Truyện ngắn: Trái ổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tiếng thắng gấp cháy bánh của chiếc xe máy ở phía sau, ông Mạnh vội quay nhìn. Một đôi nam nữ ngồi trên xe SH màu trắng tinh, quay ngang.

Truyện ngắn: Trái ổi

1.

- Keee….ét….

Tiếng thắng gấp cháy bánh của chiếc xe máy ở phía sau, ông Mạnh vội quay nhìn. Một đôi nam nữ ngồi trên xe SH màu trắng tinh, quay ngang.

- Mẹ mày, muốn chết hả?...

Đó là tiếng đay nghiến của chàng trai lái xe SH, mặc áo đen, đầu đội chiếc nón bảo hiểm màu vàng của vận động viên xe đạp, mấy lọn tóc vàng que, lòa xòa trước trán. Phía sau là một cô gái mặc áo đen hở bụng, quần siêu ngắn… cũng cùng kiểu nón và màu tóc với chàng trai.

Bên vệ đường, đứa bé đen nhẻm, áo trắng, quần soóc, trang phục học sinh tiểu học, khoảng trên dưới mười tuổi, đứng cúi mặt, trên tay cầm trái ổi, run run…

- Thì ra…

Khi ông Mạnh chạy xe qua, có thấy trái ổi khá tươi, nằm lăn lóc giữa đường. Ông thoáng nghĩ, ai đó vừa đánh rơi. Chiếc SH màu trắng đi rồi, thằng bé vẫn còn “thất thần” đứng bên đường. Ông Mạnh quay xe lại:

- Có sao không con?

Thằng nhỏ lắc đầu.

- Cẩn thận nghen con, đường nhiều xe chạy nhanh lắm, rất nguy hiểm… Chưa ăn gì hả con? Ông Mạnh hỏi, và đưa tay xem đồng hồ, đã mười hai giờ kém. Trời đang nắng như đổ lửa.

Thằng nhỏ cúi mặt, gật đầu.

- Thôi, về đi con!

- Dạ! Thằng nhỏ vừa đi, vừa chạy và… vừa “cạp” trái ổi.

Nhìn theo thằng nhỏ, mắt ông Mạnh nhòa đi…

***

2.

- Ê ê… vô vô… Mẹ mày, muốn chết hả thằng nhỏ!!!

Chiếc xe đò vừa vụt qua, cuốn theo cát bụi mù mịt, kèm theo tiếng quát là của anh lơ xe. Thằng bé khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, đen nhẻm, mình trần, quần đùi, vai quẩy chiếc giỏ đệm, nhảy vô lề đường, mặt xanh lét…

- Cẩn thận mậy nhỏ! Đường vắng tanh, đi sao để xém chút xe đò tông mầy? Tiếng anh nông dân, đang cho đàn vịt tránh nắng dưới bờ kênh cạn nước ven đường.

- Dạ, em, em…

Thằng nhỏ cúi mặt, miệng lắp bắp… Ngó thấy trái ổi trên tay thằng nhỏ, anh nông dân như hiểu ra.

- Ạ! Có lượm gì thì cũng phải ngó trước ngó sau, xe ít, nhưng nó chạy bạt mạng lắm nghen em trai.

- Dạ!

Đi qua khỏi anh chăn vịt một đoạn, thằng nhỏ đưa trái ổi lên quan sát. Trái ổi già, cứng vì chưa chín, ai đó đã cắn hai chỗ, vết răng còn nham nhở, nhưng chắc vì cứng quá nên bỏ. Thằng nhỏ ‘cạp’ mấy chỗ không được sạch và chỗ vết răng bỏ đi, ăn ngấu nghiến phần còn lại.

Ôi trời, nó cảm nhận, chưa bao giờ có trái ổi nào ngon bằng trái ổi này. Nó đang đói, đã gần mười hai giờ trưa, vì nó tan trường sau năm tiết học mà. Như mọi ngày, nó đi bộ đến trường và đi bộ về nhà. Giờ, nó đã đi hơn nửa đường, còn hơn ba cây số nữa là tới nhà.

