Các hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc trong việc bồi dưỡng lòng yêu nước, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và giáo dục lí tưởng sống, giá trị sống cho học sinh nói chung và học sinh người dân tộc thiểu số của nhà trường nói riêng.
Học tập từ di tích
Ngày 29/10 vừa qua, đoàn cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường tổ chức tham quan di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, kết nối tài trợ 10 suất học bổng trị giá 2.000.000 đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu ý chí nghị lực vượt khó, vươn lên và đạt nhiều thành tích trong học tập và tu dưỡng rèn luyện tại hai trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp, THCS Võ Nguyên Giáp.
Tại các nhà trường, các em học sinh trường PTNTDT tỉnh Điện Biên đã tìm hiểu các hình thức tuyên truyền về cuộc đời, vai trò lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ý nghĩa của việc đặt tên trường, cảm nhận của các em học sinh về tình cảm đối với vị Đại tướng huyền thoại này.
Tham quan từng địa điểm của di tích, các em đều lắng nghe chăm chú, ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra nơi đây. Và rồi, chuyến tham quan đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo: Các em vẽ tranh về Đại tướng, sáng tác truyện tranh về cuộc đời của vị tướng huyền thoại này từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ Vũng Chùa - Đảo Yến quê hương, viết những dòng cảm xúc chân thành của chính những học sinh là người dân tộc thiểu số về Đại tướng.
Đoàn CB, GV và HS do NGƯT Phạm Lệ Thanh, Bí thư Đảng Ủy, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn tham quan Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP tại Mường Phăng- huyện Điện Biên.
Học sinh các khối lớp cùng tham gia chương trình |
Học Lịch sử bằng các hình thức nghệ thuật
Sự kiện để lại dấu ấn sâu sắc nhất là nhà trường đã tổ chức thành công chương trình nghệ thuật: “Huyền thoại về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Chương trình là kết quả của những bài học tiếp thu trên lớp, những tìm tòi, tham khảo qua quá trình tự học, những tác động từ chuyến tham quan thực tế,... Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được các em thể hiện sinh động: Từ khi sinh ra đến trước khi lên chiến dịch Điện Biên Phủ; trong chiến dịch Điện Biên Phủ; sau chiến dịch dịch Điện Biên Phủ bằng cách xây dựng các hoạt cảnh, kể chuyện, sáng tác thơ....
Hình tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, một vị Đại tướng tài ba được thế giới ngưỡng mộ, tôn sùng được các em thể hiện qua thời gian tìm hiểu bằng những tranh vẽ, kể chuyện, hát bằng chính những giai điệu ngân nga cất lên sâu thẳm từ trái tim.
Những ngôn từ không hoa mĩ, có thể diễn đạt chưa hay nhưng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tác giả, tạo hứng khởi khi các em tìm hiểu lịch sử, có nhận thức đúng và hẳn sẽ có những chuyển biến về hành động khi thể hiện lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay.
Giáo viên và học sinh nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng bác Phạm Đức Cư - nguyên chiến sĩ Đại đoàn 367- binh chủng phòng quân không quân |
Các thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường được đón chào sự xuất hiện và chia sẻ với bác Phạm Đức Cư - nguyên chiến sĩ Đại đoàn 367- binh chủng phòng quân không quân. Bác Cư đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 6 lần, lần đầu tại chiến khu Việt Bắc, khi ấy, bác là một chiến sĩ trẻ chuẩn bị sang Trung Quốc học tập, 2 lần trong chiến dịch Điện Biên Phủ và 3 lần nhân sự kiện kỉ niệm 30 năm, 40 năm, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Qua hồi ức của người chiến sĩ ấy, Đại tướng là người văn võ song toàn, tài thao lược xuất chúng nhưng hết sức gần gũi, chân tình, quan tâm tới chiến sĩ. Nghe tin Đại tướng mất, bác đã thức trọn đêm để viết điếu văn và sáng tác thơ để bày tỏ cảm xúc trân trọng, kính yêu, tiếc nuối với vị lãnh đạo tài ba, người đồng đội vô cùng kính mến.
Chương trình “Huyền thoại về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ” là nén tâm nhang của cán bộ giáo viên và học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên kính dâng lên tưởng nhớ vị Đại tướng của lòng dân.
Các hoạt động sáng tạo qua trải nghiệm thực sự là cầu nối hữu hiệu gắn lí thuyết với thực tế, tạo hứng thú trong học tập và tăng cường mối quan hệ gần gũi, thân mật, chia sẻ trong quá trình giáo dục.