Tránh bẫy lừa xuất khẩu lao động

GD&TĐ - Thị trường xuất khẩu lao động là “mảnh đất màu mỡ” của các đối tượng môi giới lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với người lao động.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Những cú lừa liên tiếp

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của người đi xuất khẩu lao động gia tăng, nhiều cá nhân, tổ chức đã tiếp cận đưa ra hứa hẹn về cách ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, đi dễ, làm visa bao đậu... để lừa đảo.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) cũng liên tiếp có cảnh báo về việc lợi dụng nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động, nhiều tổ chức, cá nhân đã lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác lao động.

Việc này làm xấu hình ảnh người lao động Việt Nam. Nó cũng khiến quá trình đàm phán hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước gặp khó khăn.

Cuối tháng 5/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga (sinh năm 1984), trú tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) về tội “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản”. Hành vi lừa đảo là nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục xuất khẩu lao động nước ngoài.

Trần Thị Hằng Nga giới thiệu bản thân là giám đốc một công ty xuất khẩu lao động để lấy lòng tin của nạn nhân. Sau đó, Nga hứa hẹn người lao động có thể đi xuất khẩu với mức giá rẻ hơn những nơi khác 200 – 300 triệu đồng.

Nhờ những thủ đoạn tinh vi này, Trần Thị Hằng Nga đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 500 công dân có nhu cầu đi Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Mỹ… với tổng số tiền lừa đảo hơn 20 tỷ đồng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lê Phúc Thịnh (SN 1993; ngụ ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, từ đầu năm 2023, đối tượng Lê Phúc Thịnh lấy danh nghĩa nhân viên tuyển dụng của một công ty có địa chỉ tại tỉnh Cà Mau để thuyết phục 10 người có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc. Sau khi nhận hơn 800 triệu đồng của các nạn nhân, Thịnh không thực hiện như cam kết, chiếm đoạt số tiền đã nhận trái phép.

Chị Phạm Thị Hoa (24 tuổi, Bắc Ninh) cho biết, có dự định đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau khi tham gia các nhóm chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu lao động, chị Hoa đã bị một đối tượng có tài khoản tên P.H. tiếp cận bằng cách kết bạn trên mạng xã hội, nhắn tin ngỏ ý hợp tác giúp đi Nhật Bản với “chi phí hợp lý”.

Đáng nói, trang cá nhân của đối tượng đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này. Đơn cử như: Hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh visa của nước tiếp nhận đã được cấp.

Đối tượng còn đưa ra nhiều lời mời chào, phương thức “lách luật” như kết hôn giả,... Sau khi tạo lòng tin, đối tượng yêu cầu chị Hoa chuyển khoản số tiền 50 triệu đồng để làm thủ tục giấy tờ.

“Những lời mời mọc rất hấp dẫn có lẽ đã thu hút được nhiều ‘con mồi’ dính bẫy. Tuy nhiên, khi tôi kể cho người nhà làm trong ngành công an nghe thì mới biết đây là chiêu trò của các đối tượng nhằm chiếm đoạt tiền cọc.

Những chiêu thức này không hề mới, song vẫn rất nhiều người mắc ‘bẫy’. Khi tôi đăng tải thông tin lên mạng, cũng đã có người vào xác nhận đây là đối tượng lừa đảo”, chị Hoa chia sẻ.

Nhiều đối tượng tiếp cận người lao động nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh chụp màn hình: NVCC

Nhiều đối tượng tiếp cận người lao động nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh chụp màn hình: NVCC

“Chọn mặt gửi vàng” những tổ chức uy tín

Để tránh bẫy lừa đảo từ các đối tượng, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, điều tiên quyết và cần thiết nhất là lựa chọn một công ty dịch vụ uy tín, có giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH.

Việc đưa người sang nước ngoài làm việc là vấn đề liên quan đến sự hợp tác giữa hai quốc gia thông qua các công ty dịch vụ. Bởi vậy, người lao động cần tìm hiểu rõ về công ty sẽ hỗ trợ người lao động ra nước ngoài làm việc (thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, giấy phép hoạt động…) trước khi đặt bút ký hợp đồng dịch vụ với công ty đó.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM Việt Nam), người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động, có thể liên hệ, tìm kiếm thông tin ở một số địa chỉ uy tín, an toàn sau: Phòng LĐ-TB&XH tại địa phương (thuộc UBND cấp quận, huyện); các trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương (thuộc Sở LĐ-TB&XH); website của Trung tâm Lao động ngoài nước (colab.gov.vn); website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn); website của Chính phủ và Đại sứ quán nước đến; hội liên hiệp phụ nữ tại địa phương.

Trên thực tế, mỗi năm các địa phương đều bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng hỗ trợ tận tay người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài như hỗ trợ về học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ nhằm bồi dưỡng những kiến thức cần thiết. Thậm chí nhiều địa phương còn tạo điều kiện hỗ trợ người lao động vay vốn đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và nhận được sự bảo hộ của Nhà nước.

Trong khi đó, lựa chọn bằng con đường đi “tắt” để sang nước ngoài thì người lao động sẽ không được hưởng những chính sách này, thậm chí còn gặp nhiều rủi ro bị lừa đảo để rồi rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, nợ mang”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