Đa dạng cách thức dạy Lịch sử tạo hứng thú cho học sinh

GD&TĐ - Không chỉ trong giờ Lịch sử, các thầy cô cũng kết hợp các nội dung liên quan đến lịch sử trong nhiều bộ môn khác dưới những hình thức khác nhau để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Không chỉ ở môn Lịch sử, nội dung về lịch sử dân tộc cũng được lồng ghép trong các môn học khác để dạy học sinh.
Không chỉ ở môn Lịch sử, nội dung về lịch sử dân tộc cũng được lồng ghép trong các môn học khác để dạy học sinh.

Đa dạng cách thức giảng dạy

Là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành giáo dục quận Hà Đông (Hà Nội), Trường THCS Nguyễn Trãi đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy các môn học, trong đó có môn Lịch sử.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xinh cho biết, các thầy cô bộ môn Lịch sử có kế hoạch chuẩn bị bài giảng công phu, chu đáo về nội dung lẫn đồ dùng dạy học. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau theo đúng đặc trưng bộ môn thì các em sẽ hứng thú, say mê nghe giảng. Đặc biệt, giáo viên luôn đổi mới phương pháp dạy học thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh hoạ giúp học sinh lắng nghe và hiểu tường tận kiến thức. Từ đó học trò sẽ yêu thích bộ môn Lịch sử một cách tự nhiên

Điều quan trọng không kém là tạo không khí vui vẻ trong lớp học. Để giúp học sinh hứng thú học tập, giáo viên cần phải tạo không khí thật sự vui vẻ, thỏa mái để các em có điều kiện học tập tốt nhất, tiếp thu bài hiệu quả nhất. Thầy cô tổ chức các trò chơi phù hợp như: Nhận diện lịch sử, giải ô chữ, thuyết minh hình ảnh lịch sử, đố vui liên quan đến nhân vật lịch sử…

Để khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử ở học sinh, nhà trường cũng tổ chức tìm hiểu kiến thức lịch sử qua các tiết chào cờ, sinh hoạt, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Giáo viên tìm hiểu, quan tâm đến học sinh trong lớp, nắm được tâm sinh lý lứa tuổi để có sự ứng xử cho phù hợp, biết lắng nghe và thấu hiểu các em. Biết khen đúng lúc để kích thích sự ham học của học trò, tránh gây áp lực cho các em…

Các nhà trường luôn có nhiều phương pháp giảng dạy Lịch sử phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Các nhà trường luôn có nhiều phương pháp giảng dạy Lịch sử phù hợp với từng đối tượng học sinh.

"Mỗi bài dạy là một nội dung, một sự kiện, một nhân vật lịch sử, cũng có thể là nhiều nội dung, nhiều sự kiện lịch sử. Qua các sự kiện lịch sử, giáo viên nên liên hệ thực tế để giáo dục học sinh, gắn học đi đôi với hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn nội dung bài. Trường cũng tổ chức các hoạt động tự học, tự nhận thức của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Thầy cô giao các dự án học tập; hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, ghi chép bài. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá kết hợp với học sinh tự đánh giá lẫn nhau để tăng hiệu quả học tập môn Lịch sử" - cô Nguyễn Thị Xinh nhấn mạnh. 

Lồng ghép trong các hoạt động, môn học 

Cô Nguyễn Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: Mỗi tháng nhà trường tổ chức một chương trình hoạt động cho học sinh. Các hoạt động được thực hiện theo chủ đề. Ví dụ năm học 2019-2020, nhà trường chọn chủ đề "Yêu thương, chia sẻ" nên các hoạt động đều hướng đến chủ đề này. Với môn Lịch sử, các giáo viên xây dựng bài giảng hấp dẫn dưới nhiều hình thức, ví dụ minh họa gắn với các hoạt động.

Việc dạy và học môn Lịch sử là một trong những việc quan trọng hàng đầu được các trường phổ thông chú trọng.
Việc dạy và học môn Lịch sử là một trong những việc quan trọng hàng đầu được các trường phổ thông chú trọng.

Năm học trước, nhà trường tuyên truyền pháp luật bằng tiểu phẩm về vua Hùng. Ngày 22/12, trường tổ chức hội thi "Người chiến sĩ trong trái tim em". Cuộc thi theo khối, mỗi khối dựng tiểu phẩm về người lính ở một thời kỳ lịch sử: chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam và thời bình. Các em đã xây dựng và diễn những tiểu phẩm hay, xúc động. Đây cũng là cách giúp các học trò thêm yêu lịch sử đất nước. 

Ngoài ra, mỗi năm trường tổ chức ngoại khóa ít nhất một lần tại các địa điểm liên quan đến lịch sử. Ví dụ Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long (2018), Văn Miếu, làng gốm Bát Tràng (2019), Đền Gióng, Đồi 79 mùa xuân (2020)...

Tới đây, bên cạnh những biện pháp đã làm, Trường THCS Minh Khai sẽ tạo những cuốn sách "di động" lớn. Các thầy cô có ý tưởng thiết kế sách chân, khổ lớn, mỗi môn một cuốn. Trước hết là Lịch sử, Toán, Ngữ văn theo dạng Sơ đồ tư duy hoặc cây lịch sử, in trên bạt đóng quyển lớn để các con có thể tổng hợp kiến thức và học dễ dàng. Các cô dạy Lịch sử cũng liên hệ với thư viện để mua và giới thiệu với các em bộ truyện tranh lịch sử, những cuốn sách về các vĩ nhân. 

"Với niềm đam mê giảng dạy - tình yêu nghề nghiệp và trách nhiệm với bộ môn Lịch sử, giáo viên chúng tôi cũng đã có nhiều cố gắng để đổi mới cách dạy - tổ chức cho học sinh học Lịch sử theo các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, hoặc dạy học theo dự án. Từ đó giúp học sinh học Lịch sử vui hơn, hứng thú hơn, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Học sinh phát triển được nhiều kỹ năng như thu thập và xử lý thông tin, thuyết trình, phản biện, công nghệ thông tin và tư duy thiết kế... Dù vậy nhưng vẫn có một số trở ngại nhất định. Đối với học sinh khối lớp chuyên Sử thì áp lực học để thi Học sinh giỏi bộ môn là có thật; cách dạy - học, cách tiếp cận vấn đề theo hướng mới chưa thực sự phù hợp mới mục tiêu học để thi. Với học sinh các khối chuyên khác thì thời lượng dành cho môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông ít. Các em cũng bận học môn chuyên để thi, nên giáo viên Lịch sử khó tổ chức dạy học dự án hoặc yêu cầu học sinh chuẩn bị bài. Ngoài ra, phần lớn học sinh khối 12 chọn các khối thi để xét tuyển đại học thuộc tổ hợp không có môn Lịch sử nên sự quan tâm thực chất đối với bộ môn này là không có" - một giáo viên dạy Lịch sử tại Quảng Nam tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