Vẫn còn e ngại việc xây dựng 'siêu cảng Cần Giờ' tại TPHCM

GD&TĐ - Cảng Cần Giờ còn được gọi là 'siêu cảng', có công suất gấp 3 lần cảng Cát Lái, được kỳ vọng tạo đột phá cho TPHCM, nhưng vẫn còn những e ngại.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. (Ảnh: Portcoast)
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. (Ảnh: Portcoast)

Công suất gấp gần 3 lần cảng Cát Lái

Cù lao Phú Lợi (cù lao Ông Chó nằm ở cửa sông Cái Mép, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) là vị trí được TPHCM “nhắm” đến cho việc hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Cù lao này được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu. Cù Lao có hơn 93ha rừng phòng hộ, trong đó hơn 82ha đất có rừng.

Đây là khu vực nằm trong vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ phục vụ cho Campuchia, Lào, Đông Bắc Thái Lan, Nam Trung Quốc, Philippines và đón nhận một phần hàng hóa do chính các hãng tàu dịch chuyển từ Singapore sang.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển - Portcoast (đơn vị lập đề án), cảng nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, nếu hình thành sẽ có nhiều lợi thế cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics.

Cảng được hình thành với định hướng phát triển với các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại gắn liền với giải pháp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững, đặc biệt là các giải pháp ứng phó theo các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được dự báo, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, với quy mô 6,8km bến tàu mẹ, 1,9km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93ha, diện tích mặt nước 477,63ha.

Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs - đơn vị xác định năng lực vận chuyển hàng hóa đường biển. Khoảng cách tuyến bến - biên luồng từ 340m - 393m.

Cảng Cần Giờ có công suất gấp gần ba lần cảng Cát Lái (khoảng 16,9 triệu TEUs). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,4 tỉ USD, theo 7 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2027 và giai đoạn 7 sẽ hoàn thành vào năm 2045.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, lịch sử phát triển Sài Gòn - TPHCM hơn 300 năm qua gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển, đặc biệt là khu bến cảng Nhà Rồng.

Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là Soài Rạp và Lòng Tàu, tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4.

Mực nước biển sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của TPHCM và cả nước.

“Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TPHCM nói riêng, cũng như các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung”, lãnh đạo TPHCM khẳng định.

Vẫn còn những e ngại

Cù lao Phú Lợi. (Ảnh: ITN)

Cù lao Phú Lợi. (Ảnh: ITN)

Dù có nhiều lợi ích kinh tế, nhưng việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng gặp phải những e ngại từ một số chuyên gia.

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đánh giá cao ý tưởng xây dựng cảng, nhưng theo ông, TPHCM cần nghiên cứu sâu hơn và nên có đánh giá về tác động của dự án đến môi trường và đời sống của người dân địa phương.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, huyện Cần Giờ hiện là khu dự trữ sinh quyển lớn, vậy khi làm cảng có bị tác động hay không. Theo phân tích, việc xây dựng cảng phải nạo vét 30,5 triệu m3 đất, cát từ biển sẽ tác động đến chất lượng nước hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của người dân Cần Giờ.

GS Phước đề xuất nên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lên các phương án kỹ thuật, giả định các tình huống nhằm hạn chế những tác động đến môi trường.

Về lo ngại ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, theo báo cáo của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cảng nằm ở vùng chuyển tiếp khu sinh quyển, việc hình thành cảng trung chuyển mới không ảnh nhiều đến hệ sinh thái hiện hữu.

Khu vực xây dựng cảng là cù lao, tách biệt khu sinh quyển Cần Giờ, không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước, nên hoàn toàn phù hợp với mục tiêu môi trường của chiến lược quốc gia về môi trường.

Tuy nhiên, điều cần cân nhắc nhất là việc sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ (90ha). TPHCM cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phù hợp với việc phát triển cảng biển.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Xuân Sang đã lưu ý các đơn vị được phân công xây dựng đề án phải xác định cụ thể diện tích đất rừng trong ranh của đề án (bao gồm rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng phòng hộ đầu nguồn hay rừng phòng hộ biên giới).

Cục Hàng hải Việt Nam phải chú trọng tính toán về phân bổ thêm lượng hàng nội địa thông qua khu bến cảng Cần Giờ từ các bến cảng container như SPCT, Tân Cảng, Hiệp Phước...

Dù còn một số e ngại nhưng việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được UBND TPHCM đánh giá là rất cần thiết.

Theo tính toán, năm 2030, các khu cảng hiện hữu như Cát Lái, Phú Hữu, Hiệp Phước, sông Sài Gòn sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng.

Cụ thể, vào năm 2030, sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các cảng này vào khoảng 170 triệu tấn. Nếu tính tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,8% thì đến năm 2030, nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng tại TPHCM đạt xấp xỉ 230 triệu tấn/năm. Trong khi khả năng đáp ứng của các cảng biển hiện hữu chỉ đạt 170 triệu tấn, còn thiếu gần 60 triệu tấn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự xuất hiện của các hãng tàu lớn trong hoạt động trung chuyển quốc tế sẽ tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính lớn trên thế giới.

Cảng biển trung chuyển quốc tế cũng thúc đẩy sự phát triển của đội tàu vận tải biển Việt Nam trong hoạt động tham gia mạng lưới gom, phân phối hàng và thu hút vận tải từ các nước trong khu vực về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng qua cảng TPHCM năm 2022 là 733,18 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,4%/năm, và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực Cái Mép - Thị Vải) là 106,7 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.