Các nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu sự hình thành sao và các hành tinh (StarPlan) ở Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện, hé lộ một lịch trình mới trong hình thành Trái đất nguyên thủy. Bằng cách đo các đồng vị sắt trong các thiên thạch được chọn lựa, các nhà khoa học đưa ra kết luận là Trái đất nguyên thủy đã hình thành trong khoảng 5 triệu năm.
Trong thang độ thiên văn, đây là thời gian khá ngắn ngủi. Nếu coi thời gian tồn tại của Hệ Mặt trời là 24 giờ, thì thời gian hình thành Trái đất nguyên thủy chỉ chiếm 90 giây. Theo các nghiên cứu trước đó, trong “24 giờ tồn tại của Hệ Mặt trời”, thời gian hình thành Trái đất nguyên thủy là 5 - 15 phút.
Theo StarPlan, Trái đất không hình thành trên cơ sở các va chạm tình cờ của các thiên thể lớn hơn qua hàng chục triệu năm. Thuyết Trái đất hình thành trên cơ sở tích tụ bụi vũ trụ có vẻ thích hợp hơn. Điều này được khẳng định bởi các phép đo chính xác nhất đối với các đồng vị sắt từ các thiên thạch khác nhau.
“Nếu sự hình thành Trái đất là quá trình ngẫu nhiên, trong đó các thiên thể va chạm với nhau thì chúng ta không thể so sánh thành phần sắt Trái đất với một kiểu thiên thạch. Thay vào đó chúng ta sẽ có hỗn hợp tất cả thiên thạch”, GS Martin Schiller, tác giả chính công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.
Sự việc một loại vật chất có xuất xứ từ các thiên thạch carbon kiểu CI co ý nghĩa quan trọng trong phân tích thời gian hình thành Trái đất nguyên thủy.
“Kỷ nguyên duy nhất trong lịch sử Hệ Mặt trời, trong đó vật chất giống như thiên thạch CI dễ dàng được tìm thấy trên Trái đất, chính là thời kỳ tồn tại đĩa tiền hành tinh”, GS Schiller nói.
Thời kỳ đĩa tiền hành tinh kéo dài khoảng 5 triệu năm. Các loại bụi đặc trưng của thiên thạch CI đã kết hợp với khí và bắt đầu quay xung quanh Mặt trời, để từ đó hình thành nhân Trái đất nguyên thủy.
Những phát hiện mới cho thấy, các hành tinh trong các khu vực khác của vũ trụ cũng có thể hình thành nhanh hơn so với dự đoán trước đây.