Giáo viên thiếu và yếu
Phụ huynh, ngay cả tại khu vực nông thôn Ấn Độ, cũng biết rõ tầm quan trọng to lớn của tiếng Anh trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay. Việc các trường công không đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh và học sinh đã trao cơ hội cho trường tư phát triển mạnh mẽ. Ví dụ, tại bang Uttar Pradesh, tuyển sinh vào trường công nông thôn ở cấp tiểu học đã giảm từ 17,2 triệu năm học 2002 - 2003 xuống 15,9 triệu năm 2015 - 2016. Trong cùng kì, tuyển sinh vào trường tư nông thôn đã tăng từ 2,7 triệu lên 13,8 triệu.
Trường tư mặc dù chất lượng có hơn nhưng tìm giáo viên đủ năng lực Anh ngữ vẫn là vấn đề nan giải. Với mức lương gần như tối thiểu, trường tư cũng vật lộn tìm kiếm giáo viên. Điều này đặc biệt rõ tại khu vực nông thôn thuộc các bang chính như Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Tây Bengal.
Mức độ khó của ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa cũng gây khó khăn hơn cho việc tuyển giáo viên. Sách giáo khoa bằng tiếng Anh được viết phù hợp trình độ của các trường dạy bằng Anh ngữ tại khu vực đô thị. Những cuốn sách này không phù hợp cho học sinh và cả giáo viên ở khu vực nông thôn.
Cần dung hòa giữa 2 ngôn ngữ
Trong những lí do dẫn tới tại nông thôn có ít trường dạy bằng tiếng Anh ở cấp THCS trở lên là bởi phụ huynh không sẵn sàng đóng góp học phí đủ để duy trì hoạt động những trường như vậy.
Mặt khác, nếu học sinh theo học chương trình dạy bằng tiếng địa phương thì cũng sẽ rất khó để cạnh tranh với học sinh học chương trình dạy bằng tiếng Anh vào các trường đại học tốp trên.
Sách giáo khoa viết bằng tiếng địa phương chỉ có thể đáp ứng học sinh thi vào những trường đại học cũng dạy bằng tiếng địa phương. Trong khi đó với những trường đại học tốp trên, Anh ngữ là một yêu cầu quan trọng. Ví dụ sinh viên phải dự thi viết bằng tiếng Anh 2 tháng sau khi được tuyển vào trường.
Đây là “nhiệm vụ bất khả thi” cho những sinh viên không được theo học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Vì vậy mà cũng ảnh hưởng tới viễn cảnh việc làm trong tương lai - đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội, dựa chủ yếu vào sự thành thạo sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ suy nghĩ. Sinh viên rất khó bù lấp khoảng trống kiến thức bằng Anh ngữ trong một thời gian ngắn như vậy.
Biết tầm quan trọng của tiếng Anh, tuy nhiên việc lựa chọn bỏ hay giữ tiếng địa phương trong giảng dạy là một chủ đề “kiêng kị” trong xã hội Ấn Độ.
Theo các chuyên gia giáo dục, để giảm sự chia rẽ ngôn ngữ, chính phủ có cần có sự điều chỉnh sách giáo khoa Anh ngữ. Ví dụ trong sách nên có phần dịch những khái niệm kĩ thuật bằng tiếng địa phương. Điều này giúp học sinh sử dụng sách giáo khoa hiệu quả hơn trong trường hợp chất lượng giảng dạy kém.
Cũng cần làm tương tự với sách giáo khoa bằng tiếng địa phương. Việc học các khái niệm kĩ thuật bằng tiếng Anh giúp học sinh chuyển đổi thuận lợi từ tiếng địa phương sang tiếng Anh - dẫn tới dễ dàng thích ứng với bậc học cao hơn và thị trường việc làm.