Kiêu Kỵ thuộc xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, nay là xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm - Hà Nội). Trên 300 năm thăng trầm, tưởng nghề dát vàng ở Kiêu Kỵ chỉ còn trong sách sử. Nào ngờ, nghề cổ cứ âm thầm và lặng lẽ làm đẹp cho đời bởi những đôi tay khéo léo và quý nghề như vàng ròng già tuổi.
Nức tiếng Kiêu Kỵ
Đầu tháng 3/2021, dân làng Kiêu Kỵ vui mừng nhận tin nghề quỳ vàng bạc của làng mình là 1 trong 8 di sản văn hóa quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Ông Lê Bá Chung, nghệ nhân làng Kiêu Kỵ nói rằng, đây là nghề chế biến vàng thật, bạc thật thành bột vàng, bạc (gọi là quỳ) bằng phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công.
Khắp Việt Nam, những công trình kiến trúc, những bức tượng Phật, hoành phi câu đối cho tới tranh sơn mài… lấp lánh ánh vàng, ánh bạc đều có dấu tay của nghệ nhân làm quỳ Kiêu Kỵ.
Thế nên khi nghe tin nghề truyền thống trăm năm của làng mình được chọn vào danh sách di sản văn hoá, thì người Kiêu Kỵ mừng lắm. Mừng bao nhiêu thì người ta lại nhớ và biết ơn cụ tổ nghề Nguyễn Quý Trị bấy nhiêu.
Theo ông Chung, nghề làm quỳ vàng ở Kiêu Kỵ đã có lịch sử hình thành và phát triển tương đối lâu đời, xuất hiện khoảng 300 - 400 năm trước. Khi đó, tổ nghề Nguyễn Quý Trị đỗ tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1740 - 1786) giữ chức Tả Thị Lang và đi sứ sang Trung Quốc.
Trong chuyến đi này, Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị thấy người Trung Quốc có nghề đập dát vàng bạc để sơn son thếp vàng câu đối hoành phi, tượng… Thế là một công đôi việc, ông quyết tâm học nghề, mong muốn đưa về quê nhà truyền lại cho con cháu.
Sau khi thành thạo các phương pháp làm quỳ, ông về nước nghiên cứu thêm rồi truyền nghề lại cho dân làng Kiêu Kỵ, với mong muốn người dân có thêm công việc để kiếm sống.
Tương truyền sau khi Nguyễn Quý Trị truyền nghề xong, vào ngày 17/8 (âm lịch) ông rời làng ra đi, về sau không rõ tung tích. Để nhớ công ơn của ông, làng Kiêu Kỵ suy tôn ông là tổ nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ rất trọng thể.
Những gia đình theo nghề sẽ chuẩn bị mâm cỗ xôi, gà đến nhà thờ tổ, cầu mong cho công việc thuận lợi, một năm gặp nhiều may mắn. Sau ngày này, tất cả công việc sản xuất quỳ vàng bạc của làng mới bắt đầu.
Ông Chung cũng cho biết, làng Kiêu Kỵ ngoài việc suy tôn ông Nguyễn Quý Trị làm Tổ sư thì làng còn tôn ông Vũ Danh Thuận làm hậu tổ nghề của làng. Ông Vũ Danh Thuận là một nhà nho, nghệ nhân có tài bậc nhất ở Kiêu Kỵ thời Nguyễn.
Ông đảm nhận việc trang trí thếp vàng nội thất cung điện triều Nguyễn ở Kinh đô Huế. Vì thế mà nghề quỳ vàng bạc của Kiêu Kỵ vang danh bốn cõi, trở thành niềm hãnh diện khắp nơi biết tới.
Công phu đập quỳ
Các nghệ nhân ở Kiêu Kỵ nói rằng, vàng có thể dát trên mọi chất liệu như đồng, đá, gốm sứ, tường xi măng, tượng gỗ, đồ thờ. Ngoài ra, những gia đình có điều kiện kinh tế còn dát vàng cả giường tủ, bàn ghế, trần nhà…
Trong thời đại công nghiệp, mọi thứ đều có thể có sự hỗ trợ bằng máy móc nhưng riêng nghề dát vàng ở Kiêu Kỵ thì không có loại máy móc hiện đại nào thay thế được đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Nghề quỳ vàng bạc được làm rất công phu. Những thỏi vàng, bạc thật được đập cho dài và mỏng, rồi cắt thành hình vuông nhỏ một cm, đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ giấy dó mỏng và dai, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng bồ hóng đặc biệt trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.
Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại. Gói vải được đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp vừa đập quỳ, vừa khẳng định đây là công đoạn cần có nhiều kinh nghiệm nhất với sự tập trung cao, nếu không quỳ sẽ không đều, nát hoặc có thể sẽ đập vào tay. Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn một m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục.
Sau khi chỉ vàng đã được đập ra dài 1m, người thợ sẽ chia nhỏ sợi vàng làm 100 mảnh để nong vỡ các mảnh diệp vàng vào từng mảnh giấy vỡ vuông 5,5cm đã lướt mực nho sấy khô. Sau đó, người thợ cho vào lò sấy qua một đêm rồi chuyển sang đập vỡ.
Công đoạn đập vỡ phải tiến hành 1 tiếng đồng hồ, đến khi nào lá vàng trong nong đã vuông đều khoảng 5cm thì chuyển ra để cắt. Những lá vàng này tiếp tục được cắt nhỏ làm 9 - 12 miếng vuông, đặt giữa những lá quỳ mới và cũ rồi lại được đập mỏng hơn nữa.
Khi người thợ đánh quỳ nhìn thấy bụi vàng bạc bay ra như cám là lúc đó lá vàng đã đạt đến độ mỏng cần thiết và chuyển sang cho thợ trại. Trại quỳ là công đoạn cuối cùng trong làm quỳ trước khi chuyển sang cho thợ sơn, để thiếp lên sản phẩm sơn mài đồ gỗ.
Lá quỳ sau khi hoàn tất là một tấm vàng mỏng nhưng bóp nhẹ trên tay sẽ thành bụi. Để làm được như thế, những người thợ phải hoàn tất 40 công đoạn, tất cả đều phải tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt và không được phép làm lẫn lộn các khâu với nhau, đặc biệt là không được làm tắt hay ăn bớt đi khâu nào.
Giữ kín nghề cổ
Không chỉ tốn công nghề làm vàng quỳ còn rất tinh xảo, tỉ mỉ đòi hỏi sự kiên trì với những thao tác kỹ thuật chính xác tuyệt đối. Chính vì những lý do đó mà khiến nghề quỳ vàng bạc trở thành nghề độc nhất vô nhị của nước ta.
Khi sử dụng người thợ dùng lá quỳ thiếp vào sản phẩm, hoặc họa sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào bột vàng quỳ để tô lên tranh sơn mài.
Với nhiều làng nghề ở đất Thăng Long xưa như nghề sơn, nghề thêu, đúc đồng… các cụ tổ nghề không chỉ truyền dạy nghề cho người dân trong làng. Ngay cả các làng lân cận cũng được học, được theo và phát triển rộng rãi. Tuy nhiên, điểm độc đáo của nghề quỳ vàng ở Kiêu Kỵ từ xưa tới nay là chỉ người trong làng mới được học.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp phỏng đoán rằng, có thể là do công việc liên quan đến vàng nên những người thợ cần sự tin tưởng và trung thực tuyệt đối. Hơn nữa, giữ kín bí quyết làm nghề là một trong những điều lệ nghiêm ngặt.
Bởi thế, người ở địa phương khác đến xin việc ít khi được chủ cơ sở quỳ vàng chấp nhận do khó kiểm soát việc thất thoát vàng. Nếu có được nhận vào làm việc, thì cũng chỉ được giao thực hiện một số công đoạn ít quan trọng. Bởi vậy, làng Kiêu Kỵ đã trở thành nơi duy nhất có nghề dát vàng.
Theo nghệ nhân Lê Bá Chung, tại cột cái ở nhà thờ tổ của làng, tổ nghề Nguyễn Quý Trị đã đóng lên cột cái đinh dài 15cm và thề rằng: Không ai được truyền nghề này ra ngoài.
“Theo quan niệm của làng, nếu tổ nghề cho làm nghề, công việc sẽ rất thuận lợi. Nếu tổ nghề không cho, thợ đánh ra thành phẩm xấu và thường xuyên bị đánh vào tay. Một tục lệ khác đặc biệt của làng Kiêu Kỵ là người dân, ai muốn học làm nghề quỳ vàng đều phải làm lễ khấn tổ nghề”, nghệ nhân Lê Bá Chung cho hay.