Giải quyết đường ngập do mưa mới đạt 27%
UBND TPHCM vừa có báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình giảm ngập nước và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2021 - 2025; phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Theo báo cáo, đối với các tuyến đường ngập do mưa, TP đã giải quyết được 5/18 tuyến đường (Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát - quận Tân Bình; Nguyễn Hữu Cảnh - quận Bình Thạnh), đạt tỉ lệ 27,78%.
Đối với tuyến đường ngập do triều, TP đã giải quyết ngập 7 tuyến đường trục chính. TP đang triển khai thực hiện các dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), khối lượng đạt 93,33%; dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm) khối lượng đạt 95%.
Về xây dựng nhà máy xử lý nước thải, TP đã khởi công xây dựng các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (thực hiện từ tháng 1/2020, đến nay đạt khoảng 22,5% khối lượng công việc); xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - giai đoạn 2 thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 đến quý I/2023 đã thi công hoàn thành 100% khối lượng công việc, hiện nay đang trong giai đoạn nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng).
Trong thời gian qua, đối với việc giải quyết ngập do mưa 13 tuyến đường còn lại, TP hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với công trình Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền); bổ sung danh mục vào trung hạn 2021 - 2025 và vốn 2023 đối với công trình Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ quận Gò Vấp; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn 2021 - 2025, giao vốn 2023 cho 7 công trình còn lại để giải quyết các điểm ngập còn lại.
TP cũng tái khởi động để thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đối với dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, giải quyết 5 tuyến trục chính ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn giải quyết ngập triều trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.
Việc các dự án chống ngập úng do mưa, chống ngập do triều cường đều chưa đạt tiến độ là nguyên nhân khiến cho hàng loạt tuyến đường cũ và mới tại TPHCM ngập nặng sau 2 cơn mưa lớn vừa qua (ngày 29/6 và 2/7). Người dân sống tại các khu vực trũng của TP tiếp tục phải nhọc nhằn với nhịp điệu… mưa và ngập.
Ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020, Ban vẫn còn nhiều dự án chưa thể thực hiện vì gặp nhiều vướng mắc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban sẽ tiếp tục triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành 9 dự án.
Cụ thể, có 3 dự án giải quyết 3 điểm ngập gồm đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình). Cùng với đó là các dự án cải tạo hệ thống thoát nước như đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), đường Thảo Điền - Quốc Hương (TP Thủ Đức), khu vực chợ Thủ Đức...
Nguyên nhân chậm trễ giải ngân, ông Tân cho biết do nguồn vốn được tính toán hơn 100.000 tỉ đồng nên hiện tại nhiều dự án chống ngập khác chưa triển khai được. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, việc di dời hạ tầng điện, cây xanh... tại các khu vực của dự án phải qua nhiều quy trình cũng khiến việc triển khai trì trệ.
Cứ mưa là ngập, vì sao?
Sau cơn mưa lớn chiều 2/7, nhiều tuyến đường tại trung tâm TPHCM đã xuất hiện tình trạng ngập. Trong ảnh là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. |
Cơn mưa lớn hơn 2 giờ ngày 2/7 một lần nữa cho thấy rất rõ công tác chống ngập của TPHCM vẫn loay hoay chưa có lối ra.
Chống ngập thành công đường này thì điểm ngập lại phát sinh nơi khác.
Hàng loạt tuyến đường lớn như: Phan Anh, An Dương Vương (quận Bình Tân), đường Hòa Bình, Tô Hiệu (quận Tân Phú), Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Hiệp Bình, Quốc Hương, đường Số 4 (TP Thủ Đức), Phan Văn Hớn (quận 12) đều bị ngập nặng sau cơn mưa chiều tối 2/7.
Trong đó, tuyến đường An Dương Vương, Phan Anh (quận Bình Tân), Tô Hiệu (quận Tân Phú), đường Số 4 (TP Thủ Đức) bị ngập sâu, có nơi hơn 0,5m, khiến hàng loạt phương tiện khi lưu thông qua đây đều bị chết máy.
Việc ngập ở các tuyến đường này với người dân trong khu vực gần như thành thói quen, đến hẹn lại lên. Người dân đều sẵn sàng ứng phó, be bờ, chặn nước tràn vào nhà.
Chị Lê Hoàng Tâm, người dân tại đường số 4, TP Thủ Đức cho biết, việc đường ngập sau mỗi cơn mưa lớn có nguyên nhân từ rác che miệng cống và miệng cống có độ thoát nước hẹp do bùn cát lấp.
Tuy nhiên, theo chị Tâm, đấy chỉ là nguyên nhân phụ, nguyên nhân chính là do hệ thống cống nước nhỏ, hạ tầng đô thị chưa đồng bộ nên gây ngập.
“Thực tế việc ngập không chỉ xảy ra ở những tuyến đường lớn sau mỗi cơn mưa và triều cường. Nhiều khu dân cư, hẻm trong khu vực mỗi khi trời mưa lớn là phải chịu cảnh ngập úng kéo dài. Điều này cho thấy rõ việc quy hoạch hạ tầng đô thị chưa thật sự ổn”, chị Tâm nói.
Chỉ thẳng nguyên nhân ngập úng của TPHCM kéo dài, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng do quy hoạch thoát nước cũ của TP đã bị lỗi thời.
Thực tế trong thời gian qua, TP đã tính toán điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 để đáp ứng yêu cầu phát triển, đô thị hóa.
Tuy nhiên, như các cơ quan quản lý đã lý giải, nguồn lực cần cho công tác này là rất lớn, hơn 100.000 tỉ đồng, nhưng giai đoạn qua các dự án chống ngập mới chỉ được giải ngân hơn 17.000 tỉ đồng.
“Theo tôi được biết, quy hoạch mới TP nghiên cứu mở rộng diện tích quy hoạch thoát nước từ 650km2 lên tới 2.095km2. Quy hoạch này điều tất yếu phải làm vì sự phát triển và tốc độ đô thị nhanh chóng tại các quận huyện ngoại thành. Thực tế, các dự án quy hoạch đường thoát nước trong khu vực nội thành TPHCM không thể đáp ứng tốt cho tổng diện tích”, TS Kim Cương nói.