Châu Á loay hoay giải quyết bạo lực học đường

GD&TĐ - Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

Nhiều trẻ em Hàn Quốc sợ đến trường vì phải chịu đau đớn từ bạo lực học đường.
Nhiều trẻ em Hàn Quốc sợ đến trường vì phải chịu đau đớn từ bạo lực học đường.

Sau dịch Covid-19, các chuyên gia cảnh báo, các vụ bạo lực học đường đang phát triển và chuyển sang dạng thức mới qua Internet.

Những đứa trẻ sợ đến trường

Học kỳ mùa Xuân bắt đầu vào tháng 3 cũng là thời điểm các chuyên gia tư vấn tại Trung tâm tư vấn và phúc lợi thanh thiếu niên Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc, bận rộn với những đứa trẻ sợ đến trường.

Trung tâm cung cấp dịch vụ kiểm tra tâm lý, tư vấn miễn phí cho đối tượng từ 9 - 24 tuổi bị bắt nạt. Hầu hết, đến đây thông qua giới thiệu của nhà trường, gia đình, còn số ít là tự tìm đến.

Theo một nhân viên tư vấn, rất khó phát hiện những đứa trẻ phải chịu đựng đau đớn vì bạo lực học đường bởi chúng không muốn để lộ “vết sẹo” của mình. Không dễ để có được sự tin tưởng nhưng đó là công việc của các tư vấn viên.

Hàn Quốc đã đạt được một số tiến bộ về vấn đề bạo lực học đường khi có thêm nhiều trung tâm tư vấn và luật pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên.

Tuy nhiên, các sự kiện gần đây, đặc biệt là đại dịch Covid-19, khiến tình trạng bạo lực học đường tiếp tục gia tăng. Một tư vấn viên khác tiết lộ: “Tỷ lệ học sinh gặp phải các vấn đề tinh thần do bạo lực trường học đã tăng lên”.

Có nhiều yếu tố đứng sau vấn đề tinh thần của thanh, thiếu niên như bạo lực gia đình hoặc khó khăn tài chính, tuy nhiên bạo lực học đường là nguyên nhân chính trong các năm qua.

Số lượng trẻ em cần giúp đỡ ngày càng tăng chủ yếu do dịch Covid-19 vì các em mất cơ hội thực hành tạo dựng các mối quan hệ. Số trẻ lui về cuộc sống ẩn dật cũng tăng lên. Không chỉ vậy, độ tuổi bị bắt nạt cũng ngày một thấp hơn.

Trung tâm Changwon hiện có 10 tư vấn viên, phụ trách 264 học sinh được gửi từ các trường học trong khu vực. Đây là một trong 240 trung tâm tư vấn công lập trên cả nước, chuyên hỗ trợ trẻ em bị bạo lực học đường, bạo lực gia đình.

Ngoài nhờ tư vấn, học sinh có thể gọi đến đường dây nóng để tố cáo tình trạng bạo lực học đường. Với những học sinh không muốn tới trung tâm, các tư vấn viên đôi khi sẽ đến gặp các em tại nhà.

Bà Noh Yoon-ho, luật sư chuyên về bạo lực học đường, nhận định vấn nạn này không thể tiếp tục che đậy vì trước đây, mỗi trường phụ trách các vụ việc xảy ra trong trường.

Nhưng từ năm 2000, phòng giáo dục tại mỗi địa phương sẽ đảm nhận. Do đó, mọi thứ được xử lý chuyên nghiệp và công bằng hơn. Điều nạn nhân muốn là lời xin lỗi chân thành từ kẻ bắt nạt và quay lại cuộc sống bình thường không còn bạo lực.

Nếu đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ em, nạn nhân của bạo lực học đường, thì loạt phim ăn khách “The Glory” (tựa Việt: “Vinh quang trong thù hận”) của Netflix mới đây đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với vấn đề này.

Bộ phim được dán nhãn R nên không nhiều trẻ em bàn luận về phim nhưng “The Glory” đã ảnh hưởng lớn đến người lớn và xã hội. Nó cho thấy các vụ bạo lực học đường đang phát triển và chuyển sang dạng thức mới, nhất là thông qua Internet.

Internet trở thành môi trường mới cho bạo lực học đường gia tăng.

