Trăn trở nghỉ hè của trẻ vùng khó Điện Biên (Bài 1)

GD&TĐ - Mặc dù, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tai nạn đuối nước trẻ em, song những vụ việc đau lòng vẫn được ghi nhận tại các địa phương.

Trẻ em vô tư tắm, vui đùa tại sông suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao.
Trẻ em vô tư tắm, vui đùa tại sông suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao.

Đây đã và đang là thực trạng đáng lo ngại, liên quan đến hầu hết các gia đình, đòi hỏi những hành động thiết thực để ngăn chặn.

Bài 1: Đuối nước trẻ em – Đâu phải chuông “chùa” mà “gióng” mãi!

Chỉ trong chưa đầy 2 tháng giáp và chớm hè, các vụ đuối nước trẻ em, cùng hậu quả xấu nhất đã tái diễn liên tiếp tại các tỉnh miền núi. Hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước lại gióng lên. Thế nhưng, tính mạng những đứa trẻ đâu phải chuông “chùa” mà “gióng” mãi! 

Những cái chết thương tâm

Chỉ trong thời gian ngắn đã có không ít học sinh đuối nước thương tâm, tính riêng tỉnh Điện Biên đã có 2 trẻ mầm non đuối nước tại ao của gia đình…

Mỗi lần nhìn tấm di ảnh của đứa cháu gái vừa tròn 12 tuổi mới mất vì đuối nước, ông Lường Văn Bẻ, bản Pá Pao 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) lại rưng rưng nước mắt. Đã tròn 3 tháng trôi qua, nhưng gia đình chưa thể tin đó là sự thật.

“Nghe bạn bè cháu kể, hôm ấy cùng đi tắm suối có 5, 6 đứa. Đang tắm cháu H. trượt chân ngã, cháu L. nhà tôi thấy bạn gặp nạn nhảy ra cứu rồi bị nước cuốn trôi cả đi. Lúc hô hoán mọi người, cả công an, dân quân xã ứng cứu nhưng không kịp nữa rồi. Cho đến giờ gia đình vẫn rất đau lòng” – ông Bẻ xót xa.

Cũng nỗi đau mất con vì đuối nước, nhưng với một gia đình khác ở bản Né, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) lại nhiều day dứt, ân hận hơn. Bởi cùng lúc, họ mất đi cả 2 người con còn đang độ tuổi mầm non. Sự việc đau lòng lại xảy ra ngay chính tại ao cá của gia đình.

“Sau khi sự việc xảy ra gần 1 giờ chúng tôi mới nhận được tin báo. Lập tức xuống, cả 2 cháu đã tử vong rồi. Theo người nhà kể lại, do trời nắng nóng, các cháu tự ý xuống ao của nhà tắm mà không có sự giám sát của người lớn. Lúc phát hiện ra đã quá muộn. Người nhà khóc lóc, trách móc nhau. Nhìn xót xa lắm!” – ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa nhớ lại.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục vụ việc đuối nước xảy ra mỗi năm tại Điện Biên. Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương này, trung bình mỗi năm ghi nhận 2.000 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ. 70 - 80 trường hợp trong số đó tử vong.

Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ngã, ngạt tắc đường thở, tai nạn giao thông… Nhiều trẻ trong số đó tử vong do đuối nước. Đơn cử, năm 2020, trong tổng số 78 ca tử vong vì tai nạn thương tích có tới 26 ca đuối nước.

Đáng nói, đối tượng dễ xảy ra nhất là ở lứa tuổi học sinh mầm non, tiểu học. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng trong dịp nghỉ hè, ít có sự giám sát của gia đình và nhà trường. Cái chết đầy thương tâm, được báo trước của những đứa trẻ càng khiến người ở lại thêm day dứt, xót xa.

Hè là thời điểm nhiều lo ngại nguy cơ đuối nước trẻ em nhất khi thiếu sự giám sát của người lớn.
Hè là thời điểm nhiều lo ngại nguy cơ đuối nước trẻ em nhất khi thiếu sự giám sát của người lớn.

Những đứa trẻ thừa… thiếu thốn

Những đứa trẻ thừa thiếu thốn, nghe tưởng nghịch lý, nhưng lại là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương miền núi. Không chỉ là sự thiếu thốn về “cái ăn, cái mặc”, chúng còn có thừa những thiếu thốn khác là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn đáng tiếc, như: Thiếu sân chơi an toàn, kĩ năng bơi lội, thiếu cả sự quan tâm, giám sát của người lớn… Mỗi mùa hè sang, những đứa trẻ ở miền núi lại đối mặt với không ít nguy cơ tai nạn rình rập.

Cũng như nhiều tỉnh miền núi, Điện Biên là địa phương có hệ thống sông suối, ao hồ khắp các địa bàn. Một thực trạng dễ thấy, nhiều trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS thiếu kĩ năng bơi lội. Nếu như ở thành phố, trẻ em được gia đình cho tham gia các khóa tập huấn để nâng cao kĩ năng này, đồng thời rèn luyện sức khỏe, thì phần lớn trẻ miền núi tự học nhau qua việc tiếp xúc với sông, suối mỗi ngày.

Con sông Mã chảy qua xã Mường Luân với chiều dài hơn 10km. Gần như ngày nào cũng ghi nhận vài đứa trẻ, thậm chí có ngày lên tới chục trẻ tụ tập tắm sông. Lòng sông rộng, mực nước sâu, thiếu sự giám sát của người lớn lại không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào như phao tắm, áo phao…

Trong khi đó, không đơn thuần chỉ là ngâm mình dưới nước để giải nhiệt. Nguy hiểm hơn, nhiều em còn nhảy từ trên cây, trên cầu, thậm chí nhảy lộn cắm đầu xuống nước mà không lường trước các nguy cơ phải đối mặt phía dưới.

Do khó khăn về kinh tế, đa phần phụ huynh đều chưa thực sự quan tâm, giám sát trẻ xem chúng chơi gì, ở đâu? Thậm chí nhiều ông bố, bà mẹ lên nương dài ngày để con nhỏ ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau. Đây là thực trạng chung của các địa bàn miền núi.

“Xét về tổng thể, các sân chơi dành cho trẻ em trên địa bàn mới chỉ tập trung ở trung tâm huyện; còn ở các xã vùng sâu, vùng xa, thì ít và thiếu. Hơn nữa, phần đông phụ huynh đều đi làm ăn xa, nên chưa sát sao việc quản lý con em mình” – chị Quàng Thị Tuyết, Phó Bí thư Huyện đoàn Điện Biên cho biết.

Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) hiện có hơn 30.604 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 24,04% dân số). Mặc dù, việc thực hiện công tác quản lý trẻ em trong dịp hè đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chung tay vào cuộc. Tuy nhiên, vào thời điểm này vẫn gặp không ít khó khăn. 

___________________________

(Bài 2: Cho trẻ kỳ nghỉ ý nghĩa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