Kiêu hãnh nghệ thuật múa rối: Ông tổ nghề múa rối

Kiêu hãnh nghệ thuật múa rối: Ông tổ nghề múa rối

Khi đặt câu hỏi: Ông tổ của nghề múa rối là ai? Chắc hẳn không chỉ có một đáp án. Nhưng ngó đến “cái nôi” của rối nước là làng Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh – Hà Nội) mà hiển hiện văn bia Hán tự mới ngỡ tường tổ nghề là vị quan lớn trong triều.

Quan Nội giám

Về làng Đào Thục, không thể không tới ngôi đình cổ độc đáo những đại tự, câu đối lẫn một kiến trúc cầu kỳ. Ngôi đình này có một phần riêng biệt mà số nhiều đình đền không có, ấy là Thủy Đình.

Người lạ ngó vào, đoán già đoán non chắc không biết để làm gì. Nhưng, khách nào am tường sẽ biết ngay Thủy Đình là chốn ăn chơi. Tất nhiên không phải để rượu chè say sưa mà có văn hóa hẳn hoi: Văn hóa rối nước.

Làng Đào Thục xưa có tên là Đào Xá. Nghe đâu thời Đồng Khánh được đổi là Đào Thục. Chữ “Thục” ở đây chính là thục nữ, đoan thục… bắt nguồn từ vùng đất của những người con gái nết na, xinh đẹp: Đào Xá có đất trồng bông/Con gái ra đồng trông tựa tiên xa.

Ngôi đình của Đào Thục được xây năm 1735 do một tướng công họ Đào bổ tiền xây dựng. Ông tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, tự Phúc Thiêm đỗ Tiến sĩ năm Tân Mùi 1691 và làm quan Nội giám trong triều nhà Hậu Lê. Đương khi làm quan trong triều, ông đã học hỏi được rất nhiều kỹ nghệ của các phường nghề. Bởi thế, sau này ông đã tổ chức các phường hội như: Phường Thầy, phường Thợ, phường Thó (đóng Cối), phường Võ và phường Rối.

Khi xa chốn quan trường, vị quan Nội giám về làng Đào Thục lập phường rối tại đây và biên soạn ra bản hương ước của làng. Đồng thời, ông xây dựng trang thôn theo thế bàn cờ. Từ đó mới có câu ca: Đào Xá mở hội vui thay/Bên Bắc có chợ, bên Tây có chùa/Bên Đông có miếu thờ vua/Bên Nam nước chảy đò đưa dập dìu.

Cứ đến ngày 24/2 âm lịch hàng năm, làng Đào Thục lại làm lễ thờ ông tổ nghề rối. Bởi vậy, trong văn bia của dân làng đã gọi tên ông tổ họ Nguyễn là họ Đào với ý tứ coi ông như thành hoàng làng.

Mộ của ông tổ nghề múa rối làng Đào vẫn được người dân bảo vệ cẩn thận. Trước mộ có hai con nghê bằng đá. Bên cạnh đình, còn văn bia ghi rõ năm sinh, tháng mất cùng những công trạng của ông tổ nghề cách đây gần 300 năm.

Cụ Nguyễn Văn Mạnh, từng là trùm phường rối của Đào Thục cho biết: Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có những lúc tưởng chừng múa rối sẽ bị mất đi. Năm 1955 hòa bình lập lại ở miền Bắc, Ty Văn hóa Vĩnh Phú mới phục dựng lại phường rối để phục vụ cho các ngày lễ lớn.

Cụ Mạnh cho biết thêm, ngày đó con rối còn thô sơ và sân khấu chỉ được dựng bằng cột tre với tấm cót. Có khi, diễn được vài lần là tất cả bị hư hỏng, mục nát hết. Mãi đến năm 1984, Hiệp hội Rối quốc tế khi tổ chức phát triển nghệ thuật rối đã tài trợ cho làng Đào Thục phục hồi lại. Hai năm sau, Nhà nước tổ chức Đại hội liên hoan văn hóa các dân tộc lần thứ nhất thì phường rối Đào Thục mới phát huy hết những tinh hoa và đạt Huy chương Vàng.