Đó là thằng Mạnh, học sinh lớp mười, cấp ba phổ thông trường huyện.

***

3.

Mạnh, con của một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Sau giải phóng, với chương trình xóa mù chữ, đặc biệt là ở vùng kháng chiến, Mạnh và mấy anh em theo học. Mục đích là biết cái chữ thôi, cho nên, khi học đến hết lớp năm trường làng, mấy anh, chị đều nghỉ.

Mạnh vào lớp sáu cùng hai bạn cùng xóm. Chưa hết lớp sáu, hai bạn nghỉ. Từ đó, một mình Mạnh “độc đàng” từ nhà quê đến trường. Các bạn chung lớp hầu hết là ở chợ, gần trường, có điều kiện.

Nhưng đến khi hết lớp chín, thi tốt nghiệp cấp hai, lớp chỉ còn mười một bạn. Khi vào cấp ba, trường huyện cách nhà hơn sáu cây số. Cũng chính vì vậy, khi vào cấp ba chưa hết học kỳ, số bạn cũ lần lần bỏ học, dù họ có xe đạp hẳn hoi, thế là “trên dặm ngàn thiên lý” ấy cũng chỉ có mình Mạnh “độc hành”.

Nói về phương tiện, lúc học cấp một, nhà Mạnh cách trường làng khoảng một cây số rưởi, nhưng phải qua sáu cây cầu khỉ, khi mùa mưa thì cả con đường sình lầy, trơn trượt, là con đường đi bộ đến trường của Mạnh. Khi được vào cấp hai ở trung tâm xã, Mạnh phải đi bộ gần bốn cây số.

Ngày mỗi ngày, thấy thằng bé đen nhẻm, vai quẩy chiếc giỏ đệm, mặc quần đùi, băng đồng, không ai nghĩ nó đi học. Quần dài, áo sơ mi và đôi dép tổ ong sứt cả hai quay được khâu lại bằng dây kẻm, Mạnh để trong giỏ cùng với tập vở.

Tập vở Mạnh để rất cẩn thận trong bao cao su, loại bao đựng bột giặt Voso… Nhưng đó lại là thằng học sinh có thành tích học tập luôn đứng đầu lớp, đầu khối suốt từ học lớp một trường làng cho đến tốt nghiệp phổ thông.

Ba nó, thấy con vất vả quá, nhiều lần khuyên nghỉ học. Dù trong thâm tâm, ông vẫn muốn nó học tới nơi, tới chốn. Và mỗi khi ông khuyên nó nghỉ học, là y rằng nó mang giấy khen học sinh giỏi về đưa ông để thay câu trả lời.

Từ khi vô lớp sáu, cho tới hết lớp mười hai, cuối năm học, lễ tổng kết nào, ông cũng được nhà trường mời dự lễ, vì thằng Mạnh có thành tích học tập cao trong năm học, nhưng ông chỉ dự ba lần, năm Mạnh học hết lớp sáu, năm nó học hết lớp chín và năm hết lớp mười.

Mỗi lần dự về, ông đều mất ngủ nhiều đêm, nhất là năm thằng Mạnh học hết lớp mười. “Đặng Văn Mạnh, học sinh giỏi toàn diện…” tên con ông, và chính nó đang bước lên bục để nhận giấy khen và phần thưởng. Nó cũng bỏ áo trong quần, nhưng chiếc áo trắng đã chuyển màu, chiếc quần đen đã bạc thết, nhưng khá thẳng nếp, vì thằng Mạnh thức thật sớm, đốt miếng dừa cho bàn ủi con gà, để ủi phẳng lì bộ đồ để nó mặc hôm nay.

