TPHCM trước 'giờ G' bứt tốc, cả hệ thống đã sẵn sàng?

GD&TĐ - Những cơ chế, chính sách lần đầu được trao cho TPHCM trong Nghị quyết 98 được kỳ vọng giúp TP phát triển mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế, xã hội.

Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM.
Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM.

Thúc đẩy hạ tầng, nguồn lực

Nghị quyết số 98 năm 2023 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.

Nghị quyết 98 có 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được chia thành 2 nhóm cơ bản, gồm: Những cơ chế, chính sách kế thừa Nghị quyết 54 của Quốc hội và những cơ chế, chính sách mới.

So với Nghị quyết 54, Nghị quyết 98 gồm nội dung rộng hơn và cụ thể hơn trên nhiều lĩnh vực.

Nghị quyết cho phép TPHCM thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với các tuyến giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai…

Nghị quyết cũng cho phép TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách TP.

Nghị quyết còn cho phép UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ 2 - 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán.

TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Về tổ chức bộ máy, Nghị quyết 98 cho TPHCM chủ động hơn, như việc HĐND TP có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số; hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, đảm bảo tinh gọn, không vượt quá số lượng theo quy định của Chính phủ.

UBND TPHCM cũng được quyền quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn sang các cơ quan khác cùng hệ thống chính quyền.

Kỳ vọng về “cú hích” giúp phát triển vượt bậc

Người dân kỳ vọng cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM giải quyết vấn đề kẹt xe, ngập nước.

Người dân kỳ vọng cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM giải quyết vấn đề kẹt xe, ngập nước.

Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để TPHCM phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng cao.

Ông Lê Đức Minh, người dân ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, mong muốn nhờ có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe, ngập nước, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông.

“Thời gian qua, có quá nhiều nút thắt, điểm nghẽn trong tiến độ thi công các công trình trọng điểm khiến nhiều công trình giao thông, hạ tầng trì trệ. Rất mong mọi dự án sẽ được khơi thông sau tháng 8”, ông Minh chia sẻ.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu, viên chức hưu trí ở quận Bình Thạnh, hy vọng, Nghị quyết 98 với các cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy sẽ giúp TPHCM nâng cao chất lượng hành chính công.

“Nghị quyết này đòi hỏi cán bộ, công chức phải có năng lực chuyên môn cao, năng động, sáng tạo. Khi đó, những lề thói làm việc kiểu cũ như hạch sách, nhũng nhiễu sẽ bị loại bỏ”, bà Thu nói.

Về phía doanh nghiệp, họ hy vọng Nghị quyết 98 sẽ tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển mạnh hạ tầng, nguồn vốn. Điều này sẽ trực tiếp giúp doanh nghiệp phát triển, vượt qua khủng hoảng sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), điểm nhất của Nghị quyết 98 là cơ chế “thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD)”.

Đây là mô hình phát triển đô thị đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, gắn liền với phát triển đồng bộ các loại hình giao thông công cộng và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai vùng phụ cận các công trình giao thông, tăng thêm các tiện ích và dịch vụ đô thị phục vụ cư dân và khách vãng lai.

Nghị quyết cho phép HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3.

Việc này nhằm thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, UBND TP được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

“Theo cơ chế này, TP vừa tạo được quỹ đất để thực hiện tái định cư tại chỗ cho người có đất bị thu hồi, vừa tạo được quỹ đất để thực hiện đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư”, đại diện HoREA nhận định.

Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 29/6, nhiều lãnh đạo sở ngành, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những kỳ vọng trước ngày Nghị quyết 98 có hiệu lực.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TPHCM cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 98, trong đó nâng cao năng lực bộ máy hành chính các cấp ngang tầm với nhiệm vụ thực hiện nghị quyết này.

Ngoài ra, TP cần rà soát lại mục tiêu chương trình chuyển đổi số, đặc biệt nội dung chính quyền số tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng công vụ, nhất là dịch vụ công.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tổ chức quán triệt tinh thần nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với tinh thần, tâm thế chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

“Cần hết sức tập trung để khi Nghị quyết 98 có hiệu lực thì hành động ngay”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

“Dự kiến, Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ toàn TP, triển khai thực hiện Nghị quyết 98; Chỉ thị của Thành ủy TPHCM và kế hoạch của HĐND, UBND TP. Trên cơ sở này, TP sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống ngay khi triển khai thực hiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.