Chúng ta không thể “bay cao” bằng một đội hình còn khoảng cách khá xa về chuyên môn so với nhóm các đội lọt vào bán kết giải đấu diễn ra ở Qatar. Tuy nhiên, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cũng trình làng nhiều gương mặt triển vọng và ở độ tuổi 20 - 21 họ vẫn còn có thể tiến bộ nếu như tiếp tục được đầu tư đúng hướng.
Khoảng trống mênh mông
Trước U23 Iraq, thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn có trận đấu hay nhất kể từ đầu Vòng chung kết U23 châu Á 2024. Những toan tính hợp lý về chiến thuật, nhân sự của ông Tuấn, như đưa vào sân đội hình dự bị trong trận cuối vòng bảng gặp Uzbekistan đã giúp U23 Việt Nam nhập cuộc với tâm thế tự tin hơn, gây không ít khó khăn cho đối thủ.
Tuy nhiên, chừng đó không đủ để thay đổi cục diện của cả trận đấu. Sau khoảng 2/3 thời gian thi đấu nỗ lực, hạn chế về thể lực, bản lĩnh của các tuyển thủ trẻ Việt Nam bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Nhiều vị trí trên sân chỉ còn đá bằng... tinh thần.
U23 Iraq cho thấy sự vượt trội cầu thủ U23 Việt Nam từ kỹ thuật, tư duy chơi bóng cho đến khả năng qua người, phối hợp và dứt điểm...
Pha phạm lỗi của thủ môn đội trưởng Quan Văn Chuẩn dẫn tới quả phạt 11m cùng bàn thua duy nhất, hay thẻ đỏ mà Mạnh Hưng nhận chỉ là hệ quả tất yếu. Đội bóng Tây Á xứng đáng đi tiếp cũng đồng nghĩa vòng tứ kết giải châu lục chính là giới hạn về năng lực của U23 Việt Nam.
Ở Vòng chung kết U23 châu Á năm 2022, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Gong Oh-kyun cũng chia tay giải đấu châu lục ở vòng tứ kết, thua 1-2 trước U23 Ả-rập Xê-út.
U23 Việt Nam không vào bán kết U23 châu Á là thất bại của một chiến lược dài hơi. Theo định hướng ban đầu, huấn luyện viên Troussier được trao tất cả những gì tốt nhất để đưa U23 Việt Nam vào bán kết và tranh vé đến Pháp. Những giải đấu như SEA Games 32, ASIAD 19, và kể cả đội tuyển Việt Nam được “bật đèn xanh” trẻ hóa mạnh mẽ và các trận giao hữu quốc tế cũng chỉ hướng đến mục tiêu nhằm tạo ra đội hình U23 đủ sức cạnh tranh suất tham dự Thế vận hội mùa Hè 2024.
Mặc dù vậy, việc ông thầy người Pháp “giữa đường đứt gánh” sau những thất bại bẽ bàng tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 đã đẩy U23 Việt Nam vào tình thế muôn vàn khó khăn.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam buộc phải nhờ huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn “chữa cháy”. Quãng thời gian hơn 2 tuần chuẩn bị cho giải đấu châu lục không đủ để ông thầy họ Hoàng có thể hoàn thành chỉ tiêu Olympic.
Những người trong cuộc hiểu điều đó. Có chăng chỉ là sự nuối tiếc trong một vài khoảnh khắc nào đó, cảm giác mộng mơ về điều kỳ diệu mà đôi khi vẫn hiện hữu đâu đó trên sân cỏ ùa về, nhưng cuối cùng đã không đến.
Cá nhân ông Tuấn, trong vai người đóng thế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tận dụng cơ hội đánh bại những đối thủ yếu như U23 Kuwait hay U23 Malaysia để đưa U23 Việt Nam vào tứ kết.
U23 Việt Nam (giữa) thua U23 Iraq ở tứ kết. Ảnh: ITN. |
Điều quan trọng hơn, không chỉ đến trận thua U23 Iraq tại Qatar mà những cuộc đọ sức đỉnh cao khác gần đây, U23 Việt Nam đều đi theo kịch bản khá tệ.
Đơn cử như vấn đề thẻ phạt, thủ môn Quan Văn Chuẩn bị thẻ đỏ trực tiếp trong hiệp 2 trận gặp U23 Ả-rập Xê-út tại tứ kết năm 2022, và mới đây hậu vệ Mạnh Hưng bị truất quyền thi đấu ở cuối trận thua U23 Iraq cũng ở tứ kết và trước đó trong trận này Quan Văn Chuẩn mắc lỗi dẫn đến quả phạt đền.
Tính riêng giải đấu tại Qatar năm nay, U23 Việt Nam phạm lỗi 38 lần ở vòng bảng, thuộc nhóm 5 đội phạm lỗi nhiều nhất, tính tổng cộng sau vòng tứ kết, các học trò của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nhận 9 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ và 2 quả phạt đền sau 4 trận.
