Nhóm học sinh gồm các em Võ Trần Anh Huy, Võ Phương Thùy, Phan Nguyễn Thảo Vy và Nguyễn Thanh Thúy.
Tận dụng vỏ sầu riêng
Võ Trần Anh Huy - trưởng nhóm cho biết, ý tưởng thực hiện đề tài này là khi các em thấy vỏ sầu riêng được thương lái, người sử dụng thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm.
Ngoài ra, năm 2023, sản lượng sầu riêng cả tỉnh Bến Tre là 2.500 tấn. Trong những năm gần đây, giá nguyên liệu tăng cao, giá thịt vịt thì giảm. Từ đó dẫn đến kinh tế của các hộ chăn nuôi giảm mạnh. Trong khi đó, xu hướng sống xanh, nhu cầu về thực phẩm thịt vịt an toàn đang tăng mạnh.
Dựa trên nghiên cứu về thành phần hóa học của vỏ sầu riêng, nhóm học sinh thấy nó chứa nhiều hoạt chất dinh dưỡng như protein, xơ, béo, axit phenolic, phenolic glycoside, flavonoid, coumarin, tritepen, glycoside đơn giản, cellulose, pectin, lignin... Tất cả những thành phần này có khả năng thay thế vào khẩu phần ăn của gia cầm tổng quát và vịt cụ thể.
Vỏ sầu riêng có thể thay thế một phần nguyên liệu chế biến thức ăn của vịt. Điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nguồn thức ăn hữu cơ chất lượng cao cho gia cầm nói chung và vịt thịt nói riêng.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và lên kế hoạch thực hiện dự án sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp với phương pháp nuôi vịt hữu cơ.
Vỏ sầu riêng được loại bỏ phần xanh lấy phần thịt xay nhuyễn, sau đó ủ với bột u nguyên từ 7 - 10 ngày, phối trộn các nguyên liệu nén thành viên và sau đó cho vịt ăn. Thức ăn có thể sản xuất tại gia đình. Lượng thức ăn này sản xuất ra không chứa chất bảo quản nên nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu bảo quản được từ 10 - 15 ngày.
Nhóm nghiên cứu đã lên men bột vỏ sầu riêng bằng men saccharomyces cerevisiae (S. Cerevisiae), chủng nấm men không chỉ được áp dụng rộng rãi trong ngành lên men đồ uống và sản xuất protein đơn bào mà còn được bổ sung vào thức ăn chăn nuôi. S. Cerevisiae rất giàu chất dinh dưỡng cũng như là một nguồn nấm men sống đã được chứng minh là cải thiện năng suất vật nuôi và giảm bệnh tật.
Việc bổ sung β-glucan chiết xuất từ S.Cerevisiae đã làm tăng khả năng sinh trưởng nhờ vào kích thích sự phát triển của vi sinh vật sinh lactic. Do đó lợi khuẩn trở nên quan trọng thay thế cho kháng sinh làm phụ gia cho chăn nuôi.
Đây là một trong những chế phẩm probiotic đang được đánh giá như một giải pháp thay thế hiệu quả và cung cấp một trong những phương thức an toàn bền vững đối với vật nuôi và người tiêu dùng.
Xây dựng quy trình để người nông dân tự áp dụng
ThS Mai Hữu Thuần - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, người hướng dẫn nhóm cho biết, mục tiêu chính của ý tưởng là sử dụng vỏ sầu riêng chế biến thành sản phẩm thức ăn hữu cơ thân thiện với môi trường và tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Nhóm tác giả cũng xây dựng quy trình tạo ra thức ăn hữu cơ với 4 bước, khá dễ thực hiện cho nông dân và chỉ cần máy ép viên đơn sơ. Điều thú vị là nhóm đã nghiên cứu bột vỏ sầu riêng lên men phối trộn với nhiều nguyên liệu có sẵn ở địa phương như: Rau muống, cá vụn, bắp vàng, cám dầu dừa ép máy, thân cây chuối... và thu được kết quả khả quan.
Về hiệu quả kinh tế, ThS Mai Hữu Thuần cho biết: “Chi phí sản xuất ra 1kg thức ăn chăn nuôi từ bột vỏ sầu riêng lên men khoảng 6.800 - 7.100 đồng. Trong khi đó, giá thức ăn cho vịt trên thị trường từ 9.500 - 10.500 đồng/kg. Mỗi con vịt nuôi 3 tháng, tiêu tốn từ 3,8 - 4,5kg thức ăn (chưa kể chi phí thuốc thú y, tiền mua vịt giống, chi phí chuồng trại...).
Sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men kết hợp nguyên liệu địa phương và nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ giúp người nuôi giảm được từ 8 - 10 nghìn đồng chi phí thức ăn cho mỗi con vịt, người chăn nuôi có thể tăng thêm thu nhập”.
Võ Trần Anh Huy chia sẻ, thực hiện đầu tư mô hình dự án này hết 30 triệu nên chúng em đã xây dựng kế hoạch kinh doanh trong vòng một năm tới theo 2 dòng sản phẩm song song, thức ăn hữu cơ và thịt vịt hữu cơ. Về phần vịt hữu cơ, chúng em bán các sản phẩm thức ăn hữu cơ cho các hộ kinh doanh và chuyển giao công nghệ sản xuất cho các hộ và tập huấn cho các hộ nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ.
Vịt thịt, đặc biệt là vịt siêu thịt, hiện đang là một trong những loại gia cầm phổ biến tại tỉnh Bến Tre. Người chăn nuôi ưu tiên lựa chọn đầu tư vào việc nuôi vịt, bởi chúng có tốc độ phát triển nhanh và sản xuất ra nhiều thịt, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Nguồn thức ăn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và dưỡng chất cho vịt, đảm bảo sự phát triển và sức đề kháng của chúng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước đã gặp khó khăn, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Điều này đã dẫn đến tăng chi phí sản xuất thức ăn và giá thành, với mức tăng lên đến 33 - 40% và giảm lợi nhuận của người chăn nuôi lên đến 50%.
Thành công của nghiên cứu này sẽ đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường.