Trải lòng của nữ nhà giáo đam mê khoa học

GD&TĐ - Đối với mỗi nhà giáo làm công tác nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm là linh hồn, cốt cách tạo nên thành công.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương giới thiệu dự án nghiên cứu do USAid tài trợ với Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Vấn đề khí hậu, Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương giới thiệu dự án nghiên cứu do USAid tài trợ với Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Vấn đề khí hậu, Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoài làm phòng thực hành kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên, nơi này còn giúp giảng viên thổi hồn vào bài giảng, phát triển các đề tài khoa học một cách hiệu quả nhất.

Làm 200 - 300% công suất nhờ đam mê

Nhận quyết định hàm PGS khi ở độ tuổi 39, PGS.TS Trương Thu Hương (Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Truyền thông, giảng viên cao cấp Trường Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Với người không làm chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì xem công việc này to tát.

Nhưng với chúng tôi, nó đơn giản là tìm giải pháp mới, có hiệu năng tốt hơn cho những vấn đề, khía cạnh mà thế giới chưa đề cập đến. Mặt khác, công tác trong môi trường đại học, giảng dạy song hành với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không phải là điều gì quá “kỳ vĩ”. Quan trọng là làm bất cứ việc gì tôi cũng toàn tâm, toàn ý để kết quả thế nào cũng không tiếc nuối…”.

PGS.TS Trương Thu Hương cũng cho rằng, giảng dạy ở trường đại học, giảng viên được thoải mái nghiên cứu, sáng tạo. Điều đó giúp cho bài giảng hay hơn, sống động, đi vào thực tế, kích thích niềm say mê nghiên cứu, hữu ích cho tư duy tìm kiếm, giải quyết vấn đề của sinh viên. Mặt khác, nguồn nhân lực trẻ dồi dào cũng mang đến cho giảng viên nhiều ý tưởng đa dạng, mới mẻ…

“Trong quá trình giảng dạy, tôi học được ở các em nhiều điều; khi ý tưởng cộng lại từ tập thể, sức trẻ của sinh viên, kinh nghiệm, đam mê của giảng viên thì thầy và trò sẽ làm việc hiệu quả, ý nghĩa…”, PGS.TS Trương Thu Hương nhấn mạnh.

Từng được PGS.TS Trương Thu Hương hướng dẫn, cựu sinh viên Nguyễn Xuân Hoàng, tốt nghiệp xuất sắc chương trình tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi: “Công việc nghiên cứu khoa học rất dễ nản lòng sau mỗi lần thất bại, do đó việc “truyền lửa” của người dẫn dắt vô cùng quan trọng. Có bài báo khoa học của nhóm bị phản biện với nhiều câu hỏi khó, tưởng chừng phải “đầu hàng” nhưng PGS.TS Trương Thu Hương đã động viên, khích lệ, dành thời gian ngày đêm cùng sinh viên tìm giải pháp. Sau đó, bài báo được đăng trên Tạp chí Computers in Industry của Elsevier (Hà Lan), xếp hạng Q1 - Impact Factor > 11, nằm trong top 5% tạp chí ISI hàng đầu thế giới về lĩnh vực Khoa học máy tính. Điều này đã tiếp thêm năng lượng, động lực cho tôi và các bạn trong nhóm…”.

“Dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Trương Thu Hương tôi hiểu rằng con đường nghiên cứu khoa học không trải hoa hồng, quan trọng là phải luôn giữ “lửa” đam mê, không từ bỏ khi gặp khó khăn… thì mới có thể tiến đến thành công. Cô Hương đã giúp chúng tôi vượt qua áp lực, thử thách trong học tập và nghiên cứu…”, Hoàng bày tỏ.

PGS.TS Trương Thu Hương – Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Truyền thông, giảng viên cao cấp Trường Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Trương Thu Hương – Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Truyền thông, giảng viên cao cấp Trường Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Khẳng định bản thân cùng khoa học

Hành trình 21 năm công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương đã nghe nhiều câu hỏi xoay quanh việc phụ nữ làm nghiên cứu khoa học với sự hoài nghi, lo ngại gặp khó vì luôn thấy chị “một vai hai gánh” cả việc trường lẫn việc nhà.

