Trăm năm Hoàng Cầm

GD&TĐ - Nhà thơ Hoàng Cầm được hậu sinh kỷ niệm 100 năm sinh nhật, bằng tất cả tâm tình và sự ngưỡng vọng tài năng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ngày 22/2/1922, thi sĩ Hoàng Cầm chào đời. Thoáng chốc đã trăm năm, và dù đã 12 năm làm người thiên cổ thì “Bên kia sông Đuống” hay “Lá diêu bông” đã trở thành di sản bởi một tiếng thơ hay.

Thế nhưng, sự nghiệp thi ca của nhà thơ Hoàng Cầm không chỉ dừng ở đó, mà còn có những tác phẩm làm thăng hoa giá trị văn hóa vùng Kinh Bắc.

Và tác phẩm gắn chặt nhất với tên tuổi Hoàng Cầm truyền lại cho hậu thế phải là “Về Kinh Bắc”. Và có thể khẳng định “Về Kinh Bắc” là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp. Là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả.

Nhà thơ Hoàng Cầm tự giới thiệu bản thân: “Tôi người làng quan họ/ quê mẹ bên này sông/cách quê cha một dòng/nước trắng”. Hành trình sáng tạo của nhà thơ Hoàng Cầm đầy mộng mị và liêu trai như ông thổ lộ “Ta con phù du ao trời chật chội/đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao”.

Hoàng Cầm bước vào con đường sáng tác với thể loại kịch thơ. Vở kịch thơ “Hận Nam Quan” được viết năm 1937, lúc ông 15 tuổi. Vở kịch thơ tiếp theo “Kiều Loan” viết năm 1942, lúc ông tròn 20 tuổi. Vở kịch thơ “Kiều Loan” được ban kịch Đông Phương dàn dựng và công diễn lần đầu vào tháng 11/1946.

Sự gắn bó của nhà thơ Hoàng Cầm với sân khấu sau này được thể hiện thêm trong vở kịch thơ “Trương Chi”. Ngoài ra, nhà thơ Hoàng Cầm còn có truyện thơ “Men đá vàng”.

Cùng với bài thơ “Bên kia sông Đuống” viết năm 1948 nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ, “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm cũng được công chúng truyền tụng sâu rộng.

Đọc thơ Hoàng Cầm, công chúng như đi lạc vào một vùng kỷ niệm đầy khói sương Kinh Bắc, vừa gặp “Mồ tháng Giêng mưa sũng/ đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu”, đã thấy “Đàn quạ khoang mang vệt bóng trăng thừa/Ném xuống cầu em cởi áo chiều xưa”. Để rồi bâng khuâng “Én bay đi không hướng tìm xuân/Lá ngọt hết rồi/Lá đắng lại phân vân/Muốn nuôi người còn sợ đau dạ người”.

Di sản văn chương mà Hoàng Cầm để lại, cũng là di sản văn hóa rất đặc trưng Kinh Bắc. Hoàng Cầm khác biệt với các bạn thơ đương thời, càng khác biệt với hậu thế. Ông suốt đời lấy thơ làm lẽ sống, chứ không bao giờ lấy thơ làm phương tiện để đạt tới những gì đó mà hồn mình không thể chấp nhận, ví dụ như danh và lợi, sự bon chen, sự cầu cạnh, thù hận.

Tiếng thơ Hoàng Cầm luôn đậm đặc văn hóa Kinh Bắc và văn hóa truyền thống dân tộc. Sinh nhật lần thứ 100, cũng là cơ hội để những người yêu thơ, yêu mến văn hóa tìm thấy những nét xưa đã tàn phai, để thấy “hồn dân tộc” và sứ mệnh của một thi sĩ đích thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