Cuộc sống dân nghèo đã thay đổi nhờ xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do hạn chế về nắm bắt thông tin, một số người vẫn bị mắc bẫy khi đi xuất khẩu lao động. Nguyên nhân do đâu?
Còn nhớ ngày 17/11/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Đà Nẵng bắt giữ hai kẻ lừa đảo gần 170 người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Trước đó mấy tháng, Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Võ Thị phương Anh (SN 1988, trú phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, Võ Thị Phương Anh giới thiệu mình có thể làm thủ tục cho người lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc theo diện visa E7, lương từ 40-50 triệu đồng/tháng, chi phí từ 13.000 USD đến 15.000 USD (tùy lao động) phải nộp trước một khoản tiền cọc và khi nào có visa thì nộp đủ tiền để xuất cảnh.
Công an Hà Tĩnh tống đạt quyết định khởi tố đối với Võ Thị Phương Anh |
Có thể thấy kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đưa ra lời mời hấp dẫn về mức lương, thu nhập khi đi xuất khẩu lao động. Người dân không nắm được các quy định, thủ tục liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động sẽ dễ dàng “sập bẫy” của kẻ gian. Họ tin việc đi làm việc ở nước ngoài rất đơn giản, không cần qua quy trình từ tuyển chọn, đào tạo, kiểm tra trình độ, kiến thức..., chỉ cần có nhu cầu, sau đó nộp hồ sơ là được đi. Trên thực tế, để đi lao động được ở nước ngoài quy trình chuẩn gồm rất nhiều bước.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo người lao động: Một tổ chức có chức năng tuyển dụng người đi làm việc tại nước ngoài phải thông báo rõ ràng và đầy đủ thông tin cần tuyển người lao động, số lượng tuyển dụng, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động… Trên cơ sở đó, người lao động muốn tham gia tuyển dụng phải có giấy tờ chứng nhận đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức tuyển chọn họ đi làm việc nước ngoài. Sau đó, bên người lao động và tuyển dụng lao động phải có cam kết trách nhiệm với nhau.
Phía Bộ LĐ,TB&XH yêu cầu các công ty tuyển dụng phải có trang web của mình với đuôi là "vn". Trên website đó phải cung cấp đầy đủ thông tin của tổ chức, người đại diện theo pháp luật phụ trách việc đưa người lao động đi nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên thì sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc thông qua doanh nghiệp được cấp phép. Hiện toàn quốc có gần 400 doanh nghiệp tham gia hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra có các tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chẳng hạn như Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ,TB&XH…
Những cách thức thông dụng nhất mà kẻ lừa đảo thường áp dụng như sau:
1. Tư vấn những đơn hàng lương khủng với mức phí thấp đến siêu thấp
2. Tư vấn ở công ty này trong khi đưa sang công ty khác
3. Không có giấy cam kết mức phí đã thông báo hoặc không làm giấy xác nhận khi nhận tiền
4. Gạ gẫm người lao động làm giả giấy tờ khi không đạt yêu cầu về điểm nào đó (ví dụ giả giấy tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng,…)
5. Dụ đỗ người lao động đi theo các con đường chui như du lịch, du học,….
6. Bắt người lao động phải chờ quá lâu, không cấp visa khi đến thời gian chỉ định xuất cảnh
7. Bắt đóng tiền cọc trống trốn