển dụng. Đại dịch đã thay đổi mô hình đại học tại quốc gia này chỉ trong vài tháng.
Hậu Covid-19, các học giả dự đoán mô hình giáo dục đại học sẽ “thay da đổi thịt”, trong đó phải kể đến mô hình học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp nhằm thu hẹp không gian và sĩ số lớp học. Việc học kết hợp có một số lợi ích trước mắt như thúc đẩy sinh viên thảo luận trong môi trường học tập ảo, giúp tiết kiệm thời gian, năng lượng, tiền bạc.
Là một trong những trường đại học đi đầu trong việc đào tạo kết hợp, đại diện Học viện Công nghệ Quản lý Birla cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp 50% lớp học trực tuyến và 50% trực tiếp. Mô hình này giúp chúng tôi đối phó với khủng hoảng từ dịch Covid-19 và chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm của mô hình này.
Nhà trường đã đầu tư xây dựng studio để tổ chức học trực tuyến, thậm chí là trao bằng trực tuyến. Trong một năm qua, chúng tôi cũng hợp tác với nền tảng giáo dục upGrad để cung cấp khóa học MBA với chi phí bằng 1/5 thông thường”.
Bên cạnh đó, sinh viên có nhu cầu học tập cao hơn có thể đăng ký khóa học trực tuyến cấp chứng chỉ từ những cơ sở đào tạo nổi tiếng thế giới như Viện Công nghệ Massachusetts, Trường ĐH Harvard. Những khóa học này có thể là một nguồn thu nhập tiềm năng với các trường mà không yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Các học giả Ấn Độ cho rằng, các trường đại học trong nước hoàn toàn có thể bắt kịp xu hướng bán khóa học online. Nhưng các trường cần đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, đào tạo giảng viên thành thạo công nghệ. Đặc biệt, cần xây dựng khóa học hấp dẫn để duy trì khả năng tập trung của người học.
Nhiều công ty đã tích cực hợp tác với các tổ chức giáo dục nhằm xây dựng hội thảo, chương trình hướng nghiệp cho sinh viên dưới hình thức trực tuyến. Trước đó, các doanh nghiệp thường không “mặn mà” với việc hợp tác này vì thiếu thời gian nhưng công nghệ đã cho phép họ linh hoạt hơn.
Hợp tác cùng EdTech
EdTech (công nghệ giáo dục) là lĩnh vực không mới nhưng chỉ thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Các công ty EdTech cung cấp hệ thống quản lý học tập, mô hình giáo dục, nền tảng khóa học online, công cụ hỗ trợ học tập… Đây là những vũ khí mà các trường đại học cần có khi chuyển sang giảng dạy trực tuyến nên nhiều trường đã hợp tác với các công ty EdTech.
Ông Siddhartha Gupta, Giám đốc điều hành công ty đánh giá trực tuyến Mercer Mettl, cho biết, việc tích hợp công nghệ giáo dục vào giảng dạy chính khóa đang được đẩy mạnh.
Trong đại dịch, công ty của ông đã hỗ trợ từ 50 - 265 trường đại học, cao đẳng xây dựng các bài kiểm tra trực tuyến trên nền tảng của Mercer Mettl. Ước tính, Mercer Mettl đã xây dựng 3,4 triệu bài kiểm tra cho các trường đại học, cao đẳng vào năm 2020, tăng so với con số 135.000 vào năm 2019.
“Hiện nay, chúng tôi có khoảng 400 khách hàng đến từ các cơ sở giáo dục. Điều này cho thấy, các cơ sở giáo dục đang có nhu cầu hợp tác mạnh mẽ với các công ty công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và trải nghiệm học tập cho sinh viên”, ông Gupta nhận xét.
Những thách thức dai dẳng
Ông Sanjay Gupta, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thiết kế thế giới, đánh giá, hậu đại dịch, lĩnh vực giáo dục đại học trên toàn thế giới sẽ không thể trở lại vòng quay cũ. Các trường đại học tại Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới đang cố gắng hết sức để đổi mới, bắt kịp với những thay đổi.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ trong giáo dục chưa phải là mô hình bền vững tại Ấn Độ. Một trong những thách thức đến từ việc một bộ phận sinh viên chưa được tiếp cận với điện, Internet hay thiết bị công nghệ để học trực tuyến. Như vậy, chất lượng đào tạo thông qua công nghệ sẽ không đồng đều.
Ngoài ra, việc tương tác với giảng viên ngày càng bị hạn chế. Giảng viên không được trực tiếp giám sát và theo dõi tiến trình học tập của sinh viên. Trong khi sinh viên không được hướng dẫn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông…
Học trực tuyến đồng nghĩa sinh viên phải làm việc độc lập, từ đó dễ nảy sinh tâm lý kiêu ngạo, ích kỷ. Ngay cả những sinh viên thành thạo công nghệ cũng đánh giá học trực tuyến kém hiệu quả so với trực tiếp.
Các chuyên gia dự đoán sẽ còn nhiều thách thức khi giáo dục đại học bước sang trang mới. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là công nghệ đang dần thay đổi giáo dục và các trường phải nhanh chóng nắm bắt điểm mới này.