Trải nghiệm thú vị từ các tiết học Lịch sử

GD&TĐ - Lịch sử là bộ môn KHXH quan trọng trong trường phổ thông. Dạy - học Lịch sử không chỉ trang bị cho học sinh về lịch sử dân tộc, nhân loại mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam.

Giáo viên cần xác định rõ những nội dung kiến thức cơ bản nhất của từng bài. Ảnh minh hoạ/Internet
Giáo viên cần xác định rõ những nội dung kiến thức cơ bản nhất của từng bài. Ảnh minh hoạ/Internet

Đó là ý kiến của thầy Phạm Ngọc Thụ - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội).

Khai phóng những giá trị của bài học

Theo thầy Thụ, bộ môn Lịch sử vốn có nhiều ưu thế để giáo dục truyền thống, tư tưởng, tình cảm đạo đức lối sống cho học sinh.

Học Lịch sử, học sinh không chỉ tiếp nhận những kiến thức về lịch sử của dân tộc mà còn hiểu được lịch sử thế giới, thấy được những tấm gương cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, thấy được sự tác động qua lại giữa các sự kiện hiện tượng lịch sử và thấy được sự vươn lên trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ nền độc lập của dân tộc…

Cũng theo thầy Thụ, Lịch sử cung cấp cho học sinh cái nhìn toàn diện, tổng thể về  quy luật sự phát triển xã hội và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ lịch sử. Qua những bài học, kiến thức học sinh lĩnh hội được, giáo viên đã tạo cho các em một thế giới quan khoa học, góp phần không nhỏ vào gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.

Tuy nhiên, thầy Thụ cho rằng, để bộ môn này thực đi vào tâm thức của học trò, giáo viên cần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong các tiết dạy; bởi chương trình chỉ là nền tảng, là căn cốt để giáo viên phát huy, khai phóng những giá trị của bài học. Và thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên sẽ truyền cảm hứng, tình yêu với môn Lịch sử cho học trò.

Từ thực tế giảng dạy, thầy Thụ "bật mí" kinh nghiệm: Giáo viên cần xác định rõ những nội dung kiến thức cơ bản nhất của từng bài, từng chương để truyền đạt đến học sinh.

Thầy Phạm Ngọc Thụ (hàng thứ nhất, thứ ba từ phải sang trái) cùng các học trò. Ảnh: NVCCC
Thầy Phạm Ngọc Thụ (hàng thứ nhất, thứ ba từ phải sang trái) cùng các học trò. Ảnh: NVCCC

“Điều  này không hề khó đối với bất kì giáo viên nào. Bởi những nội dung cơ bản của bài học đã có trong chuẩn kiến thức kĩ năng. Cái khó của giáo viên là phải nắm rõ nội dung của sách giáo khoa, hiểu được mục đích của bài học trong tổng thể chương trình để từ đó xác định dạy cái gì; dạy những nội dung nào và dùng cách thức nào để truyền đạt tri thức đến học sinh” – thầy Thụ trao đổi, đồng thời viện dẫn:

Ví như, trong chương trình Lịch sử lớp 11, bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp”. Ở bài này, giáo viên cần thấy rõ mối quan hệ từ chính sách khai thác thuộc địa dẫn đến những biến đổi về kinh tế, xã hội Việt Nam, những giai cấp và tầng lớp mới ra đời. Giai cấp, tầng lớp mới sẽ có suy nghĩ và hành động cứu nước theo con đường mới.

“Nếu không thấy được mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức của từng bài, từng chương thì giờ học lịch sử thật sự chỉ là những sự kiện hết sức khô cứng” – thầy Thụ thẳng thắn nói.

Dạy từ những điều ngoài sách vở

Cũng theo thầy Thụ, giáo viên cần cụ thể hóa các đơn vị kiến thức trong bài học bằng những sơ đồ hoặc khái quát dưới dạng các công thức, giúp học sinh dễ học, dễ nhớ. Với sơ đồ, học sinh dễ dàng trong việc xác định được những nội dung cơ bản của bài học và  thấy được mối liên hệ tác động qua lại giữa các đơn vị kiến thức có trong sơ đồ.

Đồng thời các sơ đồ giúp cho tư duy học sinh, tránh được sự nhàm chán của các con số, các sự kiện ngày tháng…. Như vậy, việc truyền tải thông tin đến học sinh được dễ dàng hơn.

Ngoài ra, trong quá trình công tác, giáo viên cần cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức từ sách, báo, những tư liệu từ cuộc sống để gờ học thêm sinh động. Nếu giờ học chỉ có những kiến thức trong sách giáo khoa sẽ làm cho học sinh dễ nhàm chán.

Những câu chuyện cuộc sống, những điều ngoài sách vở mà các em chưa biết mới là yếu tố li kì, thu hút sự quan tâm và chú ý của học sinh. “Chẳng hạn, những câu chuyện về tù chính trị ở Côn Đảo, những hành động tra tấn dã man của những viên cai ngục khét tiếng Bảy Nhu ở nhà giam Phú Quốc hay những mẩu chuyện trong chiến tranh thế giới thứ hai sẽ làm cho bài học lịch sử thêm sức hấp dẫn đối với học sinh” – thầy Thụ trao đổi.

Thầy Thụ cùng các học trò chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: NVCC.
Thầy Thụ cùng các học trò chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: NVCC.

Nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức dạy học, người thầy cần giữ nhịp được giờ học, thầy Thụ chia sẻ: Có thể người thầy được phép “phiêu” một chút nhưng cần chú ý đến sự phân bố thời gian; chú ý đến cách đặt câu hỏi; cách vào bài để gây ấn tượng ban đầu đối với học sinh….

“Đôi khi trong quá trình dạy học, giáo viên hay mắc “bệnh” nói nhiều, nếu bắt học sinh nghe với âm lượng đều đều, sẽ làm cho các em rơi vào trạng thái được ru ngủ, các em thiếu sự quan tâm vào bài học…

Vì vậy, giáo viên cần định hướng suy nghĩ của học sinh quay trở lại bài học bằng những câu chuyện vui, hài hước hay những câu slogan ngắn gọn trong cuộc sống” – thầy Thụ cho hay.

“Để phát huy vai trò bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông, mỗi người giáo viên cần có phong cách và cá tính riêng. Nhưng trên hết, vẫn cần sự tâm huyết và phải luôn ý thức đổi mới để mỗi giờ học Lịch sử thật sự là một sự trải nghiệm thú vị về cuộc sống” - thầy Phạm Ngọc Thụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