Đầu năm học, gia đình chắt bóp mua cho Mạnh hai bộ đồ, để có bộ thay, bộ đổi, cũng vì mặc từ đầu năm học, cho đến cuối năm nên chúng đã cũ, ngả màu. Đôi dép tổ ong cũng mua từ đầu nằm học, đã đứt quai, gãy mũi và được khâu lại bằng dây kẽm.

Trong khi những đứa khác, thứ hạng thấp hơn con ông, khi lên nhận giấy khen chúng mặc rất đẹp. Biết thân, hiểu phận, biết hoàn cảnh gia đình nên thằng Mạnh không hề đòi hỏi gì, chỉ mong gia đình cho nó đi học là nó mừng, nó vui nhất rồi.

Thấm thoát, Mạnh cũng học xong lớp mười hai, sau tốt nghiệp cấp ba, ba Mạnh định cho con nghỉ, vì học vậy là quá nhiều, quá cao ở các vùng còn loang lổ hố bom, vết đạn của những năm dài chiến tranh này rồi. Sau ngày tổng kết về, thấy Mạnh buồn thiệt buồn, ba của Mạnh gặng hỏi, Mạnh trút hết nỗi lòng:

- Con mơ ước được làm thầy giáo. Nhưng muốn được làm thầy giáo phải học sư phạm. Con đã làm hồ sơ đăng ký thi ngành sư phạm Đại học Cần Thơ. Con muốn đi thi, nghe nói rất khó đậu, nhưng con muốn ba cho con đi thi một lần cho biết, rồi con sẽ về làm ruộng với gia đình.

Nghe con nói, ba của Mạnh thấy thương thằng nhỏ vô cùng. Trong thâm tâm, ông cũng muốn con ông học tới nơi, tới chốn, để thay đổi cuộc đời, để thoát cuộc sống thiếu thốn, bần chật của người nông dân của vùng quê nghèo khó do chiến tranh tàn phá này. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông chưa quyết được.

- Được rồi, để từ từ ba tính.

Khi nhận giấy báo dự thi đại học, Mạnh lại rất buồn, vì nghĩ mình sẽ không được đi thi. Về đưa giấy báo cho ba, ba của Mạnh liền nói:

- Ba sẽ bán lúa, lấy tiền cho con đi thi.

Nghe ba nói, Mạnh không tin vào tai của mình.

- Thiệt hả ba?

Ba của Mạnh mỉm cười, gật gật đầu.

Ngày đi thi, hành trang của Mạnh cũng là chiếc giỏ đệm, hai bộ đồ học sinh bạc màu, sách vở của mấy năm học cấp ba, mười hai cái bánh lá dừa nhân chuối má gói hôm trước, để Mạnh đem theo ăn mấy ngày dự thi.

Và… Mạnh vào Đại học.

***

Những năm học Đại học, thời bao cấp, tuy ăn uống kham khổ, ký túc xá chật hẹp, nhưng có cái ăn, có chỗ ở, với Mạnh, vậy là sướng lắm rồi. Để có tiền mua thêm sách, vở, viết, sinh hoạt… Mạnh tranh thủ đi làm thêm vào các ngày cuối tuần, những buổi thời khóa biểu trống. Làm đủ thứ, từ khuân vác gạch, đá cho các công trình xây dựng, làm cỏ, dọn ao cho các nông trường, trại giống…

Ra trường, do thành tích học tập tốt, Mạnh được phân công về giảng dạy một trường cấp ba tại trung tâm tỉnh. Như thời học sinh, Mạnh cầm bằng tốt nghiệp Đại học và quyết định phân công đưa ba, ba của Mạnh xem, mím môi, mắt đỏ hoe.

Cũng do đạt nhiều thành tích trong công tác, ông Mạnh lần lượt được bổ nhiệm các vị trí quản lý, lãnh đạo cao của ngành giáo dục của tỉnh.

Đã gần bốn mười năm rồi, biết bao nhiêu cung bậc của cuộc đời, nhưng với ông Mạnh, trái ổi ngày ấy, “hương thơm, vị ngọt” của nó đã và sẽ mãi theo ông đến hết cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