Nhật ký cách ly của nữ nhà giáo

GD&TĐ - Tôi và một số đồng nghiệp trở thành F2, phải tự cách li tại trường ít nhất 14 ngày. Trong đầu không ngừng suy nghĩ, tính toán, sắp xếp cho 14 ngày sắp tới.

Ngày đầu cách ly tại trường. Ảnh: NVCC
Ngày đầu cách ly tại trường. Ảnh: NVCC

7h15 phút, tôi đến trường sớm hơn giờ học nửa tiếng. Học sinh toàn thành phố đã có lệnh nghỉ học để phòng chống dịch. Tôi lục đục lôi đồ nghề, lấy máy tính, điện thoại ra để chuẩn bị dạy trực tuyến. “Ting – Ting” – điện thoại báo có tin nhắn: “Đồng chí N.H.B hiện đã trở thành F1 do có tiếp xúc với người nhiễm SARS-COVID 2. Đề nghị các đồng chí có tiếp xúc gần với đồng chí B từ ngày 24/1/2021 đến 28/1/2021, báo cáo Ban giám hiệu để phục vụ cho công tác phòng chống dịch”.

Tôi và một số đồng nghiệp trở thành F2, phải tự cách li ít nhất 14 ngày. Trong lúc đầu óc còn đang hỗn loạn thì học sinh thi nhau gọi điện hỏi về phòng học zoom. Tôi vừa mở phòng học, vừa không ngừng suy nghĩ, tính toán, sắp xếp cho 14 ngày sắp tới.

Tôi liên tục nhận được điện thoại hướng dẫn của Ban phòng chống dịch trong khi mọi công việc giảng dạy trực tuyến vẫn phải diễn ra bình thường. Chị Chi – nhân viên y tế của trường chạy đi chạy lại tất bật như con thoi để rà soát các trường hợp F2, F3 và báo cáo tình hình. Mọi người ai cũng lo lắng cho bản thân và gia đình nhưng không ai nói ra. Ai cũng muốn tỏ ra vững vàng để không làm ảnh hưởng những đồng nghiệp bên cạnh. Lo lắng bị kìm nén khiến không khí trở nên căng thẳng đến khó chịu.

12h trưa, về cơ bản công tác rà soát, lấy địa chỉ, số điện thoại của tất cả các trường hợp F2 đã hoàn thành.  Chỉ 30 phút sau, tôi liền một lúc nhận được 3 cuộc điện thoại: Ban quản lý chung cư, Trạm y tế thị trấn và Chủ tịch UBND xã – nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Mọi người hỏi han tình hình sức khỏe của tôi, tính toán phương án cách li tốt nhất. Cuối cùng, tôi được cách ly tại trường. 4h chiều, trong lúc chờ quyết định cách ly, “Sếp trưởng” triệu tập anh chị em đang có mặt ở trường để họp một cuộc họp đặc biệt. Địa điểm họp thời Covid -19 rất ấn tượng. Thay vì ngồi trong phòng họp nghiêm trang, cuộc họp được tổ chức ngoài sân khu hiệu bộ. Lúc tôi ra sân có khoảng hơn 20 người, mỗi người đều đeo khẩu trang kín mít, mỗi người cách nhau tối thiểu 2m.

“Sếp trưởng” đang phổ biến về quy định cách li, những khó khăn, thiếu thốn trong việc ăn, ở, ngủ, nghỉ khi thực hiện cách li tại trường và yêu cầu mọi người cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Danh sách cách li tại trường còn lại 14 người: 12 nam và 2 nữ.

Lúc này, mọi người mới bàn cụ thể đến việc ăn ở. Vì đang thời kỳ phòng chống dịch bệnh nên mỗi người được bố trí vào một phòng. Chị Bình tự nhận phòng ở tầng 1, gần bếp ăn và khu vệ sinh. Tôi được ưu tiên cho mượn phòng y tế, có sẵn chăn, giường lại cũng không phải dọn dẹp gì nhiều. Những người còn lại, mỗi người được phân vào một phòng học rộng đến trống trải, chẳng có gì ngoài bàn ghế và bụi bặm cần phải lau dọn.