Những thống kê về thẻ phạt, những quả phạt 11m phản ánh khách quan về hạn chế trong đào tạo, lối chơi tiểu xảo và tâm lý triệt hạ còn khá phổ biến với bóng đá Việt Nam. Và khi những thứ đó còn môi trường phát triển, các đội tuyển Việt Nam đều phải trả giá rất đắt khi bước ra sân chơi quốc tế, vào thời điểm bóng đá được hỗ trợ bởi công nghệ “trọng tài trợ giúp qua video” - Video Assistant Referee (VAR).
Từ đầu năm 2024 đến nay, các đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam đã nhận tới 6 thẻ đỏ. Con số đủ sức để những người có trách nhiệm phải nhìn lại công tác đào tạo, huấn luyện cũng như vấn đề giáo dục trong bóng đá.
Cũng từ đây, bóng đá Việt Nam một lần nữa cần nghiêm túc rút ra cho mình nhiều bài học, nếu muốn vươn xa, hội nhập bền vững với bóng đá đỉnh cao thế giới.
Chúng ta cần phải phổ biến sâu rộng kiến thức, luật lệ về công nghệ VAR, cũng như phải thực thi nghiêm khắc trong điều kiện hiện có. Tránh tâm lý dung dưỡng, xuê xoa cho lối chơi xấu, trả đũa kiểu trẻ con mà nó xảy ra khá thường xuyên mỗi khi các đội tuyển, kể cả cấp đội tuyển quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gặp nhau. Những cái đó đã hình thành ý thức trong một bộ phận không nhỏ cầu thủ. Thay đổi ý thức không dễ chút nào!
Thủ môn Quan Văn Chuẩn. Ảnh: ITN. |
Con đường nào cho U23 Việt Nam?
U23 Việt Nam bỏ lỡ cơ hội giành vé tham dự Olympic 2024. Tuy nhiên, phải thẳng thắn với nhau rằng, ngay cả khi không gặp bất ổn vị trí người cầm quân thì bóng đá trẻ Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với nhóm các đội lọt vào vòng bán kết giải đấu năm nay tại Qatar, không dễ thu hẹp trong một vài năm. Khả năng giành vé tham dự Thế vận hội của bóng đá Việt Nam mới dừng ở tham vọng.
Ngay cả với đối thủ cùng khu vực là U23 Indonesia, U23 Việt Nam đang có dấu hiệu thua kém khá nhiều. Đội trẻ xứ Vạn đảo thể hiện đẳng cấp nổi bật so với mặt bằng Đông Nam Á khi quật ngã U23 Hàn Quốc ở tứ kết, cũng như chơi khá vững vàng trước U23 Uzbekistan ở bán kết.
Dù vậy, U23 Việt Nam dưới tay huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn vẫn mang đến nhiều mặt tích cực sau một giai đoạn “hoang mang” và “tranh cãi” dưới thời ông Troussier.
Với việc U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng trước một vòng đấu, tái lập thành tích như năm 2022, ông Tuấn cùng các học trò góp công giúp bóng đá Việt Nam tạm thời không chìm thêm vào khủng hoảng, niềm tin dần trở lại. Thành tích đó đáng khen khi huấn luyện viên quê Khánh Hòa chỉ có thời gian rất ngắn chuẩn bị lực lượng, xây dựng lối chơi và định hình bộ khung.
Cá nhân ông Tuấn trong vai trò thuyền trưởng, và cả U23 Việt Nam còn chịu thiệt thòi bởi 2 ca chấn thương nặng đều rơi vào những vị trí trụ cột là Minh Trọng và Tuấn Tài.
Theo huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, U23 Việt Nam chơi tốt hơn qua từng trận đấu. Trong trận tứ kết, U23 Việt Nam thể hiện được nhiều sự khác biệt so với các trận trước. Tuy nhiên, do đối thủ mạnh hơn nên có thể nhiều người chưa thấy rõ điều đó. Với ông, các học trò đá với đội mạnh (U23 Iraq, P.V) tiến bộ rõ về chuyên môn, chiến thuật.
“Ở vòng bảng, lối chơi của U23 Việt Nam còn nhiều sai sót, lỗi kỹ thuật. Chúng ta gặp những thẻ phạt không đáng có. Nhưng ở tứ kết, tinh thần thi đấu, lối đá, đấu pháp của cầu thủ Việt Nam đều được thể hiện tốt. Tôi thấy các cầu thủ chơi quyết tâm, tạo nên được tính tập thể cao và đoàn kết”, ông Tuấn chia sẻ.
Đáng chú ý, theo thống kê của trang Seasia.goal, U23 Việt Nam đến Qatar với đội hình trẻ nhất giải đấu châu lục. Trong danh sách 23 tuyển thủ, có 10 cầu thủ từ 21 tuổi trở xuống, và thành viên trẻ tuổi nhất là trung vệ Nguyễn Mạnh Hưng sinh năm 2005, người nhận thẻ đỏ ở trận tứ kết gặp U23 Iraq.
