Người khơi nguồn đổi mới sáng tạo:

Trân trọng những cống hiến thầm lặng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tôn vinh nhà giáo là việc phải làm và cần được duy trì thường xuyên...

Tiết học trực tuyến của Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) trong thời điểm giãn cách xã hội.
Tiết học trực tuyến của Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) trong thời điểm giãn cách xã hội.

Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhà giáo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, lao động của nhà giáo có tính đặc thù và về cơ bản là cống hiến thầm lặng. Vì thế, tôn vinh nhà giáo là việc phải làm và cần được duy trì thường xuyên.

Lao động có tính đặc thù

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Theo PGS, chúng ta nên hiểu câu nói này như thế nào?

- Thầy, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt kiến thức. Mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc.

Từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy, cô giáo đối với xã hội. Họ là người quyết định thành công trong công cuộc xây dựng và đổi mới giáo dục. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, toàn diện những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, về vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo đối với Tổ quốc, nhân dân.

Thực tế cho thấy, lao động của nhà giáo có tính đặc thù. Chúng ta hãy nhìn vào thực tế, hàng trăm nghìn thầy cô giáo đang thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Rất nhiều thầy, cô giáo vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên chính mình để miệt mài dạy từng con chữ cho học trò với tâm niệm tất cả vì học sinh thân yêu. Đó là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

Tôi rất vui khi giáo dục nước nhà ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hãy nhìn vào bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 sẽ thấy, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.

- Tuy nhiên, một số người cho rằng, đội ngũ giáo viên của chúng ta vẫn còn thụ động. PGS đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Bất cứ lĩnh vực nào cũng có người này, người kia. Vì thế, mới có xếp loại công chức, viên chức hằng năm. Không phủ nhận, vẫn có giáo viên còn thụ động, ngại đổi mới. Song, tôi cho rằng, số đó không nhiều. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo đều chăm chỉ, cầu thị và chịu khó học hỏi để thay đổi bản thân và đổi mới phương pháp, hình thức dạy học.

Còn nhớ, khi lần đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhiều hoạt động bị gián đoạn, thậm chí là ngưng trệ. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức dạy học trực tuyến, dạy học từ xa, trên truyền hình. Toàn ngành quyết tâm thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Trên tinh thần đó, một hình thức chưa từng có trong tiền lệ đã xuất hiện – dạy học online.

Đáng nói là, đội ngũ giáo viên đã nhanh chóng làm quen với hình thức dạy học này. Đến nay, dạy học trực tuyến không còn xa lạ với các thầy cô ở mọi vùng miền, thậm chí trở thành kỹ năng không thể thiếu của mỗi nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Tôi cho rằng, đây là bước tiến vượt bậc của đội ngũ nhà giáo - những người tưởng chừng như chỉ quen với bục giảng và bảng đen, phấn trắng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: IT

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: IT

Luôn giữ ngọn lửa yêu nghề

- Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế, theo PGS mỗi thầy cô giáo cần có những năng lực cốt lõi gì?

- Tôi cho rằng, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chính là yếu tố quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế. Muốn vậy, giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ và các năng lực cốt lõi này.

Chẳng hạn, để nâng cao năng lực tiếng Anh, các thầy, cô tự đặt mục tiêu học 5 từ tiếng Anh/ngày. Ngày nào cũng kiên trì với mục tiêu này, tôi tin sau 1 - 2 năm, thậm chí là lâu hơn nữa, các thầy sẽ có được kho từ vựng “khổng lồ”. Qua đây, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh: Yếu tố tự học, tự bồi dưỡng rất quan trọng, nhất là với đội ngũ thầy, cô giáo.

- Là nhà giáo lão thành và chứng kiến trọn vẹn các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trong 40 năm qua, PGS có cảm nhận gì mỗi dịp 20/11?

- Trước hết, phải khẳng định: Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành sự kiện trọng đại, là ngày hội, ngày Tết những người làm trong ngành Giáo dục trên cả nước. Tinh thần ấy đã lan tỏa sâu rộng trong xã hội và ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt.

Từ năm 1982, khi Nhà nước quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn ngành Giáo dục, từ bậc mầm non cho đến đại học và các tổ chức giáo dục khác đều tổ chức các hoạt động để vinh danh nhà giáo. Thông qua đó, các thế hệ học trò bày tỏ tri ân với thầy, cô giáo của mình. 40 năm qua, tinh thần ấy vẫn được kế thừa, phát huy và trở thành nét đẹp nhân văn, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nhà giáo. Điều đó được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết với nhiều chế độ, chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ nhà giáo. Với tư cách là một nhà giáo, tôi trân trọng và cảm ơn tất cả những điều đó. Nhân đây, tôi xin gửi đến tất cả thầy, cô giáo trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Mong tất cả thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc luôn giữ được ngọn lửa yêu nghề, tận tâm, tận hiến với ngành GD-ĐT. Qua đó, sự nghiệp “trồng người” ngày càng có nhiều “trái ngọt”, đào tạo được những công dân có năng lực, trí tuệ để đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Xin cảm ơn PGS!

Những đóng góp của đội ngũ nhà giáo không thể định lượng và càng không thể “cân đong, đo đếm”. Vì thế, tôn vinh nhà giáo là việc phải làm và cần được duy trì thường xuyên chứ không chỉ mỗi dịp 20/11. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.