Tham dự tập huấn có đại diện lãnh đạo 63 sở GD&ĐT; đại diện Ban Phụ nữ quân đội; chuyên viên thuộc các phòng chuyên môn thuộc sở GD&ĐT; phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên một số trường mầm non của các sở GD&ĐT.
Dự và chỉ đạo tập huấn có PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.
Tại đây, công chức, viên chức quản lý, giáo viên trường mầm non của các sở GD&ĐT được tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ để triển khai nhiệm vụ đánh giá ngoài theo quy định của Bộ GD&ĐT về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.
Đợt tập huấn cũng bổ sung đội ngũ đánh giá ngoài trường mầm non cho các địa phương để thực hiện trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia; giúp triển khai thống nhất, hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non trên toàn quốc.
Trong thời gian tập huấn, Bộ GD&ĐT chia sẻ một số vấn đề cơ bản về quản lý chất lượng giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non; hướng dẫn đánh giá ngoài trường mầm non theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu tại tập huấn. |
Phát biểu chỉ đạo đợt tập huấn, Phó Cục trưởng Phạm Quốc Khánh ghi nhận kết quả đạt được về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc. Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục, như triển khai thực hiện đánh giá ngoài chưa đồng đều giữa các địa phương; đội ngũ phụ trách công tác không phải là cán bộ chuyên trách, thường xuyên thay đổi; đầu tư kinh phí cho giáo dục của nhiều chính quyền, địa phương còn hạn chế.
Cho biết toàn quốc hiện có khoảng 13.500 trường mầm non, Phó Cục trưởng Phạm Quốc Khánh nhấn mạnh cần bảo đảm tính nhất quán trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần đánh giá chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo các tiêu chuẩn, tiêu chí và đưa ra khuyến nghị để cải tiến chất lượng cho các nhà trường.
Sau đợt tập huấn, ông Phạm Quốc Khánh hy vọng Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương sẽ có cam kết thực hiện công tác đánh giá ngoài với trách nhiệm cao nhất, thực hiện hiệu quả nhất công tác này.
Phát biểu tại tập huấn, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng: Nếu không có hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài thì chất lượng giáo dục sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đoàn đánh giá ngoài không chỉ là kiểm đếm công việc mà cần rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục về đầu tư nguồn lực, thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục.
Ông Nguyễn Tân chia sẻ, hiện tại các chỉ tiêu đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đã được đưa vào Nghị quyết của UBND tỉnh nên tất cả các huyện trên địa bàn Thừa Thiên Huế đều thực hiện đầy đủ các công việc này.
Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum thì đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tập huấn hằng năm để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, giáo viên tham gia đoàn đánh giá ngoài. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư 17,18,19/2018/TT-BGD&ĐT và các Thông tư 13,14//2020/TT- BGD&ĐT cho phù hợp với Luật Giáo dục và thực tế hiện nay.
Sau khi tập huấn nội dung lý thuyết, các học viên sẽ thực hành viết phiếu đánh giá tiêu chí, báo cáo đánh giá ngoài trong kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non; trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc về những nội dung liên quan đến công tác này và viết bài thu hoạch.
Theo kế hoạch, tập huấn công tác đánh giá ngoài trường mầm non sẽ diễn ra trong các ngày 6-7/5/2024; trường tiểu học từ 8/5 - 9/5; trường trung học từ 10-11/5/2024. Công tác thực hành sẽ được tập huấn trực tiếp cho cả ba cấp học vào cuối tháng 5/2024.