Tranh cãi tăng tuổi hưu

GD&TĐ - Ngày 16/3, Chính phủ Pháp đã kích hoạt một quyền đặc biệt trong hiến pháp để áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần Hạ viện phê chuẩn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng thêm ba tháng mỗi năm từ tháng 9/2023 và sẽ chạm mức 64 tuổi vào năm 2030. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu ở Pháp là 62.

Kể từ năm 2027, công dân Pháp sẽ phải có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 43 năm, tương đương 172 quý, hoặc 44 năm đối với những người lao động trước tuổi 15, tăng hơn 2 năm so với quy định hiện nay. Những trường hợp không đủ thâm niên sẽ phải làm việc đến năm 67 tuổi.

Luật mới cũng chấm dứt các chế độ nghỉ hưu sớm đối với người lao động trong một số lĩnh vực như đường sắt, điện, khí đốt... Nhưng lương hưu tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng lên 1.200 euro/tháng, tương đương 85% mức lương tối thiểu. Sau năm đầu tiên, lương hưu sẽ được tính toán lại theo chỉ số lạm phát.

Luật cải cách hưu trí đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía dư luận Pháp và châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình, đình công trên cả nước. Các nghiệp đoàn đại diện người lao động Pháp đã kêu gọi tổ chức biểu tình vào cuối tuần trước.

Đơn cử, trong ngày 18/3, một cuộc tuần hành hòa bình đã diễn ra ở thị trấn Compiegne, phía Bắc thủ đô Paris. Từ tối 17/3, hàng nghìn người đã tập trung ở Paris và bày tỏ phản đối vì chính phủ vẫn áp dụng cải cách.

Trên thực tế, các cuộc đình công, biểu tình đã xuất hiện từ hồi tháng 2, sau khi Chính phủ Pháp công bố về dự luật cải cách hưu trí. Những người tham gia phản đối bao gồm nhân viên, người lao động ở nhiều lĩnh vực, khiến dịch vụ công cộng tê liệt, hoạt động đường sắt, bến cảng và các trường học đình trệ. Trung tâm Paris ngập trong rác thải vì công nhân vệ sinh môi trường tổ chức đình công trong 12 ngày liên tiếp.

Tuổi hưu và lương hưu luôn là vấn đề nóng tại Pháp. Nước này sở hữu một hệ thống hưu trí được đánh giá cao như “sự đoàn kết giữa các thế hệ”. Theo đó, người lao động phải trả các khoản phí bắt buộc để tài trợ cho người nghỉ hưu. Tất cả công nhân Pháp đều được hưởng lương hưu nhà nước.

Các công đoàn phản đối luật mới với lập luận rằng, điều này sẽ gây thiệt thòi cho người lao động chân tay thu nhập thấp hoặc những người tham gia vào thị trường lao động từ rất sớm.

Chưa kể những phụ nữ bị gián đoạn công việc trong thời gian nuôi con cũng bị ảnh hưởng. Thời gian làm việc của họ thường dài hơn người có bằng đại học - đối tượng ít bị ảnh hưởng hơn.

Đơn cử, một lao động phổ thông tại Pháp có thể đi làm từ năm 19 tuổi và sẽ tích luỹ đủ 43 năm cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ vào năm 62 tuổi. Nhưng nếu tăng tuổi hưu thêm 2 năm, họ sẽ chịu thiệt thòi.

Ngoài ra, một số nghề lao động chân tay như nghề thu gom rác rất khổ cực, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ. Tăng tuổi hưu cũng là tăng thời gian họ phải tiếp xúc với những môi trường làm việc suy giảm thể chất.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cải cách hưu trí là cần thiết để giữ cho hệ thống hưu trí của đất nước bền vững hơn. Cải cách có thể coi là một phần của chiến lược tầm xa nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động, thu hút nhiều người tham gia vào lực lượng lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.