Những năm sau đó và cho đến tận bây giờ, phường múa rối Đào Thục còn đi phục vụ biểu diễn ở rất nhiều nơi. Thậm chí, các tổ chức nước ngoài còn đến mời nghệ nhân của Đào Thục sang nước họ để truyền dạy kỹ năng múa rối. Hàng tuần, hàng tháng phường rối đều có những buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch quốc tế.

Rối nước Đào Thục khác biệt với các phường rối trên cả nước. Nếu như các phường rối mở đầu bằng hình tượng chú Tễu xuất hiện đầu tiên và khi thấy sân khấu chưa được sẵn sàng thì mới hô “trống dong cờ mở”. Còn Đào Thục mở màn luôn là tiết mục “đốt pháo bật cờ”.

Điều đó chứng tỏ sân khấu phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, xuất xứ của rối nước Đào Thục là ở triều đình nên hai bên giàn cờ là hai hàng bá quan văn võ. Không những thế, khán giả đến với buồng trò trong nhà Thuỷ Đình phải được kiểm duyệt qua quan binh.

Nếu để ý kỹ sẽ thấy tấm Y Môn ngăn cách ranh giới giữa cuộc sống đời thường với bên trong buồng trò, điều đó thể hiện sự tôn nghiêm của những linh hồn rối nước. Rối nước không đơn thuần là tượng, mà cũng như người: Có linh hồn và thể xác.

Điểm khác biệt thứ hai là anh Ba Khí giáo trò, ở các phường rối khác thì chú Tễu được xem là nhân vật quan trọng nhất của nghệ thuật rối nước. Chú Tễu là hiện thân của anh nông dân hiền lành, chất phác và ngộ nghĩnh; cũng là đại diện cho anh nông dân Bắc Bộ.

“Rối nước của chúng tôi mà nói theo lệ ngày xưa thì khắt khe lắm. Nếu nhà không có con trai thì buộc phải có từ hai con rể trở lên mới được vào xem diễn. Phường rối cũng giấu nghề ghê lắm, bởi có những kỹ nghệ không để lọt ra ngoài”, cụ Nguyễn Văn Mạnh, cựu trùm phường rối Đào Thục.

Nhân vật này được xem là linh hồn của rối nước. Chú Tễu vốn là người trên Thiên đình được Thượng Đế đưa xuống trần gian để gỡ rối mọi chuyện ưu phiền. Vì thế ngay từ khi xuất hiện, khán giả đã thấy chú Tễu băn khoăn trăn trở việc đời.

Nhưng anh Ba Khí của rối nước Đào Thục lại được chế tác với hình ảnh chân thực hơn, mà không đơn thuần là nhân vật chú Tễu bụng phệ, tay cầm quạt nữa. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghệ thuật thì sự khác biệt đó thể hiện tầm nhìn xa từ thuở khai sinh ra rối nước Đào Thục mà ông tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh đã nghĩ ra.

Rối nước miền quan họ

Múa rối nước ở thôn Đồng Ngư xã Ngũ Thái (Thuận Thành – Bắc Ninh) đã có từ thời Lý. Trải bao biến thiên thăng trầm, rối nước vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng rối nước miền quan họ lại có những đặc biệt mà không phường rối nào có được.

Nếu ai đã từng xem rối nước của Đồng Ngư thì hẳn sẽ xốn xang khi nghe ba hồi trống báo. Bởi sau đó, một giọng nữ ngọt ngào vang lên mượt mà và thắm đượm: “Kính thưa các vị khách quý. Cho phép chị Hai quan họ thay mặt anh chị em diễn viên, nhạc công của đoàn phường rối nước Đồng Ngư gửi lời chào của người quan họ: Hôm nay xum họp trúc mai/Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”.

