Luật Giáo dục 2019: UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa

Luật Giáo dục 2019: UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa

Trách nhiệm thuộc địa phương

Ngày 30/1/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ cở GDPT. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, Thông tư nói trên thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13: “Cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”.

Từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Theo đó, điểm c, Khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”. Do đó, điểm mới cơ bản của dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT đang được Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi so với Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK, không phải các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, theo dự thảo, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 Hội đồng. Hội đồng bao gồm: Lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (gọi chung là Sở GD&ĐT), Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở GDPT. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt không được tham gia Hội đồng.

Để việc lựa chọn SGK công khai, minh bạch

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của Bộ GD&ĐT, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng: Với lộ trình này, các tỉnh, thành phố có khoảng 8 tháng để lựa chọn SGK phổ thông sử dụng ổn định cho địa phương mình (từ 1/7/2020 đến 1/3/2021). Khoảng thời gian này đủ dài để ngành Giáo dục phân bổ thời gian, cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các bản SGK. Từ đó, đề xuất danh mục SGK cho cơ quan quản lý giáo dục (theo phân cấp).

Để việc lựa chọn công khai, minh bạch, SGK được lựa chọn là sản phẩm phù hợp, chất lượng nhất, ông Trịnh Văn Ngoãn đề xuất: Thành phần Hội đồng lựa chọn SGK nên có sự tham gia của UBND cấp tỉnh và đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ chính quyền địa phương và phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc.

Bên cạnh đó, để bảo đảm công bằng, khách quan, dự thảo Thông tư quy định: “Người đã tham gia biên soạn, thẩm định, chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt không được tham gia Hội đồng”. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Ngoãn nêu quan điểm: Những “người có tham gia góp vốn hoặc có cổ phần hoặc là cổ đông hoặc tham gia điều hành, quản lý tại các nhà xuất bản hoặc đơn vị phát hành sách hoặc cơ sở in sách” cũng không nên tham gia Hội đồng.

“Trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan được quy định rõ trong dự thảo Thông tư. Đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ lựa chọn, đề xuất danh mục SGK của cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GD&ĐT cũng được đề cập. Tuy nhiên, chưa có điều khoản quy định cơ quan đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho việc lựa chọn, đề xuất danh mục SGK của các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS. Tôi nghĩ nên bổ sung thêm nhiệm vụ “Đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho việc lựa chọn, đề xuất danh mục SGK của các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý” cho phòng GD&ĐT” - ông Trịnh Văn Ngoãn đề xuất thêm. 

Nên giao toàn quyền cho Hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh, tăng thêm số lượng thành viên Hội đồng, không phải chỉ có tối thiểu 15 như dự thảo. Hoặc có thể theo phương án: Mỗi huyện thành lập 1 tổ tư vấn để đánh giá chất lượng từng loại SGK, làm căn cứ, cơ sở để Hội đồng thảo luận, quyết định. - Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy (Thái Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...