Internet trở thành môi trường mới cho bạo lực học đường gia tăng.

Bạo lực sang chương mới

Theo một luật Hàn Quốc sửa đổi năm 2021, hiệu trưởng phải ngay lập tức tách kẻ bắt nạt khỏi nạn nhân nếu phát hiện vụ việc. Ngoài ra, họ phải xây dựng giai đoạn “hòa giải xung đột” để ngăn các vụ việc trở thành các vụ kiện tụng. Điều đó cũng hạn chế việc trả đũa. Ví dụ, nếu không hòa giải, thủ phạm có thể tiếp tục bắt nạt nạn nhân sau khi người này trở lại trường học hoặc kêu gọi mọi người tẩy chay nạn nhân.

Ông Choi Woo Sung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ngăn chặn bạo lực học đường, cho biết trong thế giới mà người lớn không hay biết, bạo lực đang ngày một gia tăng.

Chẳng hạn, chúng tấn công nạn nhân qua công nghệ deepfake bằng cách ghép mặt nạn nhân vào hình ảnh có nội dung tiêu cực, sai lệch hoặc công kích họ qua các ứng dụng trò chuyện ẩn danh.

Trong khi đó, ông Chung Jae-joon, Giám đốc Viện Phòng chống Bạo lực học đường Hàn Quốc, cho biết, để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt, cao hơn là bị bạo lực học đường, Hàn Quốc nên đưa ra các biện pháp đối phó tốt hơn, đặc biệt là trong cách quản lý các vụ việc.

Ông kêu gọi tăng cường lực lượng cảnh sát trường học (SPO), phụ trách đối phó với bạo lực học đường, quản lý thanh, thiếu niên liên quan đến các vụ xung đột.

SPO được thành lập từ năm 2012. Theo thống kê, đến nay, trung bình mỗi SPO theo dõi 15 trường học tại Hàn Quốc. Tại Mỹ, tỉ lệ mỗi trường có một SPO riêng là 67%. Các trường học ở Hàn Quốc vẫn chưa có khả năng ứng phó với bạo lực đủ nhanh.

Có hai năm kinh nghiệm xử lý bạo lực học đường, chị Park, giáo viên tiểu học tại Incheon, chia sẻ, nếu cả nạn nhân và thủ phạm chấp nhận hòa giải, trường học sẽ xin trợ giúp từ phòng giáo dục, cố gắng giải quyết mọi thứ trước khi vụ việc bước sang giai đoạn pháp lý.

Các trường đại học Hàn Quốc mới đây cũng tìm cách kiểm tra lịch sử bạo lực học đường của một thí sinh trong quá trình ứng tuyển. Hành động này được đưa ra trong bối cảnh một cựu lãnh đạo Văn phòng Điều tra quốc gia bị phát hiện bao che cho con trai khi quấy rối bằng lời nói với một bạn cùng lớp trung học.

Ông Kim Dong-won, Hiệu trưởng Đại học Korea, xác nhận nhà trường đang xem xét chính sách để cân nhắc các trường hợp bắt nạt nghiêm trọng trong quá trình tuyển sinh. Ông khẳng định bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của thủ phạm và nạn nhân.

Nó có thể sinh ra do bạo lực gia đình, thiếu sự giáo dục hoặc có thể do xã hội thúc đẩy cạnh tranh quá mức hay do một vài giáo viên thiên vị quá mức. Ông Kim Dong-won kêu gọi các biện pháp toàn diện hơn, thay vì chỉ lên án một số cá nhân.

Nhấn mạnh tính phức tạp của bạo lực học đường, ông Kim Dong-won khẳng định: Bạo lực học đường không thể coi là vấn đề của một đứa trẻ. Cần nhìn nhận nguyên nhân của bạo lực học đường là sản phẩm phức tạp của gia đình, nhà trường và xã hội.

Siết chặt biện pháp

Học sinh có xu hướng mắc bệnh trầm cảm vì bị bắt nạt.

Học sinh có xu hướng mắc bệnh trầm cảm vì bị bắt nạt.