Đấy là lời giáo đầu của người dẫn trò cất lên theo làn điệu quan họ đặc trưng Kinh Bắc. Sau lời chào ngọt ấy, chú Tễu đon đả đi ra theo nhịp điều khiển của nghệ nhân rối rồi nhanh nhẻo trèo cau hái vội một chùm chuyển cho chị Tễu têm trầu mời khách: Trầu này trầu tính trầu tình/Trầu loan trầu phượng trầu mình trầu ta/Trầu này têm tối hôm qua/Dấu thầy dấu mẹ đem ra mời người.

Hẳn là người Đồng Ngư khi diễn rối đã biết kết hợp quan họ vào những lời chào, để rồi miếng trầu là đầu câu chuyện trong một cuộc mua vui với những tích trò vừa hay vừa đậm.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương cho rằng: “Trước đây, phường rối Đồng Ngư vẫn giữ nguyên lệ cổ, không có giáo đầu giới thiệu theo làn điệu quan họ. Nhưng dần dần, để tạo ra bản sắc, phường rối đã biết kết hợp nhuần nhị đặc sản quê hương vào diễn rối để thu hút người xem”.

Đây cũng là một trong những đặc sắc mà không một phường rối nào có được. Bởi, từ xưa các phường rối không đưa tiêu chí mượt mà âm thanh mà hầu như chú trọng đến hình ảnh, bởi xem rối là xem bằng mắt.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai hiện là trưởng phường rối Đồng Ngư. Khác với tất cả các phường rối khác trong cả nước, riêng Đồng Ngư thì người đứng đầu không gọi là trùm, mà đơn giản hơn với chức danh là trưởng. Theo ông Lai, ngày xưa đã gọi người đứng đầu là trưởng chứ không là trùm. Cứ đời này nối tiếp đời kia, chức trưởng sẽ truyền lại cho những người có uy tín và có kinh nghiệm nhất trong phường.

Ông Lai bảo, múa rối Đồng Ngư đã có từ thời nhà Lý. Một thời gian dài, vì miếng cơm manh áo nên có lúc, tưởng nghề rối sẽ biến mất. Đến sau những năm 1950 thì nghề rối nước được phục dựng nhưng chỉ hoạt động èo uột. Đến năm 1990, phường rối nước mới được phục hồi hoàn toàn để đi biểu diễn.

Người Đồng Ngư rất quan tâm đến kỹ thuật múa rối nên họ biết điều khiển máy dây và máy sào để tạo sự di chuyển và hành động cho con rối được sống động như thật. Kỹ thuật này đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao, có thể đưa rối ra xa sân khấu từ 5 - 7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của rối.

Để được như vậy, những nghệ nhân trong phường đã phải rèn luyện các động tác và thử nghiệm nhiều lần. “Chúng tôi hầu hết là nông dân. Ngày làm ruộng, tối về mới có thời gian luyện tập. Nhưng được cái ai cũng miệt mài, có khi tập đến nửa đêm mới nghỉ”, ông Lai tâm sự.

Rối nước Đồng Ngư đã có từ thời Lý.
 Rối nước Đồng Ngư đã có từ thời Lý.

Biến nghề thành nghệ

Đồng Ngư tuy không nổi tiếng bằng làng Đào Thục của huyện Đông Anh, nhưng bù lại cung cách diễn rối lại độc đáo pha trộn cổ kim đông tây. Những kỹ thuật điêu luyện được đưa vào khiến cho rối nước có thần sắc hơn.

Nghệ nhân lão luyện Nguyễn Bá Đổng cho biết, múa rối bằng dây không chỉ đòi hỏi người diễn phải thuần thục và nhuyễn các động tác. Người điều khiển dây và rối dường như hoà làm một vì nếu không hiểu nhau, lỡ nhịp, các dây sẽ bị xoắn và trò đó coi như đổ bể.

