Vỡ hụi tiền tỉ, dân nghèo ở Thanh Hóa điêu đứng

GD&TĐ - Chắt chiu từ những đồng tiền bốc vác, bán rau, làm giúp việc… nhiều nông dân đã cho vay, góp hụi rồi cay đắng khi chủ hụi không có khả năng trả.

Người dân xã Hoằng Thắng cay đắng vì mất số tiền chắt chiu cả cuộc đời do chơi hụi. (Ảnh: NT).
Người dân xã Hoằng Thắng cay đắng vì mất số tiền chắt chiu cả cuộc đời do chơi hụi. (Ảnh: NT).

“Trắng tay” vì hụi

Tin tưởng bà Nguyễn Thị Kim (xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn nên đã nhiều năm nay, nhiều người dân trong xã đã chắt chiu, dành dụm từng đồng để đóng hụi hàng tháng mong có chút vốn phòng thân, nuôi con ăn học, sửa sang nhà cửa.

Thế nhưng, khi chủ hụi tuyên bố “vỡ nợ” đã đẩy họ lâm vào hoàn cảnh điêu đứng. Hầu hết các nạn nhân ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có cả những người đang ở trong tình trạng đặc biệt khó khăn.

Anh Nguyễn Xuân Thành (SN 1970, thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng) buồn bã cho biết, gia đình anh thuộc diện đặc biệt khó khăn. Anh sinh được 4 người con thì 3 đứa tàn tật. Bản thân anh Thành quanh năm đi bốc vác, phụ hồ để kiếm tiền nuôi con.

Tin tưởng bà Kim là chị họ lại làm Hội trưởng hội phụ nữ thôn kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn, anh Thành nghe lời dụ dỗ của bà, tích cóp được đồng nào anh đưa hết cho bà Kim vay. Đổi lại, mỗi tháng anh Thành có thêm chút tiền lãi để nuôi các con.

“Tôi bắt đầu đưa tiền cho bà Kim vay từ năm 2021, lúc thì 20 triệu, lúc 30 triệu.Tổng số tiền đến giờ tôi đưa cho bà Kim là 130 triệu. Nhưng từ đầu năm 2023, bà Kim không còn trả lãi hàng tháng cho tôi nữa, tôi có đến hỏi và đòi số tiền cho vay thì bà nói hiện giờ không có khả năng trả mà xin khất nợ hết lần này đến lần khác”, anh Thành kể lại.

Hai đứa con tật bệnh của anh Thành. (Ảnh: NT).
Hai đứa con tật bệnh của anh Thành. (Ảnh: NT).

Cũng giống anh Thành, bà Lê Thị Lĩnh (thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng) cũng cho biết: “Khi rủ rê mọi người tham gia hụi, bà Kim nói chị em phụ nữ giúp nhau làm kinh tế nên nhiều người hưởng ứng tham gia. Bản thân tôi góp 4 phường, mỗi tháng đóng 2 triệu. Cứ làm được vụ dưa nào là bỏ hết vào đóng phường (họ, hụi) với mong muốn về già có chút vốn phòng thân. Ai ngờ, cả cuộc đời làm lụng vất vả giờ mất trắng. Nhiều lần sang hỏi nhưng bà Kim không trả mà còn chửi bới tôi, hoặc khoá cửa không cho vào”.

Theo tìm hiểu, bà Kim mở ra nhiều phường, hụi. Trong số những nạn nhân của bà Kim, người thấp nhất thì một chân, người nhiều tham gia đến 3-4 chân. Những năm đầu chơi hụi, các thành viên đều được hốt hụi đúng hẹn và được bà Kim trả đầy đủ cả vốn lẫn lời. Khoảng từ đầu năm 2023, không còn khả năng trả mà tìm cách lẩn tránh, khất lần này đến lần khác.

Liệu còn cơ hội cho người dân lấy lại tiền?

Chị Trần Thị Nhật (thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng), nạn nhân trong vụ vỡ hụi của bà Kim cho biết, chị góp 2 họ, một họ vào cuối năm 2019 và một họ vào tháng 5/2020.

Anh Nguyễn Xuân Thành (thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng) chua xót khi cho chính chị họ vay tiền nhưng không đòi được. (Ảnh: NT).
Anh Nguyễn Xuân Thành (thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng) chua xót khi cho chính chị họ vay tiền nhưng không đòi được. (Ảnh: NT).

“Họ thứ nhất, tôi góp với 35 người khác, mỗi tháng nộp 2 triệu đồng; đầu năm 2020, tham gia thêm một giác họ nữa là đóng mỗi tháng 4 triệu đồng. Sau 35 tháng, tôi sẽ là người cuối cùng lấy họ với số tiền 140 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Kim chỉ thanh toán cho chị tôi 50 triệu đồng, số tiền còn lại, bà Kim tìm mọi cách trì hoãn không trả.

Họ thứ 2 cũng góp cùng 35 người khác với 2 giác họ trị giá 4 triệu đồng/tháng. Sau 31 lần góp họ trị giá 124 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nghe bà Kim bị vỡ nợ, tôi và nhiều người khác mới vỡ lẽ đều bị bà Kim lừa là người lấy cuối cùng, và không ai được thanh toán”.

“Nếu bà Kim không phải là cán bộ phụ nữ, không phải là tổ trưởng tổ vay vốn và nếu bà không lấy uy tín ra để kêu gọi chị em phụ nữ giúp nhau làm kinh tế thì chúng tôi cũng không tin tưởng gom góp những đồng tiền mồ hôi, nước mắt đưa cho bà Kim”, bà Trần Thị Nhượng (70 tuổi, thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng) bức xúc.

Bà Nhượng cho biết, mới đây bà Kim có bán mảnh đất nhưng không thấy trả tiền cho gia đình bà, còn căn nhà đang ở hiện đang làm thủ tục sang tên cho người khác.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Hoàng Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hoá) xác nhận có tình trạng bà Kim gom hụi, phường và vỡ nợ, thời điểm hiện tại không có khả năng trả cho nhiều người dân.

Ông Hiến cũng cho biết, qua nắm bắt từ phía công an xã, số tiền bà Kim vay, gom hụi của người dân lên đến khoảng 7 tỷ đồng, tuy nhiên bà cũng dùng số tiền này cho nơi khác vay để lấy lãi khoảng 6 tỷ đồng.

Việc bà Kim đang làm thủ tục sang tên căn nhà cho em trai cũng được Chủ tịch UBND xã xác nhận.

Bà Nguyễn Thị Ngạnh (69 tuổi) là một nạn nhân trong vụ vỡ hụi. (Ảnh: NT).
Bà Nguyễn Thị Ngạnh (69 tuổi) là một nạn nhân trong vụ vỡ hụi. (Ảnh: NT).

“Các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc, số tiền lớn nhưng không báo cáo UBND cấp xã. Vì vậy, khi xảy ra vỡ nợ, cơ quan chức năng mới nắm được thông tin. Sau khi nắm được sự việc, xã cũng đã hướng dẫn bà con gửi đơn đến cơ quan công an để được giải quyết”, ông Hiến thông tin thêm.

Được biết, do lùm xùm chuyện vỡ hụi nên Hội phụ nữ xã cũng đã cho bà Kim nghỉ làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn từ khoảng tháng 4/2023, phía bên Ngân hàng Agribank cũng về kiểm soát xem việc nợ nần của bà Kim có liên quan đến vay vốn ngân hàng hay không và chấm dứt công việc Tổ trưởng tổ vay vốn đối với bà này.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.