Ấn Độ: Đau đầu vì chất lượng giáo dục

GD&TĐ -  Năm 1931, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Mahatma Gandhi không tin rằng nước mình có thể phổ cập giáo dục tiểu học “trong vòng một thế kỷ”. 

Học sinh Ấn Độ
Học sinh Ấn Độ

Nhưng từ năm 1980, tỷ lệ thanh thiếu niên Ấn Độ không được đi học đã giảm từ 1/2 xuống còn 1/10. Đây là thành công lớn đối với đất nước có nhiều trẻ em ở độ tuổi đi học nhiều nhất trên thế giới.

Chất lượng giáo dục đáng lo ngại

Tuy nhiên, đáng tiếc là Ấn Độ đã khiến những trẻ em này thất bại. Nhiều em chỉ học được rất ít ở trường. Ấn độ có thể nổi tiếng với các bác sĩ và kỹ sư ưu tú của mình nhưng một nửa số trẻ em 9 tuổi ở đây không làm nổi một phép tính đơn giản như 8 + 1. Một nửa trẻ em 10 tuổi không thể đọc nổi một đoạn văn dành cho trẻ 7 tuổi. Ở tuổi 15, học sinh ở Tamil Nadu và Himachal Pradesh bị tụt hậu 5 năm so với các bạn ở Thượng Hải (Trung Quốc). 

Với số lượng người già ít ỏi và một tỷ lệ sinh giảm, Ấn Độ có một lực lượng thanh niên khá hùng hậu: 14% người dân là thanh thiếu niên so với 8% ở Trung Quốc và 7% ở châu Âu. Tuy nhiên, các trường học Ấn Độ lại rất kém chất lượng.

Từ lâu Ấn Độ đã có một hệ thống giáo dục tẻ nhạt. Ở thời còn là thuộc địa, người Anh đã lập nên những trường đại học để đào tạo công chức nhưng lại bỏ bê các trường phổ thông. Những nhà lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ sau đó đã mở rộng hệ thống này, đổ tiền vào các trường đại học hàng đầu đề cung cấp kỹ sư cho các ngành công nghiệp của nhà nước.

Ngược lại, những con hổ châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan lại tập trung vào trường phổ thông. Cuối cùng, Ấn Độ phải cố gắng nhiều hơn để giúp những người bị tụt lại phía sau. Chi tiêu cho các trường phổ thông đã tăng lên khoảng 80% vào năm 2011-2015. Tỷ  lệ biết chữ cũng tăng từ 52% năm 1991 lên 74% năm 2011. Những bữa ăn trưa tại trường miễn phí (một trong những chương trình dinh dưỡng lớn nhất thế giới) đã giúp hàng triệu trẻ em không phải chịu đói khi học.

Các nhà sư phạm được nuông chiều

Tuy nhiên, chất lượng của các trường vẫn là điều nhức nhối. Nhiều giáo viên không quan tâm tới công việc. Từ năm 2011, khi chính phủ đưa ra bài kiểm tra cho các giáo viên, có tới 99% bị trượt mỗi năm. Vì học sinh được tự động lên lớp mỗi năm nên giáo viên không cần quan tâm phải đảm bảo cho các em hiểu bài. Các liên đoàn giáo viên đầy quyền lực vốn có những chỗ ngồi đảm bảo ở một số cơ quan lập pháp của bang, lại làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Lương của giáo viên vốn đã cao, lại vừa tăng hơn gấp đôi trong 2 vòng đàm phán lương gần đây, nhưng có tới ¼ giáo viên trốn việc mỗi ngày.

Do chán nản với hệ thống giáo dục và mong muốn con mình được học tiếng Anh, các bậc phụ huynh đã phải cho con sang học các trường tư có chi phí thấp, trong đó có nhiều trường dạy song ngữ. Chỉ trong vòng 5 năm, số học sinh vào các trường tư này đã tăng lên 17 triệu em, trong khi đó các trường công giảm đi 13 triệu HS. Những trường tư có thể dạy ngang bằng hoặc tốt hơn các trường công mặc dù họ có ngân sách ít hơn nhiều. 

Những yếu tố cần thay đổi

Ấn Độ chi khoảng 2,7% GDP cho các trường học, đây là tỷ lệ thấp hơn so với nhiều nước. Thủ tướng Narendra Modi từng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu cho giáo dục lên 6%. Tuy nhiên, số tiền thêm vào sẽ bị lãng phí nếu 3 lĩnh vực không được cải cách.

Thứ nhất là phải đảm bảo cho học sinh được dạy đúng trình độ. Chương trình học nên được đơn giản hơn. Học sinh không thể để tự động lên lớp mà không nắm được nội dung bài học. Tạo ra “các trại học tập” bồi dưỡng cho học sinh sẽ có tác dụng nâng cao khả năng cho các em.

Thứ 2 là cần đảm bảo cho hệ thống giáo dục có tính công bằng và trách nhiệm hơn. Giáo viên nên được tuyển theo tài năng chứ không phải theo quan hệ. Họ nên được đào tạo kỹ hơn và trao thưởng dựa trên những gì học sinh thực sự học được. (Họ cũng sẽ bị đuổi việc nếu không đáp ứng được yêu cầu). Chính phủ nên sử dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn để tìm ra những nơi tập trung quan liêu và xử lý. 

Thứ 3, các nhà thành lập chính sách nên làm nhiều hơn nữa để giúp các trường tư cải cách. Những trường tư có chi phí thấp và hoạt động tốt nên được hỗ trợ để mở rộng.

Theo The Economist

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