Còn PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương lại bộc bạch: “Phụ nữ thường có thêm thiên chức chăm con cái, gia đình nên bản thân luôn cố gắng cân đối, sắp xếp thời gian thật hợp lý nhất để thực hiện đam mê khoa học. Nói vậy không có nghĩa, nữ giới khi nghiên cứu khoa học vì đặc thù riêng mà thua kém nam giới, khoảng cách giới trong khoa học ngày càng thu hẹp. Hơn thế, mỗi người có thể lựa chọn lĩnh vực phù hợp với năng lực bản thân để phát huy…”.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương cũng cho rằng nghiên cứu khoa học là công việc thường ngày của một giảng viên đại học, nó mang trong đó đam mê, yêu thích và khát vọng tận hiến. Ở Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ, trong đó tạo điều kiện cho nữ giới làm nghiên cứu khoa học; Đồng thời, các cơ quan, tổ chức cũng xây dựng nhiều chính sách khuyến khích nữ giới phát triển khả năng khoa học. Đây chính là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ, thúc đẩy tỷ lệ nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng.

Hiện nay, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương tập trung nghiên cứu ảnh hưởng các vấn đề môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Cùng đó PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương đã chủ trì và tham gia thực hiện chính hơn 10 đề tài nghiên cứu thuộc Quỹ NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), đề tài cấp bộ, ngành và cấp cơ sở đặc biệt là các đề tài hợp tác quốc tế với nhiều quỹ đầu tư lớn như Quỹ Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Thách thức nghiên cứu toàn cầu Vương quốc Anh (GCRF), Ngân hàng Thế giới (WB), JICA, DANIDA. Cô còn là tác giả của 20 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín và hàng chục bài báo trên các tạp chí trong nước.

TS Nguyễn Đức Việt, cựu sinh viên xuất sắc toàn khóa Kỹ thuật Môi trường K57, Đại học Bách khoa Hà Nội, từng được PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương hướng dẫn, chia sẻ: “Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học cháy bỏng, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương đôi khi truyền cảm hứng cho tôi và các bạn học một cách thầm lặng, nhưng cũng có khi trực tiếp gợi mở cho chúng tôi nhiều ý tưởng hay, ý thức với nghề, trách nhiệm cùng xã hội. Chúng tôi khâm phục và học hỏi ở cô nhiều điều cả trong nghiên cứu khoa học và cuộc sống…”.

TS Nguyễn Đức Việt đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Đại học Ghent (Bỉ) Global Campus. Dù đã rời xa mái trường để học tập, nghiên cứu tiếp ở môi trường mới, hiện đại của thế giới… nhưng trong lòng cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn khắc ghi câu nói truyền cảm hứng của PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương năm nào và coi đây như “kim chỉ nam” cho bản thân khi thực hiện vai trò người thầy: “Có những việc, dù không thích vẫn có thể làm tốt, thậm chí trở thành một chuyên gia. Nhưng dạy học, nếu không yêu người, yêu nghề thì mãi mãi bạn không thể làm tốt công việc cao quý đó…”.

“Nhiều năm làm nghiên cứu khoa học, tôi thấy may mắn khi nhận được sự hậu thuẫn từ gia đình, ủng hộ của đồng nghiệp, xã hội. Gia đình tôi, mọi người đều độc lập trong công việc nhưng vẫn hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Dù thời gian cho khoa học bận đến mấy tôi vẫn tranh thủ bên các con để lắng nghe, chia sẻ, giải tỏa áp lực cuộc sống và vun đắp tình cảm gia đình. Nhờ thói quen này, các con vừa xây dựng tính tự lập nhưng vẫn coi trọng gắn kết gia đình…”, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tường thuật xổ số miền bắc siêu nhanh