Tranh cãi dạy học tiếng Anh tại Hà Lan

GD&TĐ - Tờ The Guardian đưa tin Chính phủ Hà Lan đang thảo luận về việc giới hạn số lượng sinh viên ngoài EU trong một số chương trình học.

Đại học Amsterdam, ngôi trường thu hút đông đảo sinh viên quốc tế tại Hà Lan.
Đại học Amsterdam, ngôi trường thu hút đông đảo sinh viên quốc tế tại Hà Lan.

Khi Anh có kế hoạch rời Liên minh châu Âu (EU), các trường đại học Hà Lan bắt đầu tăng cường khóa học dạy bằng tiếng Anh nhằm thu hút sinh viên quốc tế nói chung và sinh viên EU. Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan mới đây đã thay đổi kế hoạch của mình.

Tờ The Guardian đưa tin Chính phủ Hà Lan đang thảo luận về việc giới hạn số lượng sinh viên ngoài EU trong một số chương trình học và yêu cầu các trường đại học giảng dạy ít nhất 2/3 chương trình cử nhân tiêu chuẩn bằng tiếng Hà Lan. Sinh viên quốc tế cũng có thể được yêu cầu học tiếng Hà Lan cơ bản nhằm tăng cơ hội ở lại nước này làm việc và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tìm việc làm.

Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan, ông Robbert Dijkgraaf, nhấn mạnh: “Theo tôi, ngôn ngữ giáo dục là tiếng Hà Lan. Các trường có thể giảng dạy bằng ngôn ngữ khác nhưng không nên quá 1/3 số lượng chương trình đào tạo. Điều đó đồng nghĩa phần lớn nội dung giáo dục đại học bằng tiếng Hà Lan nhưng sinh viên vẫn được phép học một số chuyên ngành bằng tiếng Anh”.

Ông Dijkgraaf lấy ví dụ, các chương trình đào tạo nghệ thuật như Vĩ cầm có thể giảng dạy bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên nước ngoài và tăng hiệu quả đào tạo.

Dự thảo trên của Hà Lan đang gây xôn xao trong nước lẫn quốc tế. Với hơn 122.000 sinh viên quốc tế đang theo học, chiếm 15% tổng số sinh viên cả nước, Hà Lan là điểm đến du học hấp dẫn. Hệ thống giáo dục nước này cũng được đánh giá cao trên quốc tế vì các chương trình đào tạo tiếng Anh phổ biến và kỹ năng kỹ thuật số tốt.

Kết quả thảo luận sẽ được công bố trong thời gian tới và nếu thay đổi, dự thảo sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2024. Đến nay, kế hoạch này vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.

PGS David Schindler, chuyên gia kinh tế tại ĐH Tilburg, nhận định: “Các trường đại học nên dạy những gì hữu ích cho sinh viên nhưng kế hoạch bắt buộc có thể ảnh hưởng đến nền học thuật Hà Lan. Điều tôi lo lắng nhất là việc sụt giảm chất lượng nghiên cứu và đổi mới, một trong những động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế”.

Theo ông Schindler, nhiều sinh viên quốc tế sẽ chuyển hướng sang du học Anh hoặc Thụy Điển nếu kế hoạch trên thành sự thật. Trong khi đó, Hiệp hội các trường đại học Hà Lan cho rằng sinh viên địa phương nên cải thiện tiếng Hà Lan còn sinh viên quốc tế nên học ngôn ngữ này.

Còn bà Saoradh Favier, nhà nghiên cứu về quốc tế hóa tại tổ chức Nuffic hy vọng kế hoạch cho phép các trường đại học thu hút số lượng sinh viên phù hợp hơn với chương trình đào tạo, đồng thời duy trì những mặt tích cực của quá trình quốc tế hóa.

Năm ngoái, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhà ở, một số trường đại học Hà Lan đã cảnh báo sinh viên quốc tế không nên đến nước này học tập trừ khi đã tìm được chỗ ở. Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các trường đại học giảm tuyển sinh quốc tế, trong khi đó, thị trưởng thành phố Amsterdam, ông Femke Halsema, đã đề nghị cư dân nước ngoài tăng cường học tiếng Hà Lan.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.