Trong lúc diễn trò, dây cũng phải chìm hoàn toàn dưới nước, nếu chẳng may dây lấp ló trên mặt nước coi như trò hỏng và buổi diễn thất bại. Phường rối nước Đồng Ngư hôm nay đã có những cách tân mới được đầu tư bởi công sức và sự tập luyện của những người tâm huyết với nghề.

Vẫn là trò rối đánh đu, nhưng rối đã có thể leo lên đánh đu rồi lại leo xuống nhường chỗ cho rối kế tiếp. Hay như trò câu cá, nhưng cá bây giờ nhảy vừa uốn lượn lại mềm mại hơn hẳn trước kia. Ngay như tiết mục chú Tễu đi ra, đi vào hết sức tự nhiên. Trước kia, chú Tễu phải đi lùi thì nay đã đi vòng quanh thuỷ đình rồi đem trầu mời khán giả. Ông Đổng bật mí: Con rối có thể đi xa ba bốn chục mét nếu thuỷ đình rộng.

Các nghệ nhân phường rối Đồng Ngư đều rất tự hào với tiết mục rối nước nhào lộn qua vòng mà không làm vướng dây. Điều khiển các con rối đã khó nhưng các diễn viên ở đây còn phải điều khiển những sợi dây không vướng nhau khi các rối lộn qua vòng. Điều này được khẳng định qua tất cả những buổi lưu diễn, chứng tỏ các nghệ nhân phường rối đã biết biến nghề thành một nghệ thuật.

Ở Đồng Ngư, ai cũng phải công nhận nghệ nhân già Nguyễn Văn Trãi là người nghiện rối. Cụ nghiện rối đến độ, một ngày mà không nhìn thấy rối, không sờ tay được vào rối là y như rằng ăn không ngon, ngủ không yên. Cũng vì tâm huyết sắt son với nghề mà cụ lúc nào cũng đau đáu, lo âu phiền muộn cho số phận của rối. Vẫn biết là sau cả mấy trăm năm con tạo xoay vần, cái gì rồi cũng hư hao đi, nhưng thấy những tích trò diễn xướng mai một dần làm cụ bất an.

Cụ bảo, hơn sáu mươi năm trước khi phục dựng lại, phường rối có gần 60 người nhưng giờ cứ rơi rụng dần. Người bỏ nghề, người theo các cụ về tiên tổ. Trước đây cả phường đông vui là thế, giờ chỉ còn hơn 20 người cả thảy. Đã vậy, những tích trò cũ đã không còn được nhớ đến. Đó là những vở: Từ Hải và Thúy Kiều, Võ Tòng đả hổ, Lục Vân Tiên… từng là những tích trò trứ danh của riêng Đồng Ngư.

Chưa hết, thế hệ kế cận lại rất mỏng và cũng không tâm huyết nhiều với nghề múa rối. “Ai cũng biết múa rối là trò mua vui cho thiên hạ. Nhưng dù sao, đó cũng là văn hóa, là nghệ thuật, là linh hồn và sự sống của những người sống bằng tâm tưởng bên trong. Nếu mà không níu giữ lấy thì e rằng, vài năm nữa rối nước không còn”, cụ Trãi lo lắng.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, trưởng phường rối Đồng Ngư, cho biết: “Đúng là việc duy trì rối nước rất khó khăn. Cái gì cũng phải có kinh phí thì mới tồn tại được. Phường rối của chúng tôi cũng rất long đong. Mỗi nghệ nhân phải tự kiếm thêm việc làm để khi nào cần đi diễn thì mới bỏ việc nhà.

“Nhiều người cho rằng, múa rối đơn thuần mua vui mà đâu biết rằng nó cũng là văn hóa. Người nghệ nhân bao giờ cũng phải khéo tay, ham học hỏi và đặc biệt có trải nghiệm thì mới diễn cho ra trò”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.