Chuyện ở như thế cũng coi như tạm ổn. Còn chuyện ăn mới thật là nan giải. Tiện nhất là đặt cơm suất, mỗi người một suất cho khỏi chung đụng. Nhưng bây giờ là giáp Tết, các nhà hàng xung quanh trường đều đã báo nghỉ. Hoặc cũng không loại trừ khả năng có thể nghe tin trong này toàn F2 nên họ tránh không ship đồ.

Đến nước này thì chỉ còn cách anh em tự túc nấu nướng. Nhưng tự túc làm sao để vẫn đảm bảo công tác chống dịch là cả một bài toán. Để hạn chế việc tiếp xúc chéo ở mức tối đa, sau 1 hồi bàn bạc mọi người đi đến thống nhất cử tôi và anh Tiến – hai người được coi là có “tiềm năng” bếp núc nhất - chuyên đảm nhiệm công tác hậu cần cho cả nhóm 14 người.

Cuộc họp kết thúc, về đến phòng đã hơn hơn 5 giờ chiều. Tôi lôi điện thoại gọi hàng chục cuộc cho những quán quán ăn nhỏ lẻ trong vòng bán kính 2km nhưng vẫn nhận được sự từ chối. Tôi chán nản thật sự, nhìn “đống” tiền quỹ mà mọi người vừa thu - 14 triệu chứ ít gì, vậy mà bất lực! Chẳng còn cách nào, tôi mạnh dạn cầm điện thoại lên gọi tiếp. Lần này, tôi hứa với chủ quán ăn là sẽ trả tiền qua chuyển khoản và chủ quán chỉ cần đặt 14 suất ăn ở cách cổng trường 3m rồi đi. Khi chủ quán đi khuất tôi mới cho người ra lấy.

Như vậy sẽ không có việc hai bên tiếp xúc với nhau và không có nguy cơ lây nhiễm gì cả. Nghe lại hợp lý nên chủ quán đồng ý ngay. Vậy là, tôi đã lo xong bữa tối đầu tiên cho đồng đội.

Ở ngoài sân bắt đầu có tiếng lao xao. Tôi ngó ra thì thấy bên trung tâm y tế họ đã cử người về phun thuốc khử khuẩn toàn trường xong xuôi. Anh chị em người thì đang lau dọn phòng của mình, người thì đang chơi thể thao, một số người đang rục rịch nhường nhau đi tắm.

7 giờ tối, vừa lúc mọi người tắm xong thì cơm giao tới. Mọi người ý ới gọi nhau đi ăn cơm, hệt như cảnh sinh viên ở trọ ngày trước. Chị Bình và Đức đều đang ho nên lấy cơm lên phòng ăn riêng. Những người còn lại, mỗi người một suất, người ngồi đầu bàn, người cuối bàn, đảm bảo cự li giãn cách đúng chuẩn. Trong bữa ăn, mọi người cũng trao đổi dăm ba câu chuyện. Bữa ăn mùa dịch vì thế cũng đầm ấm hơn.

9h30 tối, tôi pha cho mình 1 cốc cafe nóng, khoác vội cái áo rét, rồi đi lòng vòng quanh sân trường để thưởng thức. Trường về đêm yên tĩnh quá! Chỉ còn tiếng lá xà cừ xào xạc và bóng đèn cao áp sáng xanh lặng lẽ. Tôi chưa bao giờ ở trường vào ban đêm thế này nên thấy rất tò mò, lạ lẫm. Đêm đầu tiên, tôi không tài nào ngủ được. Tôi cố rúc kín đầu trong chăn. Nhưng thời tiết hôm nay gió nồm ẩm, bí bách. Rúc trong chăn quả thật như 1 cái nồi hơi. Tôi vùng dậy, nhìn thẳng ra tất cả các cửa sổ và trộm nghĩ, cách ngắn nhất để vượt qua khó khăn là đi xuyên qua nó.

Để giết thời gian, tôi lấy máy tính, bật nhạc, vừa nghe vừa làm việc và không biết ngủ gục lúc nào. Ngày đầu tiên cách li của tôi là vậy, dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng trôi qua suôn sẻ!

Theo lời kể của cô giáo Lê Thị Thơ - Trường THPT Chúc Động (Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.