Theo NASA, thiên thể 2016 HO3, hiện đang dần khóa mình vào trong “một điệu nhảy” – một quỹ đạo cố định – với Trái Đất.
Quỹ đạo của thiên thể này tương đối bất thường. Dường như nó có ý định "ve vãn" Trái Đất khi quỹ đạo của nó thay đổi lệch đi từ 38 đến 100 lần khoảng cách từ hành tinh chúng ta đến Mặt trăng chính, và dao động lên xuống quanh mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất.
NASA cho biết thiên thể này có đường kính từ 36m đến 91m, nhỏ hơn nhiều so với Mặt Trăng chính của chúng ta. Có khả năng nó đã quay quanh thế giới của chúng ta trong vòng một thế kỷ nay, và sẽ tiếp tục đi cùng chúng ta trong nhiều thế kỷ nữa.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 2016 HO3 vào ngày 27 tháng Tư vừa rồi khi kính viễn vọng đặt tại Haleakala, Hawaii đang khảo sát thiên thể Pan-STARRS 1.
Tuy nhiên, nếu như Trái Đất hay những người sống trên đó chuẩn bị vui mừng vì sắp có một Mặt Trăng thứ hai, thì chắc hẳn niềm vui đó sẽ không kéo dài được lâu.
Trên thực tế, 2016 HO3 chỉ là một ví dụ chính xác nhất cho việc “rắc thính”, vì trong khi quỹ đạo chính xác của nó là quay quanh Mặt Trời, việc lại gần Trái Đất chỉ như một bước nhảy cóc của thiên thể này dưới tác động của lực hấp dẫn từ hành tinh chúng ta.
Do vậy, NASA kết luận nó chỉ là một giả vệ tinh (quasi-satellite).
Và 2016 HO3 cũng không phải trường hợp duy nhất từng làm vậy với Trái Đất của chúng ta. 2016 HO3 hay như rất nhiều những vật thể khác mà chúng ta từng cho rằng đó là Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất, thực ra chỉ là các giả vệ tinh. Những vật thể này cũng quay xung quanh Mặt Trời như Trái Đất, nhưng hình dạng quỹ đạo thì hơi phức tạp hơn một chút.
Như vậy, có lẽ sau vài nghìn năm đồng hành, Trái Đất vẫn chỉ có một Mặt Trăng mà thôi.