Hôm 26/7, 200 sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM và cán bộ, công nhân viên thuộc Công ty Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã tổ chức, thực hiện việc nhặt, quét rác trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là chiến dịch được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT.
Việc nhặt rác được thực hiện bắt đầu từ Km 0+000 đến Km 4+000 của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Được biết, đoạn đường này thuộc đoạn An Phú - vành đai II dài 4 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ tối đa cho phép là 80 km/h.
Ngoài ý nghĩa mang lại sự an toàn, sạch đẹp cho đường phố, thì còn có nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho chính các bạn sinh viên cũng như những người tham gia chương trình và những người, phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc.
Trên diễn đàn Ô tô Sài Gòn, thành viên Drago_sea thắc mắc: “Có biết bao nhiêu cách cổ động, tuyên truyền vừa phù hợp và an toàn hơn sao không áp dụng, mà lại áp dụng cái tối kiến này vậy? Thật không thông cảm được cái chỗ nào cả! Lúc này xe ben, xe tải mất thắng liên tục, lỡ mà xảy ra sự cố thì sao?”.
Có cùng câu hỏi, thành viên danh0708 viết: “Thiếu gì việc để ra quân, làm sao kéo mấy trăm em ra đánh đu với tử thần nhỉ? Rủi có xe điên, xe mất lái, mất thắng rồi sao?”.
Thành viên phongmoi thì vừa khen, vừa góp ý: “Khen, nhưng phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Tôi thấy khi đi qua trạm cao tốc, các nhân viên trực trạm đều hỏi “anh có rác không, đưa em, em đổ giùm cho”, thêm nữa chỗ trạm đã có biển báo “đề nghị không xả rác trên cao tốc gây mất an toàn giao thông”. Vì vậy, nên kết hợp nhiều biện pháp mới hiệu quả, chứ nhìn mấy em quét rác kiểu này rất nguy hiểm...”.
Vệ sinh, nhặt rác ở bên lề đường. Ảnh: VEC E
Trong khi đó, anh Phạm Duy - Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học GTVT TP.HCM - đánh giá: “VEC E trang bị mũ bảo hộ, găng tay, chổi, đồ hót rác, nước uống đầy đủ cho sinh viên tình nguyện.
Ngoài ra còn có các nhân viên của công ty tham gia vào bộ phận phân làn, bảo đảm an toàn giao thông cho đội tình nguyện và phương tiện qua lại trên đường cao tốc”.
“Hoạt động phong trào thanh niên của công ty này khá mạnh, công ty lo chỗ ăn, chỗ nghỉ và vật chất cho các "chiến sĩ" chu đáo, an toàn nên chúng tôi rất yên tâm. Hai bên hợp tác rất vui vẻ, không có vấn đề gì”, anh Duy chia sẻ thêm.
Còn anh Mai Trung Hiếu - Bí thư Đoàn thanh niên Công ty VEC E - giải thích: “Bên mình có một số tiêu chí với đường cao tốc, đó là “An toàn nhất, sạch đẹp nhất”. Trong quá trình làm việc vừa rồi, bên mình phối hợp với Đoàn thanh niên của Trường Đại học GTVT để thực hiện”.
Theo anh Hiếu, Chủ nhật tuần này (2/8), công ty sẽ tổ chức dọn vệ sinh ở km11 (Trạm thu phí Long Thành) cho tới quốc lộ 51 với tổng chiều dài khoảng 12 km. Được biết, tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện khi đi qua đoạn đường này là 120 km/h.
“Bên công ty có thiết lập biển cảnh báo giảm tốc độ từ xa, cách vị trí dọn vệ sinh khoảng 1 km. Còn ở nơi triển khai sẽ có các chóp nón và có người phân làn ngay từ điểm đầu tiên.
Do đó, lái xe vẫn có thể chạy với tốc độ quy định, nếu họ để ý thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Về vấn đề an toàn giao thông thì quan điểm của lãnh đạo VEC E là phải đặt lên hàng đầu. Với lại, anh em vận hành đều đã được đào tạo chuyên cho công tác này” - Anh Hiếu chia sẻ.
Những dụng cụ chuyên dụng dùng để phân làn, đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: VEC E
Ngoài ra, ông Hiếu cho biết thêm, nhiệm vụ của các sinh viên tình nguyện chủ yếu là dọn rác, còn việc cắt cỏ đã có đơn vị bảo trì của VEC E thực hiện định kỳ. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia, VEC E trang bị cho sinh viên, nhân viên áo phản quang, bao tay, mũ bảo hộ...
“Trong quá trình triển khai chiến dịch, công ty còn tổ chức chỗ ăn, chỗ nghỉ cho sinh viên, bởi vì chương trình được tổ chức trong suốt 70 ngày. Hiện tại có một nhóm sinh viên tự đi - về, còn một nhóm khoảng 30 người thì ở chung với anh em tại trạm Dầu Giây” - Anh Hiếu cho biết.
Cũng theo anh Hiếu, ngoài hoạt động dọn dẹp vệ sinh, lực lượng trên đang tích cực trồng cây xanh ở hai hành lang giao thông Long Phước và Dầu Giây. Hiện tại đã được 3.440 cây sau 5 ngày thực hiện, mục tiêu là 10.000 cây.