Đặc biệt, có đến 14 cầu thủ vẫn đủ tuổi để đá Vòng chung kết U23 châu Á năm 2026, giải đấu sẽ diễn ra tại Ả-rập Xê-út. Danh sách bao gồm: Nguyễn Hồng Phúc (20 tuổi), Lê Nguyên Hoàng (19), Nguyễn Đức Việt (20), Nguyễn Quốc Việt (20), Bùi Vĩ Hào (21), Nguyễn Văn Trường (20), Nguyễn Văn Việt (21), Nguyễn Đình Bắc (19), Hồ Văn Cường (21), Nguyễn Đức Phú (21), Khuất Văn Khang (20), Nguyễn Thái Sơn (20), Nguyễn Mạnh Hưng (18), Đoàn Huy Hoàng (20).
Trong số những cầu thủ còn đủ tuổi đá giải châu Á sau 2 năm nữa, một số gương mặt dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế, từng khoác áo đội tuyển Việt Nam như Vĩ Hào, Văn Khang, Đình Bắc, Văn Cường hay Thái Sơn… Đồng thời, cũng cần phải nói thêm, hầu hết cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại đủ tuổi tham dự SEA Games 2025 tại Thái Lan, ngay cả khi nước chủ nhà giới hạn là đội U22, và với những gì đang có, lứa này mang đến cơ sở vững chắc cho mục tiêu giành lại chức vô địch ở đại hội thể thao khu vực.
Và chờ xem, những cầu thủ U23 Việt Nam nào sẽ góp mặt cùng đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại World Cup 2026 vào tháng 6 tới, hay ASEAN Cup 2024 vào cuối năm nay.
Nhưng với U23 Việt Nam lúc này, vấn đề hàng đầu không phải là những con số thống kê, mà họ sẽ được phát triển như thế nào để phát huy đúng và hết tiềm năng.
Trở về từ Qatar, điều huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn trăn trở là các tuyển thủ U23 Việt Nam được thi đấu quá ít ở câu lạc bộ.
Ông Tuấn cho biết: “Những lứa trước, bóng đá trẻ Việt Nam luôn có ngôi sao, đơn cử như Công Phượng, Tuấn Anh hay Quang Hải... Nhưng lứa U23 hiện nay, tính tập thể nổi trội. Vì thế, điều tôi lo nhất là có đến 90% số cầu thủ U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024 rất ít được thi đấu ở V-League hay hạng Nhất. Vẫn biết những cầu thủ này từng dự SEA Games, vòng loại U23 châu Á, nhưng đó là các giải quốc tế, mỗi năm chỉ có vài trận. Điều kiện để trưởng thành là họ cần được thi đấu thường xuyên ở câu lạc bộ”.
Quả thực, vấn đề cầu thủ trẻ không được thi đấu ở cấp câu lạc bộ là vấn đề tồn tại dai dẳng nhiều năm, gần đây nổi cộm từ thời huấn luyện Park Hang Seo cho đến Troussier và giờ đến ông Tuấn lên tiếng.
Theo ông Tuấn, Quan Văn Chuẩn là tuyển thủ U23 thi đấu nhiều nhất ở V-League. Thế nhưng, đến nay, thủ môn sinh năm 2001 này mới 14 lần ra sân trong màu áo câu lạc bộ Hà Nội. Điều đó tác động mạnh mẽ đến tâm lý thi đấu, cảm giác bóng và năng lực.
Hay như trung vệ Nguyễn Mạnh Hưng nhận thẻ đỏ ở tứ kết, cầu thủ này hiện đá ở hạng Nhất và trước giải đấu ở Qatar, chỉ biết đến VAR qua báo đài, video trên các nền tảng mạng xã hội. Ngay cả Văn Khang cũng ít khi được đá chính ở Thể Công - Viettel. Văn Tùng, Văn Trường, Văn Cường... chưa có suất ổn định. “Đó là hạn chế và khó khăn của U23 Việt Nam”, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nêu quan điểm.
Khi được trao quyền nắm đội tuyển U23 Việt Nam tham dự giải đấu tại Qatar, ông Tuấn chia sẻ những lời gan ruột rằng, những gì đã qua chúng ta hãy đặt sang một bên để tập trung cho tương lai phía trước. Ngày mai sẽ bắt đầu từ đội tuyển U23 của ngày hôm nay, không chỉ là chuyên môn, mà còn là niềm tin từ người hâm mộ. Mong rằng, sau những gì đã diễn ra, lứa U23 này sẽ có được đường băng thuận lợi để góp sức cùng bóng đá Việt Nam cất cánh.
“Sau giải đấu tại Qatar, U23 Việt Nam đã cho thấy cả tiềm năng và hạn chế. Các tuyển thủ thiếu trải nghiệm ở trình độ cao, trong khi đây là độ tuổi đang ở giai đoạn hoàn thiện nên họ cần được thi đấu thường xuyên để hoàn thiện bản thân.
Để hiệu quả, tôi cho rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thời gian tới cần có kế hoạch cụ thể cho lứa U23, cũng như các đội tuyển trẻ, bằng cách nào đó nâng cao số trận thi đấu, xây dựng kế hoạch huấn luyện khoa học, hoàn chỉnh, có các đợt tập huấn đan xen với đội tuyển quốc gia.
Có như thế mới không lãng phí tiềm năng của lứa U23 này, cũng như đội tuyển Việt Nam từng bước giải quyết được bài toán khủng hoảng lứa kế cận” - Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương.