Trăng lên đến đó rồi tê

Trăng lên đến đó rồi tê

Tiếng là bạn bè đã nhiều năm nhưng thực ra tôi chỉ gặp NSND Hồng Lựu trên Facebook, có gì cần trao đổi “ky kỹ” thì dùng thư điện tử. Và rồi thì “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”. Đấy là khi NSND Hồng Lựu có việc ra Hà Nội.

Vừa gặp, tôi đã khen luôn câu “được chuẩn bị sẵn”, nghe xong Hồng Lựu chỉ mỉm cười, tính chị là vậy, ít nói và càng ít nói về mình. Chừng chục giây im lặng thì NSND Hồng Lựu se sẽ, chị hát: “Ai có chồng (thì) nói chồng đừng sợ/ Ai có vợ (thì) nói vợ đừng ghen/ Đến đây hò hát cho quen/ Rạng ngày ai về nhà nấy, há dễ ngọn đèn hai tim”.

Còn nhớ đã mấy lần tôi gửi câu hỏi, dạng phỏng vấn qua email ấy, thì lại được chị “khất lần”, chị bảo “Chờ xong đợt này em sẽ trả lời anh”. Mà biết bao giờ Hồng Lựu mới xong “đợt này” vì toàn thấy nếu không xuống cơ sở thì Hồng Lựu đang mắc ngồi ban giám khảo, nếu không đi dạy thì Hồng Lựu đang “chăm lo” cho mấy cô học trò cưng đi thi hát.

Hồng Lựu cứ “hẹn” rồi lại “hẹn”, chẳng phải là chị “kiêu kiêu” mà đúng là chị bận thật. Cứ lướt qua Facebook của chị là rõ, có khi nào thấy chị rảnh đâu. Bữa nay thì khác rồi, nhất định phải bắt “người đẹp xứ Nghệ” này trả lời, tôi dứt khoát thế.

Sinh năm 1967, tuổi Đinh Mùi. Ơ mà người ta nói những người “đứng chữ Đinh” thường “Đinh biến vi vu” nghĩa là những người như thế chẳng những có tài mà thường hay đi đây đi đó, vậy Hồng Lựu bận là phải rồi.

Đành phải “nhìn nhau” và “theo dõi nhau” qua Facebook vậy. Thời buổi công nghệ thông tin thật hữu ích, xa xôi mấy cũng gần, bạn bè muốn biết về nhau ngày hôm qua rồi ngày hôm nay như thế nào cứ lên mạng là biết hết.

Ở cái làng Đông Thượng nho nhỏ xinh xinh thuộc xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương nơi xứ Nghệ ấy cho đến giờ người dân vẫn giữ và làm nghề chằm nón. Những chiếc nón làng Đông Thượng trắng lóa giữa đồng tựa như đàn cò trắng lặn lội chẳng quản nhọc nhằn.

Hồng Lựu vui lắm, hơn ba mươi năm theo nghề hát vậy mà về quê chị vẫn được bà con kéo đến sân nhà xem chị chằm nón. Những động tác xỏ kim vắt chỉ xem ra còn luyện còn thắm lắm cứ như thể nó đã ăn vào máu mất rồi.

Hồng Lựu cười tự khen mình (tôi đoán vậy). “Mịt mùng đêm vắng trông chàng/ Nhớ anh em biết đãi đằng cùng ai/ Trông chờ cho chóng đến mai/ Ra đường gặp mặt trao vài ba câu/ Câu vui lẫn với câu sầu/ Góp vào trong cả miếng trầu em trao”.

Những bữa ngồi chằm nón giữa sân như thế là lại vang lên câu hát. Những câu ví, dặm xứ Nghệ “giận thì giận mà thương em lại càng thương” chắc sinh ra từ những buổi lao động, những đêm ngồi ngắm trăng lên trong tiếng gió đồng ngan ngát? Làng Đông Thượng đến giờ vẫn giữ nghề chằm nón như một thứ “gia truyền” không dời không dứt được.

Có được một làng quê như thế nên từ nhỏ cô bé Trịnh Hồng Lựu đã sớm đắm mình trong những câu hát dân ca xứ Nghệ, âm hưởng sâu lắng của lời ca tiếng hát đã trở thành mạch nguồn thấm vào tâm hồn Hồng Lựu, giúp chị quyết định theo đuổi nghề mà mình yêu thích.

Năm tháng qua đi, những câu ca, lời ru mượt mà của bà, của mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức, góp phần đưa chị lên đỉnh cao của sự nghiệp ca hát.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành dân ca của trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ), Hồng Lựu đã trưởng thành từ thực tiễn sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh với hàng chục vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. NSND Hồng Lựu có giọng hát mượt mà đằm thắm, khả năng diễn xuất tự nhiên, có hồn và giàu chất sáng tạo.

Có lẽ những tố chất ấy đã làm nên giọng hát Hồng Lựu và như mọi người đã ví. Nhắc tới dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là nhắc tới NSND Hồng Lựu. Không chỉ là một diễn viên xuất sắc, Hồng Lựu còn là một đạo diễn tâm huyết và có tài, một người nghệ sĩ hết lòng với thế hệ đàn em, đã góp phần giữ lửa di sản dân ca xứ Nghệ.

NSND Hồng Lựu hát cùng cháu Hà Quỳnh Như
 NSND Hồng Lựu hát cùng cháu Hà Quỳnh Như

Tôi hỏi chị: “Không chỉ có công dạy dỗ học trò nhỏ hát và lưu giữ dân ca ví, dặm mà còn thấy Hồng Lựu cũng thi thoảng luyện cho học trò của mình hát những dòng nhạc khác nữa?”. NSND Hồng Lựu cười cho hay: “Có được chất giọng là “trời phú” nhưng có được thành tích trong ca hát lại là do rèn luyện. Nếu không quan tâm đến thế hệ trẻ thì em sẽ không có người nối tiếp”.

Nhiều năm nay người ta thấy “cô giáo” Hồng Lựu rất tích cực “luyện” cho lứa học trò nhỏ tuổi của mình. Đấy, cô học trò nhỏ tên là Hà Quỳnh Như, cô bé có giọng hát căng đầy năng lượng, đặc biệt là với những bài hát mang âm hưởng dân ca, đã đoạt Quán quân giọng hát Việt nhí 2018.

Quỳnh Như gọi Hồng Lựu là bà, từng chia sẻ: “Nhờ sự dạy dỗ của bà Lựu, mà năng khiếu ca hát của cháu, đặc biệt là hát dân ca tiến bộ rõ rệt. Bà Lựu đã tận tình chỉ bảo từ kỹ thuật nhả chữ, lấy hơi, luyến láy cho đến phong cách biểu diễn trên sân khấu”.

Quỳnh Như cho biết thêm: “Cháu đã hát với bà Lựu nhiều lần, nhưng cháu không nghĩ rằng sẽ được hát cùng với bà Lựu trên sân khấu của “Thần tượng tương lai”. Cháu cảm thấy rất vui và xúc động khi được song ca cùng người thầy, người cô đã dạy cháu, đó là một nguồn động viên lớn, giúp cháu tự tin hơn trong cuộc thi này”.

Được biết ngay từ năm 1993, Hồng Lựu đã manh nha việc truyền dạy dân ca trong trường học phổ thông. Ý tưởng đó được chị không chỉ “thai nghén” mà đã biến nó thành hiện thực. Có thể nói, Hồng Lựu là người luôn đau đáu với da ca ví, dặm và luôn có cách để “điệu dân ca xứ sở” chẳng những được giữ gìn, được lan tỏa mà còn được thế hệ trẻ quê nhà say sưa học, say sưa hát và say sưa cùng nhau truyền học.

Có dạo mọi người thấy Hồng Lựu đã cất công xuống cơ sở để sưu tầm, trau tìm các làn điệu dễ hát, phù hợp với lứa tuổi học sinh, đồng thời lồng ghép kiến thức ở bài dạy trong môn Sử, môn Văn trên lớp của học sinh để chuyển thành các làn điệu dân ca. Không chỉ dạy hát dân ca trong các trường học, Hồng Lựu còn thường xuyên dạy hát dân ca trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An.

Đến nay tại nhiều trường học, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được một mạng lưới các câu lạc bộ hát dân ca. Dân ca đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương.

Tôi lại hỏi chị: “Làm cách nào mà Hồng Lựu truyền được đam mê hát dân ca mà cụ thể là hát ví, dặm cho các cháu nhỏ”. NSND Hồng Lựu trả lời giản dị như nói với chính mình, nhắn nhủ với chính mình: “Muốn thế hệ trẻ đam mê dân ca thì người truyền dạy cũng phải là người thật sự có niềm đam mê dân ca và biết thổi hồn đam mê dân ca cho giới trẻ”.

Tôi tin là Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu đã nói đúng lòng mình. Chị thường xuyên “về làng” đâu chỉ “Nhớ quê ta lại tìm đường thăm quê” mà những lần “về làng”, tức là xuống cơ sở ấy của chị thực sự là những “cuộc tìm về cội nguồn” đúng nghĩa.

Rồi được nghe chị tâm sự rằng: “Chỉ có sống trong cộng đồng thì dân ca ví, dặm mới được bảo tồn và phát triển bền vững”. Một “triết lý” được rút ra từ thực tế và có thể được hiểu rằng “Người xứ Nghệ còn thì ví dặm Nghệ Tĩnh còn”.

Và bên tai tôi vẳng lên giọng dân ca ví, dặm của Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu “Một mai ra bách tuế thì cây úa vàng. Rụng xuống cội đại ngàn. Con tìm đâu được nữa, con đâu tìm được nữa. Khi sắp bày hương lượt khi vô vái ra quỳ.

Chẳng thấy thầy ăn chi, chẳng thấy mẹ ăn chi. Chỉ thấy ruồi với ruồi, chỉ thấy ruồi với kiến. Khi thành tâm cầu nguyện thấy mẹ chẳng đoái hoài. Rằng phụ từ tử hiếu ai ơi. Làm con trọn đạo nhắc ai hãy ghi lòng” (Phụ tử tình thâm, lời cổ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.