Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai và không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nếu bạn bị trầm cảm, sau đây là một số gợi ý có thể giúp bạn. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Với những hỗ trợ phù hợp, bạn sẽ cảm thấy khá hơn.
Tại Hội thảo trực tuyến "Kỷ niệm ngày sức khoẻ tâm thần thế giới" với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Y tế và khoảng 1.000 người diễn ra ngày 10/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay sức khỏe tâm thần là 1 trong 3 cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội, sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng và một lần nữa Tổ chức y tế thế giới đã nhấn mạnh thông điệp "Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe".
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin theo Tổ chức Y tế thế giới, tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.
"Đặc biệt, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Đại dịch Covid-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân.
Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.