Nhịn ăn tiêu để đóng hụi
Một tháng nay, hàng chục người dân xã Hoằng Phong mất ăn mất ngủ vì chủ hụi là bà Cao Thị Dung (SN 1970, ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong) tuyên bố phá sản rồi rời khỏi địa phương. Người dân đến tìm nhưng căn nhà luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Để có tiền đóng hụi, có người phải nhịn ăn tiêu, thậm chí dồn những đồng trợ cấp người cao tuổi. Cá biệt có cụ Lường Thị Dưỡng (95 tuổi) cả đời tích cóp được gần 30 triệu để dưỡng già nhưng đến giờ cũng trắng tay.
Ông Nguyễn Viết Ngoạn (64 tuổi, thôn Nam Hạc) - một nạn nhân cho biết, từ nhiều năm nay, bà Cao Thị Dung đứng ra làm chủ “hụi”, huy động mọi người tham gia đóng tiền hàng tháng.
“Hộ gia đình nhiều nhất mất hơn 1 tỷ, còn lại từ vài chục đến vài trăm triệu”, ông Ngoạn nói. Bản thân gia đình ông Ngoạn có 300 triệu chưa thể đòi lại được từ bà Dung.
Bà Cao Thị May, 60 tuổi (em con dì với bà Dung) cho biết, đã đóng 770 triệu đồng, giờ không biết có lấy lại được hay không vì chủ hụi đã tuyên bố phá sản. Số tiền gom góp nhiều năm từ làm ruộng, chạy chợ của mình, làm thợ xây của chồng giờ có nguy cơ mất trắng. Bà May ân hận vì đã tin tưởng gửi tiền vào người nhà.
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, người dân xã Hoằng Phong cho biết, đa số các trường hợp đóng họ cho bà Cao Thị Dung đều là phụ nữ, người cao tuổi. Nguồn tiền đến từ lương công nhân, công thợ xây, tiền tiết kiệm nhiều năm và một số khác huy động từ con cháu.
Có 2 hình thức “góp vốn” cho bà Dung là đóng “hụi” và cho vay lãi. Có người chỉ chơi hụi, có người chỉ cho vay nhưng cũng có trường hợp cả cho vay và cả đóng “hụi”.
Căn nhà của gia đình bà Dung ở thôn Nam Hạc hiện đã đóng kín cửa, cổng chính bị tạt sơn màu đỏ. Người dân địa phương cho biết, chủ hụi đã tuyên bố phá sản và rời khỏi địa phương khoảng hơn 1 tháng nay.
Một số gia đình có nguy cơ tán gia bại sản. Tiền mất, vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau, nảy sinh mâu thuẫn. Cá biệt, có gia đình cả vợ lẫn chồng đều chơi “hụi” nhưng không thông báo cho nhau biết, đến khi “vỡ hụi” mọi chuyện mới vỡ lở.
Cho đến trước thời điểm năm 2021, việc đóng tiền, lấy tiền của chủ “hụi” và người chơi “hụi” diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đến tháng 3/2024 thì bà Dung đã thông báo vỡ họ, không tiếp tục nhận tiền đóng họ từ người dân.
Qua xác minh, đến thời điểm hiện tại có 78 người đã đóng các phần họ cho bà Dung mà chưa được thanh toán tiền.
Công an vào cuộc
Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong thông tin, bà Cao Thị Dung bắt đầu làm chủ “hụi” từ năm 2007. Khoảng vài năm trở lại đây, tình hình phức tạp hơn khi phát sinh đơn khiếu kiện, tố cáo của người dân.
Một số người dân chơi “hụi” hoặc cho vay thậm chí không cần giấy tờ, không có hợp đồng nên đến khi xảy ra tranh chấp rất khó giải quyết.
Về tổng số tiền “vỡ hụi” trong vụ việc trên, qua xác minh ban đầu từ đơn của người dân địa phương là khoảng gần 10 tỷ đồng. Trong đó tiền chơi “hụi” khoảng hơn 6 tỷ, còn lại là tiền cho vay.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cũng cho biết, ít nhất đây là vụ vỡ hụi thứ 3 xảy ra tại địa phương. Chính quyền cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao cảnh giác trong việc chơi “hụi” nhưng chuyển biến về nhận thức của người dân chưa cao. Đến khi vụ việc vỡ lở, nhiều gia đình điêu đứng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại khu dân cư.
Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện Công an huyện Hoằng Hoá đã vào cuộc điều tra, đồng thời tuyên truyền nhắc nhở người dân không manh động.
Công an Thanh Hoá cũng khuyến cáo, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một số vụ vỡ hụi với số lượng tài sản lớn lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết các vụ việc này đều xuất phát từ sự nhẹ dạ, cả tin, hám lời và thiếu hiểu biết pháp luật của người chơi.
Người dân nên chọn lựa các hình thức đầu tư, tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn. Nếu chọn hình thức chơi hụi, phường thì phải cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn chủ hụi; nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, góp vốn; vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa đề phòng rủi ro, tránh vi phạm pháp luật trong quá trình chơi hụi.