Giáo dục đã, đang và ngày càng được toàn xã hội quan tâm nhiều hơn. Trong sự quan tâm đó, mong muốn và đòi hỏi ngày càng cao và có cả những gửi trao nhiều hy vọng, niềm tin.
Một trong những thách thức lớn đồng thời là cơ hội phát triển đột phá, theo thầy Hà Xuân Nhâm chính là đòi hỏi thích ứng trong cách mạng 4,0.
Điều này không chỉ giúp tạo đà cho tương lai mà thực chất đó là con đường duy nhất. Nếu không hội nhập tốt về công nghệ tiến bộ của thế giới thì công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo không thể có kết quả tốt.
Trong tương lai gần, do sự phát triển của công nghệ mà việc dạy, việc học sẽ buộc phải thay đổi với 2 lựa chọn, hoặc chúng ta chủ động thay đổi hoặc sẽ bị buộc thay đổi… Nhưng thay đổi thế nào, làm sao để thay đổi?
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho rằng, đó là một thách thức lớn đòi hỏi mỗi nhà quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo chúng ta một sự cố gắng nỗ lực lớn, trước hết là từ cách nghĩ, sau đó là việc tích cực học hỏi, bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân.
Chia sẻ những thành công của Trường THPT Phan Huy Chú khi hoạt động theo mô hình công lập tự chủ, theo thầy Hà Xuân Nhâm, những thành công đó không phải là đích đến mà là điểm xuất phát cho một sự phát triển mới:
Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa hoạt động theo mô hình công lập tự chủ từ năm 2008, đến năm 2015 trường đã được công nhận là trường THPT Chất lượng cao của Hà Nội. Học sinh được học 2 buổi/ ngày nên nhà trường có điều kiện dạy kỹ năng sống chu đáo cho học trò. Nhà trường có hệ thống các câu lạc bộ Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao để học sinh được rèn luyện sức khỏe, khơi dậy tài năng.
Trường luôn chú trọng giáo dục năng lực cho học sinh. Việc đỗ vào các trường đại học là một tham số đáng chú ý, song ở mỗi người được giáo dục thành công còn thể hiện ở nhân cách được hình thành, khả năng được phát huy đúng và sự năng động trong đời sống.
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đáp ứng chương trình THPT Quốc gia, nhà trường đã mạnh dạn cam kết chuẩn đầu ra là các chứng chỉ có giá trị quốc tế về Tin học, Ngoại Ngữ và Kỹ năng sống; đưa nội dung văn hóa đọc vào giảng dạy; học sinh có nhiều lựa chọn cho việc học văn hóa, TDTT cũng như các câu lạc bộ để phát huy tối đa năng lực cá nhân của mỗi học sinh cũng như góp phần định hướng nghề nghiệp.
"Chúng tôi hiểu rằng, những thành công của chúng tôi không phải là đích đến mà là điểm xuất phát cho một sự phát triển mới. Thầy và trò trường tôi đều hiểu và thường nói với nhau “trường chất lượng cao là trường không ngừng nâng cao chất lượng".
Ngày hôm nay, một mặt tôi nhận thấy rằng mình thật may mắn và hạnh phúc vì xung quanh còn biết bao thầy cô giáo âm thầm cống hiến, hy sinh tâm sức và cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho giáo dục, để đem đến những gì tốt đẹp nhất cho những học trò. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo cũng như đáp ứng được sự phát triển của xã hội” – thầy Hà Xuân Nhâm chia sẻ.
Hoan nghênh mô hình tự chủ của Trường THPT Phan Huy Chú, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đang phát động tinh thần tự chủ trong trường học. Thực hiện mô hình này, Thủ tướng cũng đánh giá cao ý chí, trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời nhận định việc thực hiện tự chủ thành công của Trường Phan Huy Chú là tấm gương tốt trong ngành Giáo dục.
Cũng vinh dự được phát biểu trong buổi diện kiến Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Trần Thị Thu Hà (ĐH Thái Nguyên) kính đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, có chính sách phát triển kinh tế vùng trọng điểm, trong đó xác định rõ vị thế của đại học vùng, tạo nguồn lực mạnh cho ĐH Thái Nguyên phát triển nhân lực chất lượng cao.
Quan tâm đến đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học với số phiếu 84,2%. Luật này, có đề cập đến ĐHQG, ĐH vùng như PGS Trần Thị Thu Hà đề cập.