Ấn Độ: Đại dịch đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa giáo dục

GD&TĐ - Khi Ấn Độ lao đao trước làn sóng Covid-19 thứ hai, sinh viên, giảng viên, nhân viên các trường đại học công lập cũng phải chịu một đợt tấn công khủng khiếp vào lĩnh vực giáo dục này.

Trường ĐH Hồi giáo Aligarh, Ấn Độ.
Trường ĐH Hồi giáo Aligarh, Ấn Độ.

Trong tuần qua, Trường ĐH Hồi giáo Aligarh, một trong những trường đại học công lập tốt nhất Ấn Độ, báo cáo 16 giảng viên đã qua đời vì Covid-19, 18 người khác xin nghỉ hưu sớm.

Tại Trường ĐH Delhi, Viện Eminence (IOE), số giảng viên đột ngột qua đời vì Covid-19 là 15 người. Các trường đại học khác cũng chứng kiến sự sụt giảm nguồn nhân lực tương tự và không có dấu hiệu cho thấy số lượng người tử vong sẽ giảm trong thời gian tới.

Lĩnh vực giáo dục đại học tại Ấn Độ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên còn quá sớm để liệt kê các hậu quả sẽ xảy đến. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục tại Tổ chức giáo dục quốc tế Times Higher Education (THE) cho rằng, các trường đại học công lập tại Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất sau đại dịch lần này.

Khi Ấn Độ vượt qua làn sóng Covid-19 thứ hai, trọng tâm của chính phủ sẽ là phục hồi kinh tế sau suy thoái, giải quyết các vấn đề xã hội gây ra bởi đại dịch, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tỷ lệ đói nghèo. Về mặt ngoại giao, nhiều khả năng chính phủ sẽ ưu tiên chống lại mối đe dọa quân sự từ các nước trên thế giới.

Đại dịch gây tổn thất lớn lên nền tài chính của Ấn Độ nên trong những năm tới, các trường đại học công lập, hiện đang nhận trợ cấp từ chính phủ, có thể sẽ không còn được quan tâm nhiều như trước.

Đặc biệt là các trường đại học công lập thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Nếu không được hỗ trợ tài chính thường xuyên và đầy đủ, môi trường lẫn chất lượng giáo dục của các trường đại học này sẽ nhanh chóng xuống cấp.

Những trường đại học cấp trung ương, được tài trợ trực tiếp bởi chính phủ Ấn Độ, có thể sẽ chịu chung số phận. Vì dù nền kinh tế quốc gia này có thể phục hồi nhanh chóng hậu Covid-19, chính phủ khó có thể dành nguồn lực vốn khan hiếm cho giáo dục đại học.

Quốc gia này cần tập trung vào những lĩnh vực khác để phục vụ cho năm 2024, khi cuộc bầu cử quốc gia diễn ra.

Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ gần đây, chính quyền một số địa phương tại Ấn Độ đã thiếu quan tâm, thiếu đầu tư cho các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Đòn giáng từ Covid-19 khiến họ nhận ra phải quan tâm hơn nữa tới ngành y tế nhưng giáo dục có thể để lại phía sau.

Trong khi đó, hầu hết người dân Ấn Độ, không chỉ tầng lớp khá giả, ngày càng phụ thuộc vào các cơ sở tư nhân, từ bệnh viện tư nhân đến các trường phổ thông, CĐ, ĐH tư thục.

Hiện khoảng 2/3 sinh viên Ấn Độ đang theo học tại các trường đại học tư thục. Những trường này còn tiếp tục được nhiều chính trị gia, nhà đầu tư trong nước rót vốn vì nó mang lại nhiều lợi ích tài chính.

Sinh viên, lãnh đạo các trường đại học công lập từng lên tiếng chỉ trích vấn đề này song chưa được giải quyết. Covid-19 xuất hiện sẽ chỉ càng khoét sâu khoảng cách giữa trường công và trường tư, trong đó đẩy các trường công đến bên bờ vực.

Ngoài ra, các trường đại học công lập tại Ấn Độ còn phải cạnh tranh với một môi trường giáo dục mới nổi, thu hút sự quan tâm của người trẻ trong nước, là đại học khai phóng.

Đây là những trường đại học quy mô nhỏ, có tinh thần cộng đồng cao và tập trung đào tạo bốn ngành gồm: Nghệ thuật, Nhân văn, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ngược lại, các trường đại học công lập, dù chất lượng đào tạo tốt, nhưng vì thiếu được đầu tư nên ngày càng trở nên kém hấp dẫn trong mắt thanh, thiếu niên.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