Tại Thái Lan, theo khảo sát - đối với hơn 1.000 học sinh độ tuổi từ 10 - 15 - của Mạng lưới bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, 92% học sinh bị bạn bè lạm dụng thể chất hoặc tâm lý, trong đó 13% bị trầm cảm vì bắt nạt. Các hình thức bắt nạt gồm lạm dụng thể chất, lời nói, trên Internet..., từ đó dẫn đến tình trạng bạo lực lan rộng trong các nhà trường.

Đáng chú ý, cuộc khảo sát chỉ ra những vấn đề về bạo lực học đường ở Thái Lan trong năm 2020 không được cải thiện so với 2 năm trước, khi Bộ Sức khỏe Tâm thần Thái Lan cảnh báo nước này có tỷ lệ bắt nạt cao thứ 2 thế giới.

Các cơ quan liên quan, tổ chức phi chính phủ tại Thái Lan đã liên tục kêu gọi Bộ Giáo dục xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và thúc đẩy văn hóa an toàn ở trường học và ở nhà nhằm giảm thiểu tình trạng trên.

Cùng với đó, các bên liên quan cần hợp tác và cung cấp cho trẻ em, thanh thiếu niên quyền tiếp cận với cơ chế báo cáo và hỗ trợ an toàn, thân thiện với trẻ em.

Bà Ticha Na Nakorn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ trẻ em nam gặp rắc rối Baan Kanchanapisek, phân tích trong nhiều trường hợp bắt nạt diễn ra vượt quá tầm kiểm soát sẽ dẫn đến thương tích nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

“Chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng như vậy, hành vi bắt nạt mới được giải quyết và những người bắt nạt bị trừng phạt. Do đó, thách thức lớn nhất là xác định vấn đề càng sớm càng tốt và cần xây dựng cơ chế báo cáo bắt nạt an toàn, lành mạnh”, bà Ticha chia sẻ.

Còn tại Nhật Bản, tình trạng bạo lực học đường đã tăng cao đến mức kỷ lục. Tính đến năm 2018, số vụ bạo lực được ghi nhận ở trường phổ thông các cấp từ tư thục đến công lập lên tới gần 420.000 trường học, tăng hơn 91.000 so với năm 2017.

Đáng chú ý, con số thực có thể cao hơn vì nhiều nạn nhân không dám tố cáo kẻ bắt nạt mình. Ngoài ra, trong 250 học sinh tự tử trong năm 2018, cơ quan chức năng kết luận có 10 em bị bắt nạt tại trường. Thông tin này là kết quả trong nhật ký, thư... mà các em để lại.

Giáo sư Mieko Nakabayashi, Trường Nghiên cứu Xã hội thuộc Đại học Waseda, nhìn nhận: “Vấn đề bạo lực học đường luôn thường trực tại Nhật Bản nhưng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bản thân các trường học, cơ quan quản lý giáo dục, chính phủ cũng đang chịu áp lực trong việc điều tra, ghi nhận và giải quyết vấn đề trên”.

Một số cơ quan giáo dục cấp tỉnh đã tăng cường biện pháp giải quyết vấn đề như điều tra bắt buộc mỗi học kỳ đối với học sinh, họp giáo viên định kỳ, bồi dưỡng giáo viên để xử lý các tình huống bạo lực.

Tương tự, bạo lực học đường là vấn đề dai dẳng ở các trường học Trung Quốc. Nhiều trường hợp nạn nhân bị thương tích nặng, thậm chí là tử vong, mặc dù chính quyền trung ương lẫn địa phương đã nhấn mạnh cách tiếp cận không khoan nhượng đối với những hành vi như vậy.

Nhằm tăng cường biện pháp giải quyết vấn nạn trên, mới đây, các trường tiểu học, trung học tại Trung Quốc đã mời công tố viên làm phó hiệu trưởng. Điều này góp phần ngăn chặn và kiểm soát hành vi bắt nạt, xử lý các sự cố giáo dục và chấn chỉnh những học sinh có hành vi bắt nạt. Các công tố viên được chọn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm pháp lý và hoàn thành khóa đào tạo đặc biệt trước khi nhận nhiệm vụ.

Bộ Giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kịp thời xác định, ngăn chặn và giải quyết các trường hợp bắt nạt học đường, nâng cao nhận thức về pháp luật và xây dựng các quy trình trường học có liên quan; từ đó, đẩy lùi vấn nạn bạo lực trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.